Tăng cường kiểm soát nợ xấu
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên-Huế, nếu nợ xấu tăng sẽ dẫn đến tăng lạm phát. Cho nên phải tăng cường kiểm soát nợ xấu.
PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Sửu: Trong 5 năm qua, Chính phủ đã có những nỗ lực lớn trong xử lý nợ xấu cũng như tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa đạt được như mong muốn và tiến độ còn khá chậm.
Có nhiều lý do nhưng căn bản là chưa xử lý dứt điểm để có thể cải tổ, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngay vấn đề Quỹ tín dụng nhân dân vẫn chưa được đánh giá thấu đáo, toàn diện. Kể cả công tác quản lý, tổ chức thực hiện và hưởng lợi từ quỹ này. Đó là cái chúng ta cần quan tâm. Hay việc xử lý nợ xấu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vẫn đang kéo dài, xử lý chưa dứt điểm là điều đáng tiếc.
Trong thời gian qua, do tác động nhiều mặt như thiên tai, dịch Covid-19, nhiều khách hàng đã bị tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh, không có khả năng trả nợ, dẫn đến việc thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không đạt được như kỳ vọng. Do đó tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Chính phủ đã trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.
Cá nhân bà có đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42?
- Về tổng thể, tôi tán thành với chủ trương xin Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện theo Nghị quyết 42 đến hết 31/12/2023. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã thẩm tra và cũng đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết 42. Nhưng tôi cho rằng phải chọn lựa nội dung, không phải nhóm chính sách nào cũng kéo dài mà cần có sự đánh giá. Những chính sách mang tính chiến lược, phù hợp với thực tiễn thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN thì tiếp tục cho thực hiện.
Nhóm chính sách không còn phù hợp, hoặc đã có luật, văn bản quy định pháp luật liên quan về nội dung đó rồi thì cần xem xét loại bỏ, thay thế. Tức là chúng ta có thể kéo dài nhưng phải có điều kiện, việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết cần gắn với thời hạn, trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý thay thế Nghị quyết 42 bảo đảm tính liên tục cũng như xử lý hiệu quả nợ xấu.
Nhưng không thể kéo dài thời gian thí điểm Nghị quyết 42 mãi mà tiến tới cần xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để xử lý căn bản nợ xấu, thưa bà?
- Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Đề án về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cho cả giai đoạn 2021-2025. Chắc chắn nội dung nằm trong Nghị quyết 42 cũng sẽ có trong đề án đó. Cho nên cần phải có điều chỉnh linh hoạt, không thể cứng nhắc. Khi đề án ban hành có đủ các nội dung trong Nghị quyết 42 thì có thể xem xét để sửa đổi thay thế.
Việc chuẩn bị ban hành Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là vấn đề lớn. Nếu luật được ban hành thì rất tốt, thể hiện cơ chế đồng bộ, nhất quán và thể hiện được tính toàn diện, tổng thể cho công tác quản lý Nhà nước, và thúc đẩy các tổ chức tín dụng hoạt động liên quan đến tài chính tiền tệ. Vì tính cấp bách và cần thiết thì có thể xem xét theo thủ tục rút gọn ban hành tại 1 kỳ họp, hoặc đúng theo quy trình là 2 kỳ họp, hoặc lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi thông qua.
Đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng bởi vậy nợ xấu tiếp tục có xu hướng tăng. Dự báo lạm phát cũng sẽ tăng, điều này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát mà chúng ta đang hướng tới?
- Nợ xấu tăng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng lạm phát. Lưu thông tiền tệ là vô cùng quan trọng. Cho nên phải tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, tôi cho rằng chúng ta cũng phải chủ động rà soát để sớm phát hiện những điều luật không phù hợp với thực tiễn. Quy định nào cảm thấy đang thiếu so với xu thế phát triển mới thì cần kịp thời bổ sung.
Bởi chúng ta đang tăng cường mở rộng đối ngoại đa phương để thúc đẩy đất nước phát triển toàn diện. Trong đó, câu chuyện rà soát và kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng tài chính, ngân hàng là vô cùng quan trọng để góp phần sớm hoàn thiện, đồng bộ về cơ chế chính sách pháp luật dành cho các tổ chức tín dụng.
Để xử lý nợ xấu hiệu quả, theo bà đâu là giải pháp căn cơ?
- Đây là vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều quy định khác nhau của pháp luật và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Cho nên để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt trong quản lý tài sản đảm bảo.
Bởi năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng ngày càng tăng nhưng tiến độ xử lý nợ xấu vẫn còn hạn chế vì vậy, như tôi đã đề cập ở trên, Chính phủ cần sớm ban hành Đề án về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo cơ chế nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn bà!