Họa sĩ Đỗ Hương: Trẻ em cần được yêu thương
Nhà báo, họa sĩ Đỗ Hương có hai quỹ: “Mang tri thức đến cho trẻ em nghèo” và dự án “Tôi chọn yêu thương”, hoạt động được gần chục năm nay, mang tên Hương Art Life. Chị không gọi những hoạt động đó là từ thiện, vì chị làm theo cách rất tự nhiên.
Họa sĩ Đỗ Hương quan tâm đến lĩnh vực, chuyên môn nào, thì đời sống con người cũng là nền tảng, mà trẻ em chính là nền tảng xã hội tương lai. Với chị, trẻ em không chỉ cần có cơm ngon, áo đẹp mà cần được giáo dục tốt và nhận được sự yêu thương. Họa sĩ Đỗ Hương chia sẻ:
“Tôi thích nhìn chúng thay đổi, lớn lên, cảm nhận được yêu thương, được chăm sóc tốt và văn minh lên mỗi ngày. Bản tính mê trẻ con nên hướng mình theo chúng. Trẻ con còn nói tôi là bạn chúng, chỉ là bà nhiều tuổi thôi, chứ bà không phải người lớn. Cứ thế nên mãi tôi thấy theo bọn trẻ là được sống đúng mình nhất”.
Họa sĩ Đỗ Hương có một cháu trai. Khi bé chừng 4 - 5 tuổi, chị và mẹ của bé hay nói chuyện về “trẻ em nghèo” đến mức bây giờ cháu đã 19 tuổi mà vẫn nhắc về những điều đó. Cháu chị “mổ heo” mang tiền đi tặng các bạn nghèo bên quận 4, quận 8 vào dịp Phật đản hay Trung thu từ lúc bé tí mà không cần nhắc nhở. Khi 6-7 tuổi, bé tham gia đi phát quà đêm trong các chương trình của các cô chú tổ chức cho trẻ em và người nghèo…
Tham gia vào các chương trình giúp đỡ cho các tỉnh miền Tây hay miền Trung trong nhiều năm, chị đều đưa cháu chị đi từ năm 8 tuổi để làm trợ lý đủ việc. Từ tình yêu với cháu mình, từ nhu cầu giáo dục cháu và từ bản tính “ganh đua với trẻ con một cách bình đẳng” mà nhìn thấy trẻ con là chị Đỗ Hương mê, là say, là yêu và thương, y như “điện giật”, theo cách nói của chị. Không làm điều gì đó cho bọn trẻ, chị không chịu được.
“Hai năm dịch bệnh hay trước kia cũng thế thôi”, họa sĩ Đỗ Hương tâm sự. “Chỉ cần ở nhà, lướt mạng đã thấy bao nhiêu cuộc đời khốn khổ, bao nhiêu em bé sa cơ vì hoàn cảnh gia đình, tai nạn và bây giờ là Covid-19. Dịch bệnh khiến cuộc sống của bao người lao động lao động xa nhà lao đao. Bao nhiêu hoàn cảnh “trống rỗng bụng và tiền” nên làm được gì thì làm. Tôi và các bạn thân chung tay mua được gạo mì thức ăn đỡ họ được ngày nào hay ngày đó.
Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) là ngày lễ vì trẻ em, thế hệ tương lai, đồng thời cũng là ngày nhắc nhở những người lớn chúng ta. Hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn, cả về thể chất và tinh thần.
Các chương trình đến với trẻ em của họa sĩ Đỗ Hương thường xuất hiện bất chợt. Bán được bức tranh, có tiền là chị nghĩ ngay đến mua được gì, làm được gì cho trẻ ở đâu đó, trẻ em khó khăn thì đâu cũng có. Nhiều khi, chị còn quên mất cả trả tiền nhà thuê.
Với họa sĩ Đỗ Hương, nghệ thuật hay văn hóa, là nền tảng của xã hội con người. Tài năng và đam mê không phân biệt đẳng cấp khi cảm thụ và thực hành. Điều chúng nghe, nhìn và tham gia hoạt động đều từ trái tim: “Khi cho các em bé từ 3 tuổi đến 18 tuổi chơi với nhau trong một lớp, một nhóm… thì các em biến chuyển tình cảm với nhau thế nào là do người cầm cương. Khi bạn đủ yêu thương đến mức chúng nhìn thấy bạn đã mê bạn, đã thích bạn, thì bạn điều hành đội nhóm rất dễ. Bạn phải cho chúng thấy ánh sáng của bạn. Chúng được tôn trọng và khích lệ, được đối xử bình đẳng, chúng sẽ cùng chung tay hoạt động theo ý tưởng và dự án bạn bày ra rất hăng hái”.
Bằng những tiếp xúc thực tế thường xuyên, họa sĩ Đỗ Hương cho rằng, trẻ em thời nào cũng cần thấu hiểu, cần thông cảm và khích lệ. Thời nay các bé được tham gia tiếp xúc với công nghệ 4.0 quá sớm, nhất là từ ngày học online, người lớn chẳng giấu được điều gì con trẻ: “Càng lớn chúng càng có nhận thức riêng dù vẫn ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ chúng so sánh thực tế với những giáo điều bố mẹ và thày cô dạy chúng.
Chúng ta sinh ra con, đừng nghĩ chúng mãi là trẻ con và chưa đến tuổi được có ý nghĩ quan điểm riêng nen áp đặt mà không tìm hiểu. Hãy tập như mình cùng tuổi với con, theo con lớn mỗi ngày một cách bình đẳng như một người bạn thân, bạn sẽ hiểu tâm lý phát triển của con bạn thay đổi thế nào, khi cuộc sống mở dần từ thực tế đến sách vở và quan hệ bạn bè của chúng rồi nhìn cha mẹ mình sống. Tôi vẫn nhớ bố mẹ tôi đèo nhau đi xem kịch, bỏ tôi ở nhà với giúp việc năm tôi 3 tuổi (tức là đã 60 năm trôi qua) tôi đã gào khóc thế nào. Rồi chuyện tôi khủng hoảng gây ra những nỗi buồn cho cha mẹ năm tôi học lớp 8… đó là những tổn thương nhưng ngày đó tôi chỉ là đứa trẻ”.
Nhớ những điều đó, họa sĩ Đỗ Hương thấy trẻ con luôn đúng nếu người lớn tôn trọng và thấu hiểu, dù là con mình hay trẻ em bên ngoài. Gần gũi trẻ con, người lớn cũng sẽ kịp thời giải tỏa được cho chúng những điều chúng thắc mắc. Kịp bên con tư vấn và thông cảm để chúng thấy yêu thương luôn bên cạnh mà lớn lên, tin cậy: “Chỉ cần đủ yêu thương thật sự cho trẻ con thấy, mà yêu thương không thuần túy chỉ là vật chất hay cho tiền, dù tiền rất cần để sống và có cuộc sống tiến bộ. Tôi mong mỗi đứa trẻ đều được ai đó ôm vào lòng mỗi khi chúng buồn hay thất vọng, đau đớn vì một lý do nào đó. Tôi muốn như thế và tôi nghĩ điều đó ai cũng cần”.