Đôi bàn tay 'cáu bẩn' và những nhà máy lọc dầu trái phép gây ô nhiễm Nigeria
Vụ cháy nổ cơ sở lọc dầu trái phép khiến hơn 100 người thiệt mạng hôm 22/4 tại bang Rivers, miền nam Nigeria, đã hé lộ thế giới ngầm của hoạt động lọc dầu bất hợp pháp đầy béo bở tại quốc gia này.
Thực trạng báo động
Lọc dầu bất hợp pháp là một vấn đề dai dẳng tại Nigeria, một đất nước bị ảnh hưởng nặng nề trước nạn nghèo đói và thất nghiệp.
Tình trạng này Nigeria đã khiến việc lọc dầu thô trái phép trở thành ngành kinh doanh hấp dẫn, nhưng để lại hậu quả chết người.
Bang Imo cùng một số bang lận cận như Rivers và Bayesla là một trong những nơi các nhà máy lọc dầu trái phép phát triển mạnh.
Hoạt động kinh doanh dầu thô từ những khu vực này chiếm từ 7% đến 10% GDP của cả nước, nhưng lại gây ra nhiều thiệt hại thảm khốc cho hệ sinh thái của vùng đồng bằng Nigeria và người dân địa phương, có thể phải đợi thêm hàng thập kỷ mới có thể phục hồi lại được.
Quá trình nguy hiểm và bất hợp pháp này còn dẫn đến nhiều tai nạn chết người. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, ít nhất 25 người, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ nổ và hỏa hoạn tại một cơ sở lọc dầu trái phép khác ở bang Rivers.
Vào tháng 2, chính quyền địa phương thông báo họ đã bắt đầu hành động mạnh tay để ngăn việc lọc dầu trái phép, nhưng đến nay chưa thấy được hiệu quả rõ ràng.
Các quan chức chính phủ nước này ước tính Nigeria, quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi, mất trung bình 200.000 thùng dầu mỗi ngày (chiếm hơn 10% sản lượng) vì tình trạng ăn cắp dầu thô hoặc các đường ống bị hư hại.
Hành trình đi tìm sự thật
Sau nhiều giờ di chuyển bằng ôtô, xe máy và đi bộ, nhóm phóng viên BBC đến một cơ sở lọc dầu bất hợp pháp tại một địa điểm hẻo lánh gần nhánh sông ở đồng bằng sông Niger, miền nam Nigeria. Cơ sở này bị chính quyền Nigeria đột kích và đóng cửa gần đây.
Khu vực này từng là một hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhưng giờ đây chỉ còn là một vạt rừng trơ trụi nồng nặc mùi dầu.
Thảm thực vật xanh tốt tại đây bị phá hủy, nhiều thân cây cháy đen nổi lên từ các vũng dầu trên mặt đất, như thể núi lửa vừa phun trào.
Chidi Lloyd, chính trị gia địa phương, cho hay dầu thô bị ăn trộm từ hệ thống đường ống ở các nơi khác được vận chuyển bằng thuyền đến xưởng lọc dầu thô sơ này.
Ở giữa vạt rừng bị tàn phá là hai thùng kim loại rỉ sét cỡ lớn, được dùng để "nấu" dầu thô. Lửa được đốt từ hố bên dưới thùng, đun nóng dầu thô và cô đặc ra các thành phẩm như dầu hỏa hoặc dầu diesel dựa trên nhiệt độ sôi tương ứng. Dầu nóng sau đó được bơm vào buồng làm nguội.
Số lượng lớn nạn nhân trong sự việc cho thấy ngành lọc dầu trái phép ở đồng bằng sông Niger đã bành trướng như thế nào và thu hút nhiều lao động ra sao ở nước này trong thập kỷ qua, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đang tăng vọt.
Công nhân thường bám trụ tại các cơ sở lọc dầu chui này trong nhiều tuần và làm việc vào ban đêm, phục vụ ngành kinh doanh béo bở, được tổ chức chặt chẽ với đội ngũ các chuyên gia về tài chính, hậu cần và chuyên môn.
Chính quyền địa phương đã phát lệnh truy nã Okenze Onyewoke, chủ cơ sở lọc dầu trái phép nơi xảy ra vụ nổ hôm 22/4.
Chính phủ Nigeria ước tính hơn 3 tỷ USD dầu đã bị đánh cắp trong năm 2021. Lượng dầu thô này được hút trộm từ các đường ống hợp pháp, sau đó chuyển vào rừng để chưng cất rồi bán lại trên thị trường chợ đen trong nước hoặc xuất khẩu.
