Chào lương 'khủng' để chiêu mộ lao động

THANH GIANG 30/05/2022 10:53

Bà Cẩm Giang (bộ phận tuyển dụng Công ty Gilimex, quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: Sau dịch, công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất cũng như mở thêm nhà máy tại nhiều địa phương nên nhu cầu tuyển thêm lao động khá nhiều. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, việc tuyển dụng khá khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đang cần tuyển dụng lao động.

Vẫn theo bà Giang, để tuyển dụng lao động công ty đã phải kết nối với nhiều đơn vị, trung tâm giới thiệu việc làm, tham gia các ngày hội lao động để tuyển lao động thường xuyên và liên tục.

Hiện Công ty đang có nhu cầu tuyển 500 lao động với mức thu nhập từ 8 - 13 triệu đồng/tháng; thưởng cuối năm từ 2 - 3 tháng lương; phụ cấp tiền tiền trọ, tiền gửi trẻ 200.000 đồng/tháng...

Tương tự, Công ty TNHH Thái Sơn cũng đưa ra mức lương hấp dẫn tới 12 triệu đồng/tháng; Cửa hàng tiện lợi Ministop hơn 7,5 triệu đồng/tháng, làm ca đêm có phụ cấp thêm 30%; Vissan cũng tuyển hàng chục lao động với lương 7 triệu đồng/tháng…

Cuối tháng 4 vừa qua, các công ty trong Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) như: Intel Products Việt Nam, Nidec Sankyo, Nidec Việt Nam, Sonion Việt Nam, Jabil Circuit Việt Nam, Global Equipment Services Việt Nam (GES)… có nhu cầu tuyển dụng trên 1.000 lao động kỹ thuật cơ bản và hơn 70 vị trí lao động kỹ thuật có trình độ và quản lý.

Cụ thể, Công ty TNHH Nidec Việt Nam tuyển dụng hàng trăm lao động sản xuất linh kiện điện tử với mức thu nhập trung bình từ 9 - 12 triệu đồng/tháng.

Theo bà Lê Thị Thanh Mỹ - Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP HCM, hiện các công ty trong Khu công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực có kỹ thuật cao, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực kỹ thuật. Vì thế nhiều doanh nghiệp đang đưa ra các mức lương khủng để chiêu dụ lao động.

Trăn trở về việc tuyển dụng lao động, ông Đào Quốc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP HCM) cho hay, đầu năm 2022 công ty chưa thực hiện xong các đơn hàng cũ đã nhận được nhiều đơn hàng mới.

Trong khi doanh nghiệp lại gặp khó khăn về nguồn lao động. Những tháng vừa qua đơn vị liên tục tuyển dụng lao động nhưng đến nay vẫn thiếu cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật.

Lo ngại thiếu hụt lao động ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, ông Cường cho rằng phải có chính sách giữ chân người lao động, vì thực tế đã có nhiều người rời thành thị về quê. Mà muốn vậy thì mức lương cao là việc các doanh nghiệp phải sớm áp dụng.

Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng ban Chính sách Pháp luật (Liên đoàn Lao động TP HCM) cho biết, để bảo đảm nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần gia tăng phúc lợi, chăm lo tốt hơn cho người lao động.

“Nếu doanh nghiệp có nhiều chính sách chăm lo, chắc chắn người lao động sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt khó” - theo ông Đô.

Còn lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, nhằm giải quyết bài toán thiếu lao động, 127 trung tâm dịch vụ việc làm của thành phố vẫn xúc tiến, cung ứng lao động cho doanh nghiệp.

Từ đầu tháng 1 đến nay Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tổ chức 58 phiên giao dịch việc làm. Trong đó, có 43 phiên trực tuyến, 15 phiên trực tiếp. Các phiên giao dịch này đã tư vấn cho 44.800 người, có khoảng 16.400 người có việc làm.

“Song song với hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, Sở đang phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố xúc tiến việc làm cho bội đội xuất ngũ. Tôi nghĩ, đây sẽ là một nguồn lao động khá dồi dào giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP HCM nói.

THANH GIANG