Đô thị thiếu mảng xanh
Quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 đặt mục tiêu nâng tổng diện tích cây xanh trên toàn thành phố đạt hơn 6.000 ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh là 6,3 m2/người. Dù vậy, việc đô thị hóa quá “nóng” đang khiến mảng xanh đô thị ngày càng “teo tóp”.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM cho biết, theo tiêu chuẩn thì một đô thị phải đạt yêu cầu từ 12-15m2/người. Trong đó, cây xanh công viên 7-9 m2 /người; cây xanh vườn hoa 3-3,6 m2 /người và cây xanh đường phố 1,7- 2 m2/người. Nếu so tiêu chuẩn về cây xanh trên đầu người này thì không chỉ riêng TP HCM mà đối với các đô thị tại Việt Nam còn chưa đạt yêu cầu.
Ông Lưu dẫn chứng trường hợp TP HCM hiện nay mới chỉ đạt tỷ lệ cây xanh 0,55 m2/người và đang phấn đấu đến 2025 phải tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên công cộng thì cũng mới đạt tỷ lệ là 0,65 m2/người.
Về vấn đề này, lãnh đạo TP HCM cũng đã chỉ ra rằng, nếu chỉ xét về kinh tế thì TP HCM khá phát triển nhưng về cây xanh thì lại quá lạc hậu. Thống kê có thời điểm thành phố có trên 100.000 cây được đánh số thứ tự, có địa chỉ. Trong khi đó, quốc đảo Singapore có dân số chỉ bằng 1/2 dân số TP HCM nhưng trồng được 2 triệu cây xanh.
Đề xuất xây dựng các “lá phổi xanh” giữa lòng TP HCM, KTS Nguyễn Văn Biểu- Giám đốc Công ty TNHH Bhomes cho rằng, phải để chính người dân có tiếng nói trong vấn đề này, nghĩa là họ có quyền giám sát việc thực hiện chỉ tiêu cây xanh. Việc giám sát còn lỏng lẻo nên dẫn đến tỷ lệ công viên cây xanh thấp.
Được biết, UBND TP HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng, trong đó đặt mục tiêu riêng trong năm 2022 phải xây dựng mới tối thiểu 10 ha công viên công cộng và 2 ha mảng xanh công cộng, thực hiện trồng mới và cải tạo khoảng 6.000 cây xanh các loại.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đã chỉ đạo UBND các quận, huyện xây dựng chương trình đầu tư phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh với những chỉ tiêu cụ thể. Các quận, huyện cũng được yêu cầu rà soát, lập danh mục những khu đất công được quy hoạch là đất công viên cây xanh nhưng đang cho thuê, sử dụng với mục đích khác. Sau đó, có báo cáo, đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch thu hồi.
Trong khi đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, toàn thành phố hiện mới chỉ có 508,561ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố mới chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại vì tỷ lệ nêu trên là mức thấp hơn nhiều so với quy hoạch được phê duyệt.
Tại hội thảo “Vấn đề cây xanh đô thị TP HCM” được tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, thành phố phải chủ động hơn nữa trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Bên cạnh đó, thành phố cần siết chặt quản lý các lĩnh vực, ngành nghề gây ô nhiễm môi trường để đạt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030 và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp.
Giám sát về quy hoạch mảng xanh đô thị, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết, Mặt trận cũng đã tham vấn, phản biện cho chính quyền thành phố nhiều lần về vấn đề này, trong đó có vai trò trực tiếp của MTTQ trong cuộc vận động “Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Tuy nhiên, theo ông Ninh, việc đô thị hóa quá “nóng” chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc mất cân bằng giữa phát triển hạ tầng đô thị và mảng xanh đô thị tại TP HCM.