Khí thải độc hại và dễ cháy từ hoạt động lọc dầu thường được đốt bằng các tháp đặc biệt. Các tháp đốt được xây dựng ở cuối hướng gió và cách xa các thiết bị của giàn, nhà máy, khu nhà ở, văn phòng để hạn chế mùi độc hại và nguồn nhiệt lớn phát sinh.
Khi hoạt động lọc dầu trái phép ở Nigeria bùng nổ, lượng khí thải ngày càng gia tăng, gây ô nhiễm trầm trọng. Khí thải ô nhiễm từ các cơ sở lọc dầu trái phép trong rừng lan tới Port Harcourt, thành phố lớn lân cận tại đồng bằng sông Niger.
Tại Port Harcourt, ngày càng nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí.
Du khách ngủ qua đêm tại thành phố có thể cảm nhận cặn đen quanh mũi vào sáng hôm sau, dù đã đóng cửa sổ. Bầu trời đen đặc và không gian mù mịt, khiến tầm nhìn xa có thể giảm xuống mức dưới 30 mét.
Osaja, một cư dân khá giả trong thành phố, cho rằng đây là cái giá "đáng phải trả". Người đàn ông giấu danh tính thật này điều hành hai cơ sở lọc dầu trái phép trong rừng và sống trong một dinh thự xa hoa với bể bơi và bộ sưu tập siêu xe ở thành phố.
"Sống trong môi trường ô nhiễm còn hơn là chết đói. Nếu chết đói, anh còn ngửi thấy mùi gì không?", Osaja đặt câu hỏi. "Nếu gây ô nhiễm tạo ra đủ tiền cho mọi người trang trải cuộc sống, bạn sẽ quên mất là đang ô nhiễm đấy".
Một nhiếp ảnh gia ngoài 30 tuổi cho hay từng vào rừng làm tại một cơ sở lọc dầu trái phép khi không thể tìm được việc ở thành phố. Tại đây, anh đảm nhận khâu "nấu dầu", công đoạn tỏa ra rất nhiều khói đen mà các công nhân thường phải hít trọn.
Anh cho biết nhân công tại đây sẽ nhảy xuống sông mỗi khi có sự cố cháy nổ, song không phải lúc nào cũng an toàn nếu dầu loang bắt lửa trên mặt nước. Những hiểm nguy chực chờ như vậy đã thúc đẩy anh bỏ nghề.
Nhưng một phụ nữ ngoài 40 tuổi lại không quan tâm lắm về vấn đề an toàn khi tham gia vào hoạt động trái phép này.
Cô từng tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học máy tính, nhưng không thể tìm được công việc đúng chuyên môn, nên quyết định chèo thuyền vận chuyển dầu thô và dầu thành phẩm trong rừng
Sau thảm kịch cháy nổ cơ sở lọc dầu trái phép, Thống đốc bang Rivers Ezenwo Nyesom Wike cam kết sẽ loại bỏ hoạt động bất hợp pháp này. Tuy nhiên, những người tham gia vào đường dây cho rằng chính quyền cần giải quyết bài toán về việc làm trước khi nghĩ tới phương án dẹp bỏ các xưởng lọc dầu trong rừng.
Osaja cho biết hệ thống lọc và buôn bán dầu bất hợp pháp này không dễ bị loại bỏ do có nhiều thành phần xã hội tham gia, trong đó có cả cơ quan thực thi pháp luật. "Đây là hoạt động tội phạm có tổ chức, mọi người đều có liên quan", trùm dầu mỏ này khẳng định.
Cái giá phải trả quá... "đen"
Vấn nạn bồ hóng ở bang Rivers không phải là mới, nhưng nó đã dần trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây. Các hạt carbon thải ra từ quá trình lọc dầu thô kém hiệu quả tích tụ trong khí quyển.
Những đám mây đen thường xuyên che lấp lên đường chân trời, bao phủ bóng tối dọc theo các tòa nhà sáng màu, xe cộ và nhà cửa.
Nhóm bác sĩ ở bang Rivers đã lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm không khí và bồ hóng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây, đối với hàng triệu người dân ở các thành phố trên khắp khu vực đồng bằng sông Niger - khu vực trọng điểm sản xuất dầu, và đặc biệt là ở cảng Harcourt.
Theo một số bác sĩ, các bệnh liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn và nhiễm trùng phổi đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Các bác sĩ cho biết, số ca tử vong nghi ngờ có liên quan đến ô nhiễm không khí cũng đã tăng lên, mặc dù nguyên nhân tử vong hiếm khi có thể xác định một cách chắc chắn vì công tác khám nghiệm tử thi thường không được triển khai.
Trên khắp vùng châu thổ Niger, tàn dư của sự ô nhiễm môi trường mà các công ty dầu khí đa quốc gia gây ra hiện hữu vô cùng rõ ràng, điển hình ở các con lạch, sông ngòi và không khí.