Chủ tịch nước: Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em
Theo Chủ tịch nước, cần dành nguồn tài chính cần thiết cho chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực chăm lo cho các em tốt hơn.
Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, sáng 31/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà trẻ khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).
Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội được thành lập từ năm 1978, đến nay đã có trên 500 trẻ khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng. Đa số các trẻ tại Trung tâm từ khi sinh ra đã bị một hay nhiều chứng bệnh như câm điếc, tự kỷ, khiếm thính và có trẻ mồ côi cha mẹ, bị bỏ rơi từ khi còn nhỏ.
Trong 137 trẻ được chăm sóc tại Trung tâm hiện nay, có 111 trẻ câm điếc, 26 trẻ khuyết tật trí tuệ. Hiện, Trung tâm tổ chức 8 lớp học văn hóa cho trẻ khiếm thính, 3 lớp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ.
Ngoài học văn hóa, các em được dạy kỹ năng sống để giúp hòa nhập cộng đồng. Mỗi trẻ được hưởng chế độ nuôi dưỡng theo quy định của thành phố Hà Nội là 1,76 triệu đồng/người/tháng và 350 nghìn đồng/người/tháng tiền chi khác. Một số cháu sau khi học nghề xong đã có việc làm với mức thu nhập từ 3 đến 9 triệu đồng/tháng.
Vui mừng và xúc động đến thăm Trung tâm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các cháu nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi; biểu dương nghị lực vượt khó phi thường và mong các cháu tiếp tục học tập và rèn luyện thật tốt, vượt qua khó khăn, đạt được thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, lớn lên trở thành công dân có ích cho nước nhà.
Chủ tịch nước gửi lời chúc và biểu dương nỗ lực lớn lao của các thầy cô, cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm, bằng tình yêu thương vô bờ đã hết lòng chăm sóc 137 cháu khuyết tật tại Trung tâm.
Chủ tịch nước cho rằng các cháu hồn nhiên, vui tươi, dễ thương, có thể lực tốt, phát triển tốt và một số cháu được học nghề, có việc làm là minh chứng cho sự chăm lo chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần, tận tâm tận lực dạy văn hóa, kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ, rèn luyện sức khỏe của các thầy cô, cán bộ, nhân viên Trung tâm.
Các thầy cô gánh vác nhiều trọng trách, không chỉ nuôi dạy với tấm lòng nhân ái, thương yêu của người cha, người mẹ mà còn như thầy thuốc, nhà tâm lý, nhà giáo, chăm lo cho các cháu tốt nhất có thể, nuôi dưỡng cho các cháu ý chí phấn đấu, tự tin vượt khó, luôn coi Trung tâm là mái nhà thứ hai của mình.
Cho biết cả nước có gần 700.000 trẻ em khuyết tật trong số hơn 20 triệu trẻ em, riêng địa bàn Hà Nội có 12.560 trẻ em khuyết tật, Chủ tịch nước khẳng định bảo vệ và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước hết sức chăm lo công tác an sinh xã hội, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách phù hợp như trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí…
Chủ tịch nước đánh giá cao hệ thống các trung tâm các trường dạy trẻ em khuyết tật và các Làng trẻ em SOS trong cả nước đã có rất nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước nhấn mạnh hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ quyền trẻ em đã khá đầy đủ nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thiện và bảo đảm thực thi tốt để thực hiện tốt quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, trẻ em di cư.
Cùng với đó, cần dành nguồn tài chính cần thiết cho chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng, trong đó chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực chăm lo cho các em tốt hơn.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng giám sát và đánh giá thực hiện quyền trẻ em; chung tay bảo vệ trẻ em để các em được đến trường, quan tâm chăm sóc, không bị đuối nước, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tai nạn, thương tích…
Bên cạnh đó, lên án, xử lý nghiêm các vụ việc trẻ em bị xâm hại; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trong toàn xã hội; chú trọng cổ vũ những tấm gương điển hình, người tốt việc tốt trong chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật.
Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, thành phố Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội và các cơ sở khác trong toàn quốc hoạt động và cần có chế độ chính sách tốt không chỉ cho các cháu mà cả cán bộ, nhân viên, người lao động Trung tâm đã gắn bó với công việc đặc thù này.
Nhấn mạnh “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và quan tâm, chăm sóc trẻ em khuyết tật là tiếng nói của lương tri, trách nhiệm, Chủ tịch nước lưu ý cần mở rộng lĩnh vực đào tạo, dạy nghề và chữa bệnh, phát huy năng khiếu riêng có để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, có niềm tin yêu vào cuộc sống, nỗ lực, vươn lên, xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập tốt với cộng đồng và đóng góp cho xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Trung tâm 100 triệu đồng và tặng bộ thiết bị đồ dùng học tập trị giá 200 triệu đồng.
Chủ tịch nước kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế tiếp tục quan tâm, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Chủ tịch nước mong các cháu thiếu nhi cả nước, đặc biệt là các cháu thiếu nhi khuyết tật, mồ côi, các cháu kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn luôn được quan tâm chăm sóc, không chỉ Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động Vì trẻ em, mà tất cả các ngày, các tháng trong năm.