Cưỡi voi trên dòng Sêrêpôk
Trên lưng voi, chiếc ghế bành rộng cũng bắt đầu lung liêng theo mỗi bước chân của voi. Voi đi khá chậm rãi, nó cứ thủng thỉnh bước đi những bước ban đầu là từ bãi voi rồi dọc theo dãy phố. Voi thũng thẵng đi theo đoạn đường đất khá dài rồi đi lệch sang bên trái, hướng đó là sông Sêrêpôk…
Mấy năm trước chúng tôi lên Tây Nguyên công tác. Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân lên dải cao nguyên trung phần nên có nhiều háo hức. Suốt chặng đường xe là những bức tranh đại ngàn hùng vĩ hiện ra hai bên đường. Lúc thì là những dãy núi điệp trùng, khi thì là con đường trải nhựa phẳng lì lượn quanh co lượn lên lượn xuống. Và nữa, những rừng cà phê bạt ngàn ngỡ tưởng chỉ có trong sách vở. Bầu trời cao nguyên trong và cao xanh đến ngỡ ngàng. Giữa bao la ấy là những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Gió thổi mát rượi.
Sau một hai ngày làm việc ở thành phố Buôn Mê Thuột, chúng tôi được gợi ý đi tham quan – du lịch Bản Đôn. Hóa ra từ thành phố “thủ phủ” của Tây Nguyên đi Bản Đôn lại quá thuận lợi, chừng hơn 40 cây số. Vẫn là con đường trải nhựa phẳng lỳ. Vẫn là những vạt rừng cà phê, vạt rừng cao su xanh ngút ngát mở ra hai bên đường.
Chỉ chừng gần một giờ chạy xe theo tỉnh lộ 1 thôi là chúng tôi đã đến với Bản Đôn. Đó là địa điểm có dáng dấp của một dãy phố mang đậm nét Tây Nguyên với những ngôi nhà liền kề nhau, chủ yếu là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, bán thuốc ngâm rượu Amakong và dịch vụ ăn uống giải khát. Tuy những ngôi nhà mặt phố này không phải nhà sàn nhưng dấu ấn kiến trúc truyền thống của người Êđê và của người Lào vẫn hiển hiện bởi kiểu dáng và mái nhà. Nghe đâu Bản Đôn từng là tỉnh lỵ của tỉnh Đắk Lắk, nhưng do để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Mê Thuột
Dạo sơ một lượt dọc theo dãy phố, tôi quyết định dừng lại trước một cửa hàng bán thứ thuốc ngâm rượu nổi tiếng mang tên Amakong mà hầu như ai đã tới Bản Đôn đều mua về làm quà cho anh em bè bạn. Cũng phải nói thêm rằng, người dân Bản Đôn đã biết tận dụng tối đa sự nổi tiếng của Amakong để kinh doanh.
Thấy tôi ngơ ngác phân vân trước những lời chào mời, người bạn dẫn đường tên Văn Toản, công tác tại Đài PT-TH tỉnh Đắk Lắk mới ghé tai cho hay: Amakong vốn là một thợ săn voi nên ông thường xuyên vào rừng tìm voi và những chuyến đi như thế đã mách bảo cho ông những cây thuốc bổ mọc hoang dã trong rừng. Ông đã hái những lá thuốc rừng ấy đem về nhà và sắc uống. Đầu tiên là dùng cho giải nhiệt và tiếp đó là cho nâng cao sức khoẻ, tăng cường dẻo dai gân cốt. Nhờ những vị thuốc tự nhiên và tự thu hái tự chế biến ấy mà Amakong có một sức khỏe hơn người.
Sau câu giải thích ấy thì anh Văn Toản lại cho biết thêm: Bí quyết về “sức khoẻ” của Amakong là nằm ở chỗ nhờ ông có lối sống luôn lao động kèm với công dụng của thuốc rừng nên mới phát huy hiệu quả bản lĩnh đàn ông.
Và rồi để tôi khỏi phân vân, anh Văn Toản nói chắc nịch: Chẳng có thuốc nào bằng lao động thường xuyên và sinh hoạt lành mạnh.
Vậy là đã yên tâm, tôi quay lại nói với cậu Hồng: Giờ thì ta đi cưỡi voi một lần cho biết.
Thế là chúng tôi tới bãi voi, ở đó đã có dăm chú voi to lừng lững đang được cột xích chân vào những chiếc cọc lớn, các chú voi nhìn có vẻ nhàn nhã, chậm rãi nhai mía. Được hay là ở đây cũng có dịch vụ bán mía cây cho du khách nếu như du khách đó muốn trải nghiệm cho voi ăn. Đã có một hai chú voi vừa nhai mía vừa được người nài voi dẫn vào sát vị trí để đón khách, tiếng tháo xích loảng xoảng. Ngước nhìn lên thấy lưng voi cao, lưng lại có vẻ trần trụi nên tôi bắt đầu thấy ngài ngại.
Cậu Hồng vừa quay lại, trên tay là mấy tờ “Vé cưỡi voi”. Tôi ghé mắt nhìn giá niêm yết là 150.000 đồng cho một du khách. Theo lối cầu thang đơn sơ chúng tôi đã lên tới sàn để chuẩn bị cưỡi voi. Sàn lên lưng voi được ghép bằng những thân cây và cao chừng hơn 2 mét. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đã lần lượt lên được lưng voi. Khi đã ngồi yên vị trong một chiếc “ghế” rộng kiểu như một chiếc ngai và cũng được ghép bằng những thân cây, ghế được chằng buộc chắc chắn với voi. Nói vậy thôi chứ ghế chắc chắn thế nào nhưng đặt trên tấm lưng voi tôi vẫn thấy nó chênh vênh làm sao. Thú thực, cảm giác đầu tiên là sợ.
Theo lệnh của người nài voi, chú voi được một người đứng trên sàn tháo dây cột và bắt đầu lững thững đi những bước đầu tiên. Trên lưng voi chiếc ghế bành rộng cũng bắt đầu lung liêng theo mỗi bước chân của voi. Voi đi khá chậm rãi, nó cứ thủng thỉnh bước đi những bước ban đầu là từ bãi voi rồi dọc theo dãy phố. Voi thũng thẵng đi theo đoạn đường đất khá dài rồi đi lệch sang bên trái, hướng đó là sông Sêrêpôk. Khi ấy, Y Dam, người nài voi, được giới thiệu sinh năm 1976 nhưng có gương mặt phong sương, già trước tuổi, mới cất tiếng: “Voi sẽ đưa các chú xuống sông Sêrêpôk”. Nghe thấy thế tôi hú vía hỏi lại: “Voi lội xuống sông à?”. Y Dam trả lời “Dạ! Voi lội sông là chính mà mấy chú”.
Thôi rồi, khi chú voi chậm rãi bước từng chân từ bờ xuống dòng sông tôi đã “hết hồn” vì chiếc ghế bành trên lưng voi nghiêng ngả tưởng chừng như nó sắp chúi xuống sông. Mấy anh em chúng tôi ngồi trên lưng voi mà nín thở theo mỗi bước chân voi. Cuối cùng thì chú voi cũng đã xuống được dòng sông, nó lại chậm rãi rút từng chân một để lội dọc sát mé bờ, rồi lội ra xa hơn một chút. Tôi hỏi to Y Dam: “Ngộ nhỡ voi vui quá nó lội ra chỗ nước sâu hay bơi sông thì sao?”, Y Dam cười không nói gì.
Chú voi vẫn chậm rãi rút từng chân một để đi tiếp hành trình của mình. Sau vài phút lo lắng tôi cảm thấy yên tâm đôi chút. Đã mạnh dạn hơn, vậy là tôi vươn người thò tay ra định vốc nước từ mặt sông. Sông Sêrêpôk dịp này ngầu đỏ nhưng lưu lượng còn chưa nhiều nên dòng chảy có vẻ hiền hòa.
Giờ thì Y Dam mới cho hay: “Voi đã được huấn luyện nên nó chỉ lội dọc bờ sông. Nó cũng không bơi sông đâu nên mấy chú đừng lo. Hôm nay nước sông chảy nhẹ nên cháu mới cho voi lội sông chứ hôm nước lớn thì chỉ cho voi đi dọc đường rồi vào dạo trong rừng”.
Y Dam ngừng lời, anh chàng nài voi ngước mắt nhìn vòm trời xanh cao bát ngát rồi nói tiếp “Mấy chú hôm nay may mắn đấy. Nhiều người tới đây chỉ được cưỡi voi đi trên đường, còn được cưỡi voi lội sông thì chẳng mấy khi có, vì sông Sêrêpôk này nước chảy dữ lắm”.
Tôi bỗng có cảm giác thật thú vị: “Cho bọn chú đi thêm một lượt nữa nhé!”. Y Dam thật thà: “Đã hết giờ rồi, mấy chú muốn cưỡi voi lội sông lượt nữa thì phải về bãi voi mua vé tiếp”. Ôi chao! Đó là một trải nghiệm không dễ gì có được lần thứ hai.