Bạo lực học đường: Đừng phán xét một chiều

Hoàng Chiến 31/05/2022 07:06

Những vụ việc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây lại tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường, vấn đề nhức nhối bấy lâu của ngành Giáo dục…

Bạo lực học đường không dừng lại ở chuyện học sinh đánh nhau. (Ảnh cắt từ clip).

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường

Mới đây, bà T.H.T., phụ huynh trường Quốc tế TP HCM American Academy (ISHCMC-AA, phường An Phú, TP Thủ Đức) đã lên mạng livestream tố con mình cùng một số bạn học bị một nữ sinh cùng trường đánh. Vụ việc nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi.

Liên quan đến vụ việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc kịp thời, đúng quy định, thông tin xử lý vụ việc gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/5.

Những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã không còn là câu chuyện mới, trở thành đề tài nhức nhối bấy lâu của ngành giáo dục. Tuy nhiên, ngay sau khi mở cửa trường học trở lại, rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã được ghi nhận.

Trước đó không lâu, cuối tháng 3/2022, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ sinh lớp 8 Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, mặt nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Học sinh này bị đánh ngay trong những ngày đầu tiên khi quay lại trường học trực tiếp.

Một tuần nay, nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông.

Cùng thời điểm, một clip dài hơn 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh một nữ sinh lớp 7. Theo clip, 2 nữ sinh đã lao vào đánh, giật tóc, bắt nữ sinh lớp 7 quỳ xuống, xé áo. Không những vậy, 2 nữa sinh này còn liên tục buông kèm những lời hăm dọa, chửi bới, xúc phạm. Trong khi đó, nữ sinh bị đánh không đánh lại mà chỉ biết ôm người chịu đánh.

Đáng nói, khi xảy ra sự việc có nhiều người xung quanh nhưng không ai đứng ra can ngăn. Một số nữ sinh khác còn dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.

Em Nguyễn Thị Thuý Hạnh (học sinh THPT tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Bản thân em cũng từng là nạn nhân của việc bắt nạt trong trường nên mỗi lần tại cổng trường tập trung đông người sau khi tan học là em thấy ám ảnh, không dám lại gần. Mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ nhưng sau những lần bị bắt nạt, em cảm thấy mất đi sự tự tin, hay sợ hãi và không dám đi một mình”.

Tương tự, Trần Thủy Tiên (học sinh THCS tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, việc vô tình chứng kiến những vụ đánh nhau trong trường khiến em cảm thấy rất hoang mang.

“Mặc dù sau đó, những bạn học sinh đánh nhau trong trường đều bị kỉ luật nhưng nhiều bạn vì bị đánh mà phải chuyển trường do sợ hãi, ám ảnh tâm lý. Điều này khiến em không khỏi lo lắng khi nghĩ rằng chẳng biết lúc nào mình là nạn nhân” - Tiên tâm sự.

Liên quan đến những vụ bạo lực học đường, bà Nguyễn Thu Thủy - giáo viên một trường THCS tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, những vụ việc học sinh đánh nhau đã không còn quá xa lạ. Lứa tuổi dậy thì với tâm sinh lý thay đổi cùng mong muốn thể hiện bản thân khiến không ít vụ việc bạo lực học đường xảy ra từ những hành vi và mâu thuẫn rất nhỏ.

“Một cái nhìn cũng có thể khiến các em xảy ra xô xát với nhau. Việc đánh nhau cũng không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà học sinh nữ đánh nhau cũng rất nhiều. Tuy nhiên, rất ít trường hợp ghi nhận các em đánh nhau tại trường học mà thường là cuối giờ học, khi các thầy cô về hết các em mới tổ chức đánh nhau ngoài phạm vi trường học. Do đó, nhà trường cũng gặp khó khăn trong quá trình phát hiện và xử lý” - bà Thủy cho hay.

Còn bà Nguyễn Thị Lan, giáo viên THPT tại quận Hoàng Mai thừa nhận, việc xử lý học sinh đánh nhau tại trường học xảy ra không ít, tuy nhiên quy trình xử lý ra sao khi phát hiện những vụ bạo lực học đường thì còn nhiều lúng túng.

“Các quy định về xử lý học sinh đánh nhau đều được Hội đồng kỷ luật xem xét theo các quy định. Thế nhưng đó là khi sự việc đã xảy ra, nhiều học sinh vì bị đánh mà phải chuyển trường, chấn thương tâm lý do nhà trường chưa có hỗ trợ cần thiết về khoản này. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng sẵn sàng gây khó dễ với nhà trường khi sự việc chưa được xem xét, xác minh khiến quá trình xử lý càng rắc rối” - bà Lan nói.

Hình ảnh nữ sinh bị đánh tại Trường Quốc tế TP HCM.

