Kiểm định chất lượng đại học: Nhiều thách thức
Kiểm định không chỉ là một chứng chỉ, nó mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan trong suốt chặng đường phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, nhiều thách thức đặt ra từ chính khó khăn của các nhà trường, đặc biệt là khi thực hiện kiểm định quốc tế.
Thách thức từ nhiều phía
Tại Diễn đàn Quốc tế “Các giá trị của Kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng khẳng định, kiểm định không chỉ là một chứng chỉ, nó mang lại lợi ích thiết thực cho các bên liên quan trong suốt chặng đường phát triển.
Trong đó, mục đích chung của kiểm định quốc tế đó là cung cấp cho sinh viên, nhà tuyển dụng và xã hội mức độ tin tưởng nhất định rằng chương trình đó đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng về đào tạo; những sinh viên khi ra trường đã sẵn sàng trở thành người lao động có năng lực, năng suất cao trong xã hội và nơi làm việc.
Đây cũng là cơ sở quan trọng để người học lựa chọn ngành học, trường học trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” các trường ĐH, CĐ, các chương trình đào tạo truyền thống và chương trình chất lượng cao, liên kết với nước ngoài.
Những chỉ số thiết thực như tỷ lệ việc làm sