Tinh tế Thạch Lam
Tám mươi năm đã qua, thế mà đọc truyện Thạch Lam, cảm về câu văn Thạch Lam tôi thấy cứ như là câu văn của hôm nay. Và chưa hẳn đã có nhiều người viết hôm nay, với số trang ít ỏi vậy lại chứa được ngần ấy sự sống sinh động và tình người tinh tế và đằm thắm đến thế như trong những trang viết của: “Nhà mẹ Lê”, “Cô hàng xén”, “Gió lạnh đầu mùa”, “Tối ba mươi”, “Hai chị em”, “Hai lần chết”…
Ngòi bút Thạch Lam tinh tế và đằm thắm biết bao trên những trang văn về người phụ nữ và con trẻ. “Hai lần chết” kể cảnh đời và số phận một cô gái lớn lên trong sự ghẻ lạnh của gia đình, chịu một cuộc nhân duyên do cha mẹ áp đặt; lần chết thứ nhất do cô quyết định quyên sinh lại được cứu sống; để đến lần sống lại, cắp khăn áo về nhà chồng thì mới là lần chết thật. Cái chết trong cõi sống, hoặc sống trong cõi chết này, ở cách viết Thạch Lam chỉ nhẹ nhàng, tinh tế vậy mà gây bao ám ảnh.
“Cô hàng xén” khắc họa chân dung người phụ nữ có sức sống điển hình, vì soi vào đấy, ta thấy số phận cả một lớp người, suốt một đời nhẫn nại hi sinh, hết lo cho cha mẹ, anh em, đến lo cho chồng con; một đời hiu hiu, lặng lặng, với gánh hàng xén trên vai, với trăm thứ hàng lặt vặt qua lại trên ngón tay vừa quý báu lại vừa ít ỏi, và ngày nọ dệt vào ngày kia như tấm vải thô. Cái chân dung điển hình này có lẽ xuất hiện vào đầu thế kỷ XX khi nền kinh tế thị trường và sinh hoạt thương mại chợ búa đã nhập vào đời sống chúng ta, và chấm dứt chưa lâu sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Nó lưu lại cho ta hình ảnh người phụ nữ như thân cò lặn lội trong ca dao tục ngữ. Nói trong văn Thạch Lam có cách cảm nghĩ dân tộc tinh tế, đằm thắm cũng là do thế.
Trên cái văn mạch này, “Hai đứa trẻ” là một truyện không có chuyện, nhưng lại có sức gợi thật sâu xa. “Hai đứa trẻ”, hai chị em có trách nhiệm trông nom một chõng hàng; việc bán buôn chắc lời lãi chẳng là bao, nhưng cũng là một khoản thu phụ thêm cho gia đình nghèo. Một chõng hàng nơi phố huyện – có gì mà thành chuyện! Nhưng hoạt động của cái chõng hàng đó của hai chị em, đã thành một thói quen, theo lời dặn của mẹ, phải chờ cho đến khi chuyến tàu đêm cuối cùng từ Hà Nội về xình xịch chạy qua, cho đến khi tiếng ầm ầm của bánh xe ngớt hẳn rồi mới dọn hàng, tắt đèn đi ngủ, lại gợi một nỗi niềm gì thật xao xác, bâng khuâng. Chuyến tàu đến từ Hà Nội hoa lệ, với những khách sang, và hai chị em con nhà nghèo nhìn lên các ô cửa mà thấy con tàu mang đi theo cùng tiếng động, cả một nỗi niềm gì vừa bâng khuâng vừa sâu thẳm.
“Hai đứa trẻ”, một truyện không có chuyện mà ngập đầy không khí và tâm trạng. Không khí một cảnh quê, nơi có một cái ga xép, nhờ một chuyến tàu, đúng giờ ấy khắc ấy chạy qua mà mang được chút dư âm, dư vị tỉnh thành. Và từ dư âm, dư vị đó mà đưa con người vào một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, trước một cái gì vừa thuộc về quá vãng, vừa hướng tới tương lai.
Những “khoảng tối” và sức gợi của nó thường trở đi trở lại nhiều lần trong văn Thạch Lam. Nhà văn quen nhìn cuộc sống ở các mặt khuất của nó và do vậy mà ít có ánh sáng, mà làm ta bồi hồi hoặc khắc khoải lo âu. Những mảng tối trên con đường làng mấp mô chân trâu, dưới bóng những rặng tre thẫm đen dần khi đêm xuống, trên con đường về nhà của “Cô hàng xén”.
Những khoảng tối trên đường phố huyện dưới ánh sáng le lói và cách quãng của những ngọn đèn dầu trong “Hai đứa trẻ”. Và những khoảng tối trong đêm giao thừa như tràn ngập cả dãy phố hẻm có ngôi nhà xăm, chỉ còn hai phụ nữ, hai chị em là Liên và Huệ trong “Tối ba mươi”. Cái “tối ba mươi” đen kịt đó, nơi cái nhà xăm giữa Hà Nội đã hết khách đó, chỉ còn lại hai cô gái, với tràn ngập cả một nỗi niềm tha hương, hồi nhớ lại quá khứ tổ tiên, ông bà, hồi nhớ lại những ngày thanh sạch, thơ trẻ.
Có lẽ không thể không dành vài lời về đặc sắc của câu văn Thạch Lam. Đó là một lối văn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi được thật là rành rõ những trạng thái của sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn. Một lối văn không nặng vì những chữ dùng to tát, hoặc những cấu trúc gấp gáp, vội vàng. Đó là cái cảm giác mát lạnh trùm lên hai vai, khi người bộ hành đi vào rặng tre.
Cái gánh hàng trên vai “Cô hàng xén” xinh đẹp, lúc còn son rỗi nhẹ hẳn đi khi cô thấy bóng cây đa và cái quán gạch đầu làng, lộ ra trong sương mù. Cũng gánh hàng ấy trở nên quá nặng trên đôi vai nhỏ bé khi cô đi lấy chồng. Cái cảm giác gió mùa đông đột ngột về vào buổi tàn thu, không báo trước, một sáng thức dậy thấy ngại đặt chân xuống giường, với hơi ấm và ánh hồng của bếp lò và mùi quần áo cũ trong “Gió lạnh đầu mùa” gợi thật tài và rành rõ cái cảnh giao mùa của đồng bằng Bắc Bộ… Rồi cái tiếng trống thu không gọi chiều về, một buổi chiều như bất cứ chiều nào của miền quê trong “Hai đứa trẻ”.
5/2022