Tránh tiêu cực, lãng phí sách giáo khoa
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vừa được dự kiến đưa vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội. Thông tin này đang nhận được sự đồng tình của dư luận. Có thể thấy thời gian qua việc đổi mới sách giáo khoa gây không ít bức xúc bởi còn nhiều điểm chưa phù hợp, nhất là vấn đề sách giáo khoa chỉ sử dụng được 1 lần gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Càng đổi và càng rối
Câu chuyện sách giáo khoa (SGK) thay đổi “xoành xoạch” khiến phụ huynh và học sinh mướt mồ hôi vẫn không theo kịp tiếp tục là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Anh Lê Trung - phụ huynh có con học lứa đầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học tại một trường ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: Càng đổi mới SGK tôi càng thấy rối vì mới có lớp 2 thôi mà khi dạy con học bài bố mẹ đã “bó tay” theo cách giải bài tập toán mới. Còn môn Tiếng Việt trong đó có tập làm các bài văn thì cực kỳ thụ động, trẻ con không còn được học văn theo lối suy nghĩ riêng. Bởi giờ trẻ học làm văn theo cách trả lời câu hỏi. Trả lời xong từ 4-5 câu hỏi là hoàn thành một đoạn văn. Sau đó cô giáo bắt học thuộc để kiểm tra. Đó mới chỉ là nội dung, chưa kể đến chương trình nặng và ôm đồm (trẻ tiểu học phải học theo tư duy của giáo sư, tiến sĩ…). Thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực khi SGK chỉ sử dụng được 1 lần gây lãng phí rất nhiều. Bởi vậy, tôi ủng hộ Quốc hội giám sát tối cao về nội dung này và đề nghị Quốc hội giám sát việc này đến nơi đến chốn.
Trước đó, việc “làm mới” SGK với chủ trương “Một chương trình, về quan điểm chỉ đạo, Bộ GDĐT xác định: SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Tuy nhiên, sau một vài năm triển khai, chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách" dường như quên mất mục đích ban đầu khi chương trình quá tải, còn nhiều sạn, đáng chú ý nhiều cuốn SGK chỉ dùng một lần rồi bỏ dẫn tới sự lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Có thể thấy, từ năm 2019 trở về trước, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có một bộ SGK cho từng lớp. Sách hiện hành bắt đầu sử dụng từ 2002, chỉnh sửa qua từng năm nhưng cơ bản không thay đổi đáng kể. Do đó, học sinh phổ thông giai đoạn 2002-2019 có thể dùng lại sách của khóa trên.
Cho tới năm 2020, SGK của chương trình mới bắt đầu áp dụng cho lớp 1. Trong năm đầu triển khai, thẩm quyền chọn sách thuộc về các trường. Dựa vào danh mục sách thuộc 5 bộ đạt chuẩn do Bộ GDĐT phê duyệt, trường học thành lập hội đồng, mỗi môn chọn một đầu sách. Các sách được chọn không bắt buộc thuộc cùng một bộ. Nghĩa là, SGK được dùng ở mỗi trường một khác. Những gia đình chuyển trường cho con giữa chừng hoặc có hai con học khác trường sẽ phải mua mới hoàn toàn, hoặc mua mới một số cuốn, thay vì kế thừa trọn bộ sách cũ như giai đoạn 2019 về trước. Đây là yếu tố đầu tiên dẫn đến lãng phí sách.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
SGK cần bảo đảm lợi ích cho tất cả học sinh
Giá SGK là chủ đề được bàn rất nhiều lần. Theo tôi, SGK cần được bảo trợ và quản lý chặt, tránh hiện tượng nâng giá. Ngay cả một số nước, SGK còn được cấp phát hoặc cho học sinh mượn chứ không phải bán với giá cao. Tuy nhiên, hiện nay SGK đang được xã hội hóa. Việc đấu thầu cạnh tranh phải theo thị trường nên việc quản lý sẽ khó hơn.
Do đó, Nhà nước nên quy định giá trần. Phải bóc tách, kiểm soát các khâu biên soạn nội dung, in ấn, phát hành. Sách được in giấy đẹp, khổ to nhưng khâu in ấn có sự cạnh tranh không hay các đơn vị tự tính chi phí, chưa kể liệu có vấn đề tiêu cực nâng giá thành.
Giá SGK cao gấp 3 lần sẽ khiến cho nhiều gia đình khó khăn, đặc biệt gia đình nông thôn, miền núi rất khó khăn. Đối tượng trung lưu và thượng lưu thích hình thức đẹp thì mua một bộ sách sẽ không vấn đề gì. Nhưng hiện nay nhiều gia đình thu nhập thấp, phải tính toán chi tiêu cho từng đồng. Đây là vấn đề cần phải bàn một cách nghiêm túc để đảm bảo lợi ích cho tất cả con em đi học.
Ngoài ra, hàng chục nghìn cuốn sách chỉ dùng một năm, do 2 trong số 5 bộ SGK ngừng phát hành. Cụ thể, trong năm đầu triển khai chương trình mới, 5 bộ SGK lớp 1 được phê duyệt gồm: Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam), Cánh diều (2 NXB Đại học Sư phạm và Đại học Sư phạm TPHCM kết hợp). Sau một năm, khi áp dụng chương trình mới cho lớp 2 (năm học 2021-2022), 2 bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục đột ngột bị "xóa sổ". NXB Giáo dục Việt Nam cho biết những bộ sách này được hợp nhất với 2 bộ còn lại (của cùng NXB), nhằm giảm chi phí, tập trung tối đa nguồn lực.
Phía NXB lý giải việc hợp nhất không ảnh hưởng đến hoạt động dạy học, chọn sách. Các cuốn sách thuộc 2 bộ đã bị hợp nhất vẫn được tái bản. Nhưng thực tế khi thẩm quyền chọn SGK được giao cho UBND cấp tỉnh (từ năm học 2021-2022), nhiều nơi không dùng sách của 2 bộ bị hợp nhất nữa. Giá mỗi bộ sách này dao động 189.000-194.000 đồng.
Chỉ tính riêng tại Sơn La năm 2020, khoảng 30.000 học sinh lớp 1 của tỉnh này học sách Tự nhiên và xã hội của 2 bộ Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Đến 2021, tỉnh Sơn La quyết định chọn lại SGK lớp 1, trong đó sách Tự nhiên và xã hội được chọn thuộc bộ Cánh diều, nghĩa là 30.000 sách Tự nhiên và Xã hội lớp 1 của bộ cũ chỉ được dùng một năm. Tính theo giá bìa, 30.000 cuốn này khoảng 600 triệu đồng.
Không chỉ SGK, tình trạng lãng phí còn xảy ra với sách bài tập và sách tham khảo. Chị Nguyễn Minh Hà, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Con vừa kết thúc học kỳ II nhưng nhiều cuốn sách tham khảo và bài tập còn chưa động đến như: Cùng em phát triển năng lực Tiếng Việt (tập 1+2); Cùng em phát triển năng lực Toán (tập 1+2); Giáo dục nếp sống Thanh lịch, Văn minh cho học sinh Hà Nội. Cộng 5 cuốn sách này là 117.000 đồng.
Con gái chị Hà theo học chương trình giáo dục phổ thông mới ngay từ lớp 1. Khi con bắt đầu vào học lớp 1 rồi lên lớp 2, cô giáo đã phát bộ sách trong đó có đủ SGK cũng như sách tham khảo, nâng cao, phụ huynh phụ huynh chỉ phải đóng tiền, miễn thắc mắc. Với những sách nâng cao Cùng em phát triển năng lực Toán và Tiếng Việt dành cho lớp 2, một cô giáo cho biết: Sách này cô giáo thường hướng dẫn học sinh làm bài tập vào buổi chiều, nhưng thời gian do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các con qua học sinh học online là chính. Vì vậy cô cũng chỉ nhắc học sinh là bài tập chứ không thể sát sao như học trực tiếp được. Gần đây, học sinh trở lại trường cô cũng không có thời gian cho các con học sách nâng cao mà chủ yếu cô chỉ củng cố kiến thức cơ bản để phục kỳ kiểm tra kết thúc năm học.
Dù vậy, trở lại câu chuyện lãng phí, số tiền 117.000 đồng với mỗi học sinh thì quả là không nhỏ.
Tới thời điểm này, số sách theo chương trình mới không thể sử dụng lại chưa thể thống kê đầy đủ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là sự lãng phí rất lớn, mà lỗi là do NXB không thống nhất trong việc biên soạn xuyên suốt các bộ sách.
Giá sách tăng và cách giải thích thiếu thuyết phục
Chưa dừng lại, cuối tháng 4 vừa qua NXB Giáo dục Việt Nam công bố giá sách lớp 3, 7 và 10 theo chương trình mới, sử dụng từ năm học 2022-2023. Theo đó giá SGK mới đắt hơn từ 2-3 lần, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc khi liên tục phải mua mới SGK thay vì tái sử dụng, và coi đây là sự lãng phí lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, đời sống của người dân chịu nhiều ảnh hưởng, việc giá SGK mới lớp 3, 7, 10 tăng mạnh là không phù hợp. Chưa kể sách liên tục được cải tiến giữa các năm khiến học sinh không thể tận dụng sách cũ học gây nhiều lãng phí.
Anh Trần Văn Phú - phụ huynh có con chuẩn bị bước vào lớp 10 ở Thái Nguyên mong muốn: Việc tăng giá SGK cần có lộ trình, có thể chỉ từ 5-10% so với giá bộ sách hiện hành. Với những gia đình có 2 con đi học, ngoài SGK thì đầu năm học còn phải chi rất nhiều tiền cho các khoản đóng góp đầu năm. Vì thế việc giá SGK đắt đỏ cùng với nhiều khoản chi phí phát sinh sẽ rất áp lực cho các gia đình trong đầu năm học của con.
Trả lời câu hỏi SGK quá đắt đỏ trong năm học tới, thảo luận tại tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn giải thích về dư luận phản ánh tình trạng SGK tăng giá 2-3 lần. Ông nói, khi so sánh giá SGK nên có sự tương đồng, tức giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau. Đơn cử, sách cho lớp 1, 2, 3, 7, 10, là biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội. Các loại sách này được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Kim Sơn dẫn chứng, với bộ sách lớp 3, 7, 10 của NXB Giáo dục Việt Nam, do có chỉ đạo ráo riết nên năm nay giảm 10-15% so với năm trước, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng. Còn các bộ SGK thuộc chương trình 2016 giá thấp hơn sách mới, vì được Nhà nước hỗ trợ tiền cho nhiều khâu như biên soạn, thẩm định. Sách cũ khổ nhỏ, giấy xấu hơn. Thế nên bộ SGK cũ giá 50.000-100.000 đồng; SGK mới giá 200.000-300.000 đồng tùy từng loại.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành SGK ở mức hợp lý, thuận tiện nhất cho người học. Về thông tin trên mạng nói SGK không dùng lại được, Bộ trưởng Bộ GDĐT khẳng định các sách theo bộ mới biên soạn là hoàn toàn dùng lại được chứ không phải là sách dùng một lần.
Tuy nhiên, cách giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chưa thực sự thuyết phục.
Cần thiết phải giám sát tối cao
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần thiết phải giám sát tối cao việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm, từ đó có định hướng để tiếp tục thực hiện tốt công tác có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Trong đó, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội đưa chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội, trước những bức xúc trong nhân dân và cử tri về hoạt động này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu dẫn chứng, từ khi đổi mới, thực tế cho thấy SGK còn in sai, nhiều ngôn từ chưa phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực. Hơn nữa, có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng, gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn cho cả phụ huynh và các các sở giáo dục. Ngoài ra, từ khi đổi mới, SGK không còn được sử dụng lại, nên hằng năm ước tính toàn xã hội phải chi hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm SGK mới, gây ra sự lãng phí rất lớn, đặc biệt gây khó khăn cho các gia đình nghèo có con đi học.
Đồng tình với kiến nghị cần giám sát tối cao chuyên đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) bày tỏ, việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết trên, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Để đảm bảo chất lượng ở mỗi quyển SGK, số lượng sách ở mỗi cấp học, Hội đồng SGK nhà nước phải tổ chức thẩm định. Quan trọng vẫn là nội dung, chất lượng ở mỗi quyển sách. Song, cần hạn việc tăng giá sách tránh gây áp lực cho phụ huynh học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân đang khó khăn sau đại dịch, nếu có hiện tượng không lành mạnh trong giáo dục chắc chắn sẽ không nhận được sự đồng thuận của xã hội.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT:
Bộ sách phải được sử dụng nhiều năm
Cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này, ví dụ cần khuyến khích hoạt động cho mượn sách, vận động các bộ sách cũ. Phía Nhà nước cần hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng thư viện ở các trường để học sinh có cơ hội tiếp cận với tri thức. Để làm được, các bộ sách phải được sử dụng, chọn lựa nhiều năm, một thời gian dài. Nếu mỗi năm một bộ sẽ rất lãng phí và gây thất thoát lớn. Phương pháp này còn giáo dục ý thức bảo vệ sách của học sinh, giúp nhiều thế hệ có thể sử dụng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ ở những khâu thích hợp, không nên khoán trắng, giúp giảm giá thành.