Đến lúc thiết lập quy trình xử lý đồng bộ

Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, chúng ta đã có thể lường trước được các nguy cơ xảy ra bạo lực học đường khi học sinh trở lại trường sau đợt nghỉ dịch vừa rồi.

Theo đó, giai đoạn ảnh hưởng của Covid-19, học sinh chủ yếu học trực tuyến ở nhà đã tích luỹ rất nhiều ấm ức cũng như những tổn thương. Đến khi mở cửa trường học trở lại, các em mang theo những vấn đề này đến trường, chúng ảnh hưởng đến những hành vi ứng xử của các em. Biểu hiện có thể là các em không thân thiện, thoải mái.

Chưa kể, khi đến trường, các em tiếp tục đối diện với rất nhiều bất định, áp lực thi cử, học tập nên dễ gây ra xích mích với nhau. Chung quy, những nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực học đường đến từ nhiều yếu tố ảnh hưởng như môi trường, bối cảnh, thực trạng tổn thương…

Khi các em quay trở lại trường, nhà trường lại chưa kích hoạt được các hệ thống hỗ trợ tâm lý tốt nên tình trạng bạo lực càng dễ xảy ra. Đến khi đã xảy ra rồi thì không có quy trình hòa giải làm tình trạng căng thẳng càng dễ bùng phát thành những xích mích lớn.

TP HCM chỉ đạo khẩn vụ học sinh xô xát nhau trong trường quốc tế

Văn phòng UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi tới Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và UBND thành phố Thủ Đức chỉ đạo việc xử lý vụ bạo lực tại trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA).

Theo đó, lãnh đạo TP HCM giao Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức nhanh chóng xác minh thông tin và đề xuất hướng xử lý trên tinh thần đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị trình những nội dung trên để báo cáo Bộ GDĐT trong ngày 31/5.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 29/5, Bộ GDĐT đã gửi công văn đề nghị UBND TP HCM báo cáo vụ việc bạo lực trong học sinh tại Trường ISHCMC – AA.

Cùng ngày, Trường Quốc tế TP HCM – đơn vị chủ quản đã có văn bản gửi Sở GDĐT TP HCM, Phòng GDĐT thành phố Thủ Đức báo cáo về vụ bạo lực giữa học sinh của trường gây xôn xao trong cộng đồng mạng. Nhà trường cho rằng, trường có một phần trách nhiệm khi để xảy ra sự việc đáng tiếc giữa các học sinh với nhau, làm cho phụ huynh lo lắng. Trường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh và tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội. M.K

Trên thực tế, các trường học còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng quy trình ứng phó và xử lý với những sự cố liên quan đến bạo lực học đường như: Xử lý nhanh ra sao, bộ phận nào tìm hiểu nội dung sự việc, bộ phận nào hỗ trợ tâm lý nạn nhân, thông tin cho gia đình, xử lý khủng hoảng truyền thông, cách thức phát ngôn như thế nào…

Do vậy, khi xảy ra sự việc, hầu hết đều rơi vào tình trạng bị động, dẫn đến ứng xử không phù hợp.

Chuyên gia tâm lý cũng nhận định, khi những vụ bạo lực học đường được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, mọi người có xu hướng mải mê đi tranh cãi đúng sai mà quên rằng những đứa trẻ mới là nạn nhân và cần bảo vệ. Trong đó cả những đứa trẻ thực hiện hành vi bạo hành và bị bạo hành đều bị tổn thương.

Điều đó càng cho thấy chúng ta chưa có quy trình bảo vệ một cách toàn diện về mặt sức khoẻ tinh thần cho các con.

Cần nhìn nhận rất rõ rằng nguy cơ xung đột và xảy ra mâu thuẫn, bạo lực có thể lên cao do ảnh hưởng tâm lý từ đợt dịch bệnh vừa rồi.

Do vậy, các trường ngay lập tức cần có một hệ thống sàng lọc, xác định các nhóm nguy cơ và có chương trình giáo dục về phòng, chống và ứng xử như thế nào khi gặp bạo lực học đường cho học sinh. Thiết lập ngay những cơ chế phản ứng nhanh và xử lý với những vụ việc bạo lực học đường.

Ngoài ra, hạn chế và ngăn chặn bạo lực học đường cần sự tham gia và phối hợp từ tất cả các bên, trong đó vai trò chủ đạo của gia đình và nhà trường.

Khi phát hiện có dấu hiệu của bạo lực, phụ huynh cần thật sự bình tĩnh, cởi mở với con để nhìn nhận sự việc một cách khách quan nhất, tìm hiểu nguyên nhân sự việc,...

