Không tổ chức dạy thêm dịp hè: Cấm nhưng khó quản

Thu Hằng 30/05/2022 14:00

Hà Nội vừa ra thông báo cấm dạy thêm, học thêm trong dịp hè. Đây không phải là lần đầu tiên địa phương có lệnh cấm này nhưng trên thực tế, nhiều năm nay, giáo viên và phụ huynh vẫn tìm cách cho con đến lớp học.

Phụ huynh, giáo viên đồng tình

Học sinh Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Để học sinh được tận hưởng những giờ phút xả hơi đúng nghĩa, mới đây, Sở GDĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho học sinh năm học 2022-2023.

Một trong những quy định quan trọng là các trường phổ thông không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian nghỉ hè. Sở cũng yêu cầu các nhà trường cũng không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2022-2023.

Nhiều phụ huynh đồng tình cho rằng, lệnh cấm dạy thêm, học thêm là cần thiết vì học sinh sẽ được vui chơi nhiều hơn trong 3 tháng hè.

Theo kế hoạch, hiệu trưởng các nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có trách nhiệm lập kế hoạch ôn tập văn hóa, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh, học viên có học lực yếu, kém; bố trí thời gian hợp lý để tổ chức thi và xét lên lớp cho những học sinh, học viên thuộc diện thi lại, học sinh phải rèn luyện trong hè.

Ngay sau khi có thông tin này, nhiều phụ huynh, học sinh đồng tình cho rằng, lệnh cấm này là cần thiết vì học sinh sẽ được vui chơi nhiều hơn trong 3 tháng hè.

Chị Nguyễn Minh Anh (quận Ba Đình) cho biết, chị đã lên kế hoạch cho con tham gia nhiều hoạt động thể chất trong hè như bơi lội, học nhảy, chơi bóng rổ…

Nghe tin Hà Nội có lệnh cấm các trường dạy thêm, học thêm, chị Minh Anh rất ủng hộ. Theo chị, các con sẽ không phải chạy đua học thêm để theo kịp các bạn, thay vào đó, trẻ sẽ có nhiều thời gian vui chơi, phát triển thể chất.

Cũng như chị Minh Anh, nhiều phụ huynh cũng đồng tình với chủ trương cấm dạy thêm, học thêm dịp hè. Bản thân nhiều giáo viên cũng ủng hộ chỉ đạo của Sở GDĐT. Qua 1 năm gắn bó với học sinh trên lớp, các thầy cô cho rằng các con nên dành nhiều thời gian vui chơi hơn là nhồi nhét kiến thức trong 3 tháng hè.

Vừa vui vừa lo

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có lệnh cấm dạy thêm, học thêm vào dịp hè. Thế nhưng trên thực tế, nhiều năm nay, giáo viên và phụ huynh vẫn tìm cách cho con đến lớp học. Trước thông tin này, chị Hoàng Thu Trang (quận Đống Đa), phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 vừa vui lại vừa lo.

Theo chị Trang, dù biết không học thêm con sẽ có nhiều thời gian để vui chơi, giải trí bên gia đình nhưng năm nay, con chuẩn bị vào lớp 1. Nếu 3 tháng hè, con không có cô giáo nhận dạy thêm tiền tiểu học thì chị lo sợ đầu năm học mới con không theo kịp chương trình học.

“Dù biết thành phố cấm dạy thêm, học thêm nhưng tôi vẫn đang tìm giáo viên để dạy chữ cho con. Nhu cầu của phụ huynh vẫn có nên lệnh cấm này sẽ khó thực hiện”, chị Trang cho biết.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Theo tìm hiểu, thực tế sau 2 năm học online vì dịch bệnh, nhiều học sinh bị thiếu hụt kiến thức. Thậm chí, đã có ý kiến đề xuất kéo dài năm học để bổ sung kiến thức cho học sinh. Thế nên, theo các chuyên gia, khi nhu cầu dạy thêm, học thêm vẫn có thì lệnh cấm dạy thêm, học thêm sẽ không giải quyết được mà chỉ nằm trên “giấy”.

Về lệnh cấm học thêm, dạy thêm vào dịp hè của Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội nêu quan điểm đồng tình để giảm tình trạng nhiều giáo viên lợi dụng 3 tháng hè dạy thêm, gây ảnh hưởng tâm lý, áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, dạy thêm, học thêm không xấu mà hoàn toàn bình thường bởi bất cứ ngành nghề nào cũng phải thỏa mãn quy luật cung - cầu thì mới tồn tại và phát triển, giáo dục cũng không ngoại lệ.

Hiện nay, một bộ phận học sinh có nhu cầu học thêm để bồi dưỡng, bù đắp kiến thức thiếu hụt, chưa vững do thời gian học online. Với trường hợp này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nhà trường và phụ huynh nên bàn bạc, có kế hoạch bổ túc cho các em.

“Dịp hè, chúng ta cần tôn trọng học sinh, cho các em có nhiều thời gian được nghỉ ngơi giải trí. Tôi ủng hộ việc cấm dạy thêm đại trà nhưng trong những trường hợp cụ thể, nhà trường và gia đình nên phối hợp, bàn bạc để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Như vậy, vừa kiểm soát được nội dung, thời gian dạy thêm và mục tiêu cần đạt nếu không việc dạy thêm vẫn cứ diễn ra bằng nhiều hình thức, có cấm cũng khó quản”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Thu Hằng