Còn nhiều 'đất' cho nhà làm phim trẻ
Với sự phát triển của công nghệ cùng với nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một cao, những người trẻ đang đóng vai trò quan trọng tạo đà cho nền điện ảnh Việt Nam “cất cánh”. Tuy nhiên, để các nhân tố mới phát huy được tài năng cần có “chất xúc tác” từ nhiều phía.
Tre già măng mọc
Sau một thời gian “tranh tài”, dự án phim ngắn CJ mùa 3 vừa tìm ra 5 phim ngắn xuất sắc nhất sẽ được gửi đi tranh tài tại các Liên hoan phim (LHP) quốc tế uy tín trước khi trình chiếu rộng rãi đến khán giả.
Theo đó, 5 phim ngắn xuất sắc của mùa 3 gồm “Điềm báo” của thí sinh Hồ Thanh Thảo, “Hương kỳ trong trăng” của thí sinh Lê Can Trường, “Những con voi bên vệ đường” của thí sinh Đàm Quang Trung, “Cá mặt trăng” của thí sinh Trần Thị Hà Trang và “Con dại cái mang” của thí sinh Đào Thu Uyên.
Với tuổi đời còn rất trẻ, các tác giả giành giải đã mang đến cho cuộc thi những góc nhìn, cách làm phim hoàn toàn tươi mới. Đơn cử, thí sinh Hồ Thanh Thảo, ở tuổi đời rất trẻ đã sở hữu một bảng thành tích đáng ngưỡng mộ: Giải Búp Sen Vàng 2017 cho phim ngắn “Muộn” và giải Cánh Diều Bạc 2021 cho phim ngắn “Đường cao tốc”.
Hay tác giả Đào Thu Uyên từ năm 2016 đến nay đã thực hiện nhiều bộ phim truyện và tài liệu ngắn khắc họa cuộc sống đô thị ở Việt Nam. Năm 2017, phim ngắn “Vùng đệm” của Đào Thu Uyên được giải nhất LHP FY - Sài Gòn và được trình chiếu tại nhiều LHP khu vực Đông Nam Á…
Những dữ liệu nói trên cho thấy, thị trường điện ảnh Việt Nam đang mở ra một sân chơi lành mạnh và công bằng cho những người trẻ có đam mê với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Mới đây nhất, tại cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” cũng đã lọc ra 3 tác phẩm xuất sắc nhất từ hơn 200 tác phẩm dự thi của các nhà làm phim trẻ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Trong đó, tác phẩm giành giải Nhất là “Khu rừng của Páo” của Nguyễn Phạm Thành Đạt; giải Nhì thuộc về “Vẹt con” của Nguyễn Trần Ái Nhi và “Đứng giữa lằn ranh” của Phan Ngọc Thanh Ngân được trao giải Ba.
Với vai trò là thành viên Ban giám khảo cuộc thi và cũng là một người trẻ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá cao các tác phẩm của tác giả trẻ với những ý tưởng mới mẻ, đem đến sự bất ngờ cho khán giả, kỹ thuật quay phim ánh sáng đẹp, âm nhạc đầu tư kỹ lưỡng, cùng với đó là những khung hình đẹp. Theo đạo diễn Nhật Linh, đây là cuộc thi đem lại nhiều cơ hội cho các nhà làm phim trẻ chuẩn bị hành trang dài hơi hơn ở bước đường sau này.
Bên cạnh đó, đạo diễn Nhật Linh cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục.
“Các bạn trẻ đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, không sợ mất thứ gì nên cần táo bạo hơn, tìm kiếm những ngôn ngữ điện ảnh mới và tìm ra dấu ấn của bản thân mình, đó là điều rất quan trọng. Một mặt vừa học hỏi đàn anh đi trước, mặt khác cũng cần tìm lối đi riêng cho bản thân, kể những câu chuyện mới, gần gũi hơn, mang hơi thở của chính các bạn và thời đại ngày hôm nay” - vị đạo diễn trẻ nói.
Cơ hội đến với người trẻ
Nhiều năm trở lại đây, các cuộc thi làm phim ngắn đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng làm phim và các bạn trẻ. Phim ngắn trở thành bước đệm để các nhà làm phim trẻ định hình phong cách cá nhân, là “tấm giấy thông hành” để tiếp cận các nguồn tài trợ và ấp ủ giấc mơ lớn.
Trong những năm qua, dấu ấn của các nhà làm phim trẻ đã dần tạo ra “thương hiệu” mới cho điện ảnh Việt Nam. Mới đây nhất, bộ phim “Tấm ván phóng dao” của nữ đạo diễn trẻ Linh Đan - dự án phim đang phát triển duy nhất từ Đông Nam Á - đã được mời tham dự La Fabrique tại Liên hoan phim Cannes 2022.
“Tấm ván phóng dao” là dự án phim độc lập đầu tay của Linh Đan dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Can. Trước khi tham dự La Fabrique tại LHP Cannes, dự án đã nhận được giải Arte Kino cho dự án phim đang phát triển tại APM của LHP Busan cuối năm 2021 và đã được mời tham dự South East Asian Film Lab của LHP Quốc tế Singapore.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, để các nhà làm phim trẻ có thêm nhiều cơ hội phát huy được tài năng lại đang đòi hỏi “chất xúc tác” từ nhiều phía. Bởi thực tế từ ý tưởng, kịch bản cho đến khi ra đời một bộ phim là cả một hành trình vô vàn thử thách.
Đơn cử như bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn Cao Thúy Nhi cùng ekip trẻ trung (dưới 30 tuổi) trước khi ra rạp đã phải trải qua một hành trình đầy gian nan. Theo đạo diễn Cao Thúy Nhi, thời gian đầu đoàn làm phim đã “gõ cửa” tất cả đơn vị làm phim tại TP Hồ Chí Minh nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Để thực hiện giấc mơ này, ê kip đã phải làm một bảng kế hoạch sản xuất ghi đậm chữ “Cần tiền” với các mốc thời gian cụ thể… Nhưng kết quả cuối cùng, đoàn làm phim đã phải bỏ tiền túi tự bay sang Nhật Bản để làm một đoạn phim demo. Rất may, “Nhắm mắt thấy mùa hè” đã gặp được nhà tài trợ lớn ở Higashikawa (Hokkaido) và được hỗ trợ quay phim tại Nhật Bản với 90% bối cảnh.
Cũng có số phận long đong không kém, bộ phim “Ròm” của đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy đã phải mất gần 10 năm mới có thể hiện thực hóa giấc mơ “chinh phục khán giả” của mình. “Ròm” sau nhiều nỗ lực miệt mài đã thành công vang dội khi có tổng doanh thu lên tới 55 tỷ đồng.
“Màu cỏ úa” nói về nhạc sĩ Trần Tiến (đạo diễn trẻ Lan Nguyên) cũng có một hành trình vô cùng khó khăn. Lan Nguyên đã bắt đầu làm bộ phim “Màu cỏ úa” khi mới 25 tuổi và chỉ hoàn thành được tác phẩm khi đã ở tuổi 30.
Thực tế cho thấy, để các nhà làm phim trẻ có cơ hội thực hiện ước mơ của mình, ngoài những hỗ trợ về tài chính ở bước khởi đầu, rất cần sự hỗ trợ về chuyên môn từ những nhà làm phim có kinh nghiệm. Có như vậy, nguồn nhân lực trẻ mới có đà để “cất cánh”.
Đồng hành nhiều năm với các nhà làm phim trẻ, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, so với thời trước, các bạn trẻ bây giờ có lợi thế về ngoại ngữ, có cơ hội tốt hơn để đến với các liên hoan phim quốc tế. Các bạn trẻ hoàn toàn tự quyết định hướng đi của mình dựa trên năng lực.
Ở nước ta, sáng tạo điện ảnh còn nhiều chủ đề thú vị cần được khai thác và như vậy, các bạn trẻ có rất nhiều “đất” để thể hiện tài năng của mình.