Bước đầu tiên cần xác định các vấn đề về sức khoẻ và tổn thương về mặt tâm lý của con để tìm cách giải quyết. Sau đó mới liên lạc với nhà trường để phối hợp xử lý theo quy trình để cung cấp thông tin và đề xuất hướng xử lý.

Về phía nhà trường sau khi tiếp nhận thông tin, cần nhanh chóng xác minh thông tin và làm việc với các bên liên quan.

Thay vì tranh cãi trách nhiệm của ai, ban giám hiệu cần xác định những đối tượng nào có nguy cơ bị tổn thương, dịch vụ tham vấn ngắn hạn và dài hạn nào có thể hỗ trợ lập tức cho họ, đầu mối liên hệ nào cung cấp thông tin,…

Bên cạnh đó, nhà trường còn cần cung cấp những thông tin, phát ngôn nhất quán với phụ huynh để tránh gây hoang mang dư luận và khủng hoảng truyền thông dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:

Giúp học sinh nhận ra cái sai

Với học sinh, nhất là học sinh từ bậc THCS trở lên, việc tuyệt đối không để xảy ra bạo lực học đường trong trường học là khó. Vấn đề đặt ra là, khi xảy ra bạo lực học đường rồi, nhà trường, gia đình xử lý, rút kinh nghiệm như thế nào để giáo dục học sinh.

Bất kỳ vụ bạo lực học đường nào, dù xảy ra trong trường hay ở đâu, nhà trường cũng có trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh. Trong các vụ bạo lực học đường, việc đầu tiên là làm thế nào để động viên học sinh nhận ra cái sai để cùng giải quyết chứ không thể phân thắng thua từ ban đầu. Đối với phụ huynh cũng như vậy, nhà trường cần phối hợp với phụ huynh để giáo dục con chứ không phải phân xử ai sai, ai đúng.

Để giảm tình trạng bạo lực học đường, trước hết, trường học phải dạy học sinh phát triển những giá trị tốt đẹp, dựa trên nền tảng từ sự tôn trọng, tình thương yêu, lòng khoan dung và dạy cho các em các kỹ năng sống để khi xảy ra xung đột các em biết cách tự hòa giải, trình bày, giải quyết các vấn đề. Từ nền tảng đó, trường học cần xây dựng quy trình xử lý những xung đột, sự cố xảy ra trong nhà trường. Tiếp đến là phối hợp phụ huynh, khơi gợi ý thức tự giác, trách nhiệm, cùng tham gia với nhà trường trong việc giáo dục con cái.

Bạo lực học đường là việc không ai mong muốn xảy ra. Vì vậy, về phía gia đình, khi xảy ra bạo lực học đường, phụ huynh cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường để thống nhất quan điểm giáo dục giữa 2 phía. Cuối cùng, nhà trường và phụ huynh cùng làm rõ trách nhiệm trên từng phương diện thay vì trốn tránh.

PGS. TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh):

Không thể phó mặc cho nhà trường

Bạo lực học đường không dừng lại ở chuyện học sinh đánh nhau mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề của học đường như đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội… Qua hàng loạt vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy giáo dục nhân sinh trong trường học của chúng ta hiện nay đang có vấn đề. Việc đó gắn liền với triết lý giáo dục của chúng ta, nhà trường chỉ dạy chữ hay còn giáo dục đạo đức, cách ứng xử giữa con người với con người?

Một số gia đình đang buông lỏng giáo dục, phó mặc cho nhà trường. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ vị thành niên đánh nhau ngoài đường, thậm chí xung đột gia đình với bố mẹ, ông bà. Như vậy, việc kết hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và gia đình đang lỏng lẻo.

Còn suy rộng ra là trách nhiệm của các cơ quan lớn hơn. Chúng ta có chủ trương xây dựng văn hóa, con người Việt Nam tốt đẹp, nhân văn nhưng có điều những biện pháp, cách thức giáo dục của chúng ta hiện nay như thế nào? Đây là vấn đề của cả xã hội chứ không chỉ còn nằm ở phạm vi nhà trường và gia đình.

Kinh tế phát triển là điều đáng mừng nhưng đạo đức xã hội đang có sự suy giảm đáng báo động, trong đó có bạo lực học đường, trở thành nỗi trăn trở của toàn xã hội lúc này. Có thể thấy bạo lực học học đường có nhiều nguyên nhân từ vi mô đến vĩ mô. Bên cạnh trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tôi cho rằng, chúng ta cần một cuộc nghiên cứu nghiêm túc, toàn diện, sâu sắc, phải công khai, nhìn thẳng vào sự thật để phân tích đưa ra một giải pháp vĩ mô. Còn nếu chỉ tuyên truyền một chiều như hiện nay thì chưa giải quyết được vấn đề.

Nguyễn Hoài(ghi)

Hoàng Chiến