Xúc tiến thương mại cho vải thiều Hải Dương
Ngày 29/5, tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm 2022.
Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Từ điểm cầu ở Trung tâm Văn hóa Xứ Đông (Hải Dương), hội nghị kết nối với trên 40 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và 20 điểm cầu tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có Hoa Kỳ (3 điểm cầu), Trung Quốc (3 điểm cầu), Malaysia (2 điểm cầu) cùng điểm cầu ở các nước Bỉ, Pháp, Cộng hòa Séc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chia sẻ tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài đều bày tỏ mong muốn hợp tác với tỉnh Hải Dương để tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu. Theo ông Túc Dược Vân - đại diện Hiệp hội Trái cây tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), năm 2021, ước tính khoảng 10.000 tấn vải thiều của Việt Nam đã được tiêu thụ tại đây. Năm 2022, hiệp hội sẽ tích cực quảng bá cho các doanh nghiệp nhập khẩu hoa quả về các vùng nguyên liệu của Việt Nam; trong đó có vải thiều ở Hải Dương.
Đối với thị trường trong nước, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng để quả vải thiều Thanh Hà, Hải Dương có chỗ đứng trong kênh bán lẻ và ngày càng nâng cao giá trị, bên cạnh chỉ đạo sản xuất để đảm bảo chất lượng, Hải Dương cần đầu tư hơn cho khâu sơ chế, đóng gói. Thêm nữa, cần có trung tâm logistic, tập trung nguồn lực cho sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ vào sản xuất và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định năm 2022, tiêu thụ vải thiều và các nông sản của Hải Dương có nhiều tín hiệu tốt, tuy nhiên, thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Trung Quốc) còn diễn biến khó lường. Ông Hải lưu ý, Hải Dương cần có cái nhìn tổng thể, chuẩn bị sẵn tâm thế để có cách làm hiệu quả trong tiêu thụ vải thiều nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung. Nếu trong trường hợp việc thu mua vải thiều và nông sản bị ảnh hưởng do chính sách về nhập cảnh ở các nước nhập khẩu, tỉnh cần chủ động kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua, trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước, tổ chức các tuần hàng nông sản ở các tỉnh, thành.
Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh quảng bá thương hiệu, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm tiêu biểu khác ở thị trường trong nước và nước ngoài. Về giải pháp lâu dài, tỉnh cần tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng; đẩy mạnh chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả; mở rộng thị trường mới để chủ động hơn trong tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Hải Dương tập trung rà soát các quy hoạch, xây dựng định hướng chiến lược xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp xanh, quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, tỉnh cần phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trong đó chú trọng vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu nông sản; Thực hiện tốt việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, thực hiện chuẩn hóa chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, sản phẩm vải thiều Thanh Hà của Hải Dương thơm ngon nổi tiếng trong và ngoài nước. Hiện vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn. Năm 2021, vải thiều Hải Dương đã có một năm vượt bão Covid-19 ấn tượng với kết quả giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020.