Có giám sát tối cao, SGK mới hết 'loạn'
Trước thông tin vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vừa được dự kiến đưa vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội, PGS.TS Trần Minh Chất - nguyên Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân nhìn nhận:
Nhiều năm nay Bộ GDĐT đang rất luẩn quẩn về vấn đề đổi mới sách giáo khoa. Nhưng theo tôi, hạn chế lớn nhất của Bộ GDĐT là dùng các giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy đại học để biên soạn chương trình SGK giảng dạy cho học sinh phổ thông, dẫn tới những cái sai về mặt tư duy, sai về mặt tổ chức.
Việc thứ hai, Bộ GDĐT đang lúng túng trong việc giảm tải. Nhìn ra thế giới, khi họ tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi không giống như Việt Nam, cuộc thi học sinh giỏi của họ là dành cho tất cả mọi học sinh chứ không phải cuộc thi của đội tuyển. Cho nên cứ loanh quanh lấy vài thành tích của đội tuyển được huấn luyện theo kiểu “gà nòi” để gọi đó là thành tích là chưa đúng.
Tại sao tôi lại nói vậy? Vì Bộ GDĐT cũng áp dụng tư duy đó với việc làm SGK. Vì mục tiêu của bộ là SGK phải làm cho học sinh giỏi lên. Do đó, cách làm SGK cũng theo tư duy thành tích, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại. Nó giảm tải theo kiểu càng giảm càng tăng. Nói giảm tải, nhưng chương trình rất nặng, với học sinh tiểu học là 2 môn Toán và Tiếng Việt.
Cái hạn chế thứ ba là trong những năm đổi mới, người biên soạn sách đã bỏ hết những cơ sở, căn cơ đạo đức của người Việt, những bài học dạy đạo đức về yêu thương cha mẹ, yêu thương bạn bè, yêu thương đồng loại, yêu thương động vật… Ví như hình ảnh “Bà còng đi chợ trời mưa” là không có. Người ta đưa vào những kiến thức cao sang để dạy trẻ em về đạo đức học, xã hội học. Tất cả những thứ ấy là mang tư duy của người lớn để áp đặt cho trẻ con, chắc chắn đó là sai. Vì trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ.
Điều thứ tư, Bộ GDĐT phải xác định học sinh cấp 1, cấp 2 đầu tiên là học để tồn tại, học để sống, học để làm người chứ không phải học để làm giáo sư, tiến sĩ. Và để dạy cho các em cách sống, cách tồn tại, cách làm người thì phải dạy những thứ rất đơn giản, thí dụ ra đường thì như thế nào, ở nhà thì như thế nào, ở lớp thì như thế nào. Những cách hành xử đó vừa là đạo đức, vừa là pháp luật, vừa là quan hệ dân sự buộc phải tồn tại mãi mãi trong cuộc sống sau này.
Vậy cho nên Bộ GDĐT nhiều năm nay là rất tốn kém trong vấn đề đổi mới SGK. Bởi vậy việc đại biểu Quốc hội dự kiến đưa việc đổi mới SGK vào một trong 4 chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023, quan điểm của tôi là tôi ủng hộ và thấy rất cần thiết. Giám sát tối cao của Quốc hội là giám sát sâu, chặt chẽ và toàn diện. Đó không phải là giám sát theo kiểu viết báo cáo mà là trực tiếp giám sát. Tất cả chương trình là Nghị quyết của Quốc hội thì buộc phải chấp hành đúng.
Phải thay đổi tư duy biên soạn SGK, phải thay đổi tư duy biên soạn chương trình. Nếu cần hãy học người Nhật Bản và Singgapore, họ mua chương trình của các nước khác về chuyển thành chương trình của nước mình, như vậy là cách làm hiện đại. Có bao nhiêu chương trình tốt, bao nhiêu chương trình hiện đại hãy lựa chọn những gì phù hợp thì chúng ta để mang về áp dụng.
Quan trọng là phải xác định được chúng ta dạy ai, và dạy để làm gì. Ngày xưa dạy trẻ em để bảo vệ Tổ quốc, nhưng bây giờ phải dạy chúng lao động, sáng tạo. Sứ mệnh đào tạo của tiểu học, phổ thông là phải xem xét, thay đổi trong điều kiện thế giới hội nhập phải dạy trẻ em cách sống, cách tồn tại, phát triển, cách làm giàu cho đất nước, cách trung thành, cách yêu nước, mà yêu nước là sáng tạo, tìm ra các giải pháp để đồng loại phát triển.
Giáo phục phổ thông là giáo dục cho hôm nay và cho tương lai của đất nước. Khoảng 5 - 10 năm và vài chục năm sau chúng ta phụ thuộc vào thế hệ này. Nghĩa là thế hệ học sinh này sẽ có tư duy làm thay đổi tư duy của đất nước. Với giám sát tối cao, tôi hy vọng tới đây sẽ không còn những chuyện lùm xùm liên quan tới SGK cũng như chương trình giảm tải cho học sinh.