Hơn 61 tỷ đồng cho cán bộ học thạc sĩ, tiến sĩ: Đầu tư lớn, hiệu quả có tương xứng?

Hoàng Chiến 30/05/2022 10:27

Giai đoạn 2022-2025, Hà Nội dự kiến chi 61,6 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đề án này vấp phải nhiều phản ứng của dư luận xã hội, giới chuyên gia khi lo ngại về chất lượng cũng như hiệu quả sau đào tạo.

Ảnh minh họa.

Lo ngại thực trạng “tiến sĩ giấy”

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Quan điểm của Hà Nội cho rằng, việc đào tạo cán bộ, công chức, viên chức có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng và hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Bởi vậy, theo đề án, riêng về đào tạo sau đại học, Hà Nội sẽ cử đi đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến với công chức, viên chức không quá 35 tuổi thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu là 30 người gồm 5 tiến sĩ, 25 thạc sĩ.

TP Hà Nội cũng sẽ cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước công chức, viên chức (lần đầu được cử đi đào tạo không quá 40 tuổi) thuộc các sở, cơ quan tương đương sở; UBND quận, huyện, thị xã; đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ tiêu đào tạo 240 người (40 tiến sĩ, 200 thạc sĩ). Tổng kinh phí thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố.

Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho rằng, từ trước đến nay đã có rất nhiều đề án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước, tuy nhiên vấn đề đặt ra là đầu tư như vậy nhưng hiệu quả thực tế có tương xứng hay không.

Mục tiêu của nền giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài nhưng bồi dưỡng làm sao không làm lãng phí nguồn nhân lực và ngân sách của Nhà nước mới thực sự là vấn đề.

Trước đó, Chính phủ cũng như các địa phương có nhiều đề án liên quan đến việc đào tạo hàng loạt tiến sĩ trong và ngoài nước song hiệu quả không như kỳ vọng. Thời gian vừa qua, dư luận lại rộ lên rất nhiều tiến sĩ “dởm”, nhiều đề tài không phục vụ vào đời sống, kết quả nghiên cứu cho vào... ngăn kéo bàn, không sử dụng.

Do vậy, chuyên gia băn khoăn khi cho rằng, việc đào tạo có thể dẫn đến sự chạy đua của những tiến sĩ “dởm”, “tiến sĩ giấy”.

“Tôi không phản đối việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nhưng nhân tài cũng phải phù hợp với sự đầu tư và nhân tài phải là nhân tài thực sự. Không thể để tiếp tục tái diễn tình trạng những đề tài nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ viển vông như thời gian qua, những đề tài không phù hợp với thực tiễn đời sống và không áp dụng được vào lĩnh vực nào” - ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, nhà quản lý bỏ tiền ra đầu tư nhưng không đem lại hiệu quả cao thì cần nghiêm túc xem xét lại. Những người nông dân ở nhiều tỉnh thành còn phát minh ra được nhiều loại máy móc, công cụ lao động phục vụ sản xuất, điều này còn có tác dụng hơn rất nhiều so với những luận án tiến sĩ bảo vệ xong rồi để mốc trong thư viện, cho vào ngăn kéo bàn.

Do vậy, theo đánh giá của ông Lê Như Tiến, đầu tư tiền để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải đi kèm hiệu quả, có tính khả thi nếu không thì đừng làm.

Lãng phí lớn nguồn ngân sách

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Có rất nhiều cán bộ công chức, viên chức có đủ điều kiện để tự bỏ kinh phí cho việc học lên thạc sĩ, tiến sĩ, tại sao phải dùng tiền ngân sách? Trong khi “chiếc bánh” ngân sách rất nhỏ, phải chi cho rất nhiều vấn đề, nhu cầu thiết thực khác như xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo,…

“Cứ bỏ tiền ngân sách ra để chi trả cho những đề án không đem lại hiệu quả thiết thực cho xã hội là không hợp lý, cần phải xem xét lại. Không thể để nguồn nhân lực sau đào tạo chỉ là... các “tiến sĩ giấy”. Nguồn nhân lực này phải thực sự gắn với thực tiễn, mang hơi thở của đời sống kinh tế - xã hội” - ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội đánh giá, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ là cần thiết, tuy nhiên đào tạo thời điểm nào, đánh giá kết quả và chất lượng công việc sau đào tạo ra sao lại là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng.

Bà An phân tích: Đối với những cán bộ đã được bổ nhiệm hay đã vào biên chế, việc đào tạo ngắn hạn để phù hợp với vị trí mới là nên làm. Tuy nhiên, với trường hợp đào tạo dài hạn thì Hà Nội cần tính toán lại.

Bởi các tiêu chí để tuyển chọn cán bộ hiện nay đã tương đối đầy đủ, với những trường hợp thật sự xuất sắc, tài ba thì mới cần đưa đi đào tạo dài hạn để tạo đột phá. Còn việc liên tục đưa đi đào tạo rồi lấy nguồn ngân sách nhà nước thì sẽ gây lãng phí, không cần thiết.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, cán bộ trong lĩnh vực hành chính công không nhất thiết phải đào tạo đến tiến sĩ. Thay vào đó, các kỹ năng thực tế mới thực sự cần thiết. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, Hà Nội có thể tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về nghề nghiệp cho công chức, viên chức…

Thực tế cho thấy, có địa phương đã chịu “quả đắng” khi bỏ tiền cho cán bộ đi học nhưng rồi họ lại không trở về làm việc và công tác như cam kết.

Chuyên gia đề xuất, ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào, Hà Nội hoàn toàn có thể lựa chọn được các ứng viên có đầy đủ yếu tố theo các tiêu chí đã đặt ra mà không phải mất tiền bạc và thời gian đào tạo lại.

Ngoài ra, cũng theo bà An, các cán bộ, công chức, viên chức cần tự học và trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp cho phù hợp với tính chất công việc và tình hình thực tiễn.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng băn khoăn khi cho rằng, hơn 270 tỷ đồng cho đào tạo cán bộ tại Hà Nội mới chỉ là con số trong đề án, số tiền ngân sách phải chi cho lương, phụ cấp mà những người theo học tập trung được hưởng trong khi họ không làm việc tại cơ quan thực sự là số tiền không nhỏ mà chưa được tính đến.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:Loại bỏ tư tưởng “chạy đua bằng cấp”

Chúng ta đang quá nặng về tư tưởng bẳng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo để đánh giá giá trị việc làm, trong khi không chú ý đến việc bằng cấp đó mang lại giá trị thực tiễn như thế nào. Thực tế cho thấy, nhiều công việc của công chức, cán bộ không nhất thiết phải cần đến bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Thời gian qua, dư luận đã có những tranh cãi và phản ứng gay gắt với những “tiến sĩ cầu lông”. Rất nhiều địa phương trước đây cũng đã từng có những đề án tương tự, tuy nhiên kết quả đem lại thì không như mong đợi. Do vậy, thời điểm này đề án cần được Hà Nội xem xét lại.

Việc đánh giá kỹ năng trong quá trình làm việc để giáo dục, đào tạo kỹ năng sẽ cần thiết hơn để đề bạt cán bộ công chức, viên chức lên các vị trí cao hơn thay vì bằng cấp. Trong khi bỏ ra một số tiền lớn để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thì có rất nhiều vấn đề giáo dục khác cần thiết hơn như đào tạo nghề, hướng nghiệp,…

Khi chúng ta vẫn còn tư tưởng chạy đua với bằng cấp sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Hoàng Chiến