Xuất khẩu vượt rào cản
Hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn chưa hết khó khăn khi giá nguyên liệu, nhiên liệu tiếp tục leo thang. Đáng chú ý, việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lần thứ tư liên tiếp trong hơn 1 tháng qua ảnh hưởng mạnh tới ngành vận tải, từ đó tác động lên xuất - nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn đang nỗ lực để vượt rào cản.
Điểm sáng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 122,36 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 31,77 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,59 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 74%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,8%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%.
Về nhập khẩu, ước tính tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32,19 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 119,83 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2022 có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) dần khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Đánh giá về kết quả này, PGS. TS Phạm Tất Thắng-Viện Nghiên cứu chính sách công thương cho rằng, một trong những yếu tố tích cực và quan trọng đó là, Việt Nam đã tận dụng được những lợi ích đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết. Đặc biệt, trong năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác có hiệu lực là cơ hội để các DN tận dụng những ưu thế, ưu đãi từ các FTA thế hệ mới để tạo đà tốt cho hoạt động xuất khẩu.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, thời gian tới hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ còn tiếp tục khởi sắc. Sự phục hồi của nền kinh tế thế giới cùng với việc Việt Nam triển khai thực thi các FTA đầy đủ với thuế quan ưu đãi sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng, có thể thấy những dấu hiệu khởi sắc, và điều này có được từ sự “hấp thụ” lợi thế từ các FTA. Với ngành điều, ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thuế suất các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường EU đã giảm về 0%, trong khi đó trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức thuế này dao động từ 7-12%. Rõ ràng, đối với các DN xuất khẩu điều vào EU, đây là một lợi thế rất lớn. Đặc biệt, EU hiện đang là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam. Theo đó, năm 2021 xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU đạt 135.000 tấn, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020.
Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam Đặng Hoàng Giang, năm 2021 thị trường EU và Vương quốc Anh đóng góp gần 24% thị phần xuất khẩu nhân điều của ngành điều Việt Nam với khoảng 867 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 3,75 tỷ USD. Kết quả xuất khẩu năm 2021, đã giúp ngành điều giữ vị trí xuất khẩu hàng đầu thế giới 15 năm liên tục kể từ năm 2006.
Tương tự, đối với ngành thủy sản, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU cũng khởi sắc nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Với EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12% so năm 2020), trong đó xuất khẩu sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng.
Những dữ liệu nói trên là minh chứng rõ rệt cho thấy, những FTA mà chúng ta ký kết đang mang lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều biến động: dịch Covid-19 chưa chấm dứt, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài...
Khẳng định việc Việt Nam đã nỗ lực ký kết các FTA giúp mở ra cơ hội thuế quan cho DN trong hoạt động xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hiện Việt Nam đã có những FTA với mức độ cam kết sâu với các đối tác thương mại quy mô rất lớn, nên trên thực tế, các FTA đã phát huy tác dụng rõ rệt.
Theo ông Hải, ngoài EVFTA, CPTPP cũng là một FTA tạo động lực lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa. “Trong CPTPP, các quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Peru, Mexico..., đều có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, thể hiện rất rõ cơ hội cho các DN Việt Nam”, ông Hải nhấn mạnh. Trong khi đó, Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với cam kết sâu hơn, tạo thuận lợi rõ ràng hơn đã giúp các DN có cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thành viên. Cùng đó, Hiệp định RCEP thực thi từ đầu năm 2022 sẽ tạo sự luân chuyển, giúp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của cả đầu ra và đầu vào tốt hơn.
Tiếp tục tháo dỡ rào cản
Về triển vọng xuất khẩu năm 2022, Bộ Công thương cho rằng, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên minh châu Âu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.
Bên cạnh những thuận lợi từ FTA giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt và tiềm ẩn cho hoạt động thương mại của Việt Nam trong thời gian tới. Phân tích cụ thể, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho hay, khó khăn lớn nhất và trước mắt vẫn là tác động của dịch Covid-19 tại những thị trường khác có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, đặc biệt hiện nay dịch bệnh bắt đầu gia tăng tại Trung Quốc.
“Với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, khi có các ca bệnh mới, Trung Quốc sẵn sàng phong tỏa cả 1 thành phố hay 1 trung tâm sản xuất làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản với số lượng lớn cho Việt Nam”, ông Hải nói.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực logistics, 2 năm vừa qua với tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao, đến nay chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tại Trung Quốc, áp dụng biện pháp phòng dịch triệt để sẽ khiến các cảng bị ùn tắc, điều này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian vận chuyển và khiến giá cước vận tải duy trì ở mức cao. Ngoài ra, những bất ổn từ xung đột Nga-Ukraine cũng là điều đáng lưu tâm.
Để nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 ở mức 6 - 6,5%, ngành công thương đã đặt ra những mục tiêu rất cụ thể, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Mặc dù vẫn còn rào cản phía trước, song theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được và thậm chí còn cao hơn. Lý do là cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi, nên việc thích ứng dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2022.
Cùng với đó, việc các FTA thế hệ mới có hiệu lực, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho thương mại, đầu tư vào du lịch của Việt Nam. Theo đó, năm 2022, xuất khẩu được dự báo sẽ đạt 372 - 380 tỷ USD, tăng 13 - 15%; nhập khẩu đạt 366 - 372 tỷ USD, tăng 11 - 13% so với năm 2021. Như vậy, có thể năm 2022, Việt Nam tiếp tục xuất siêu từ 4 - 8 tỷ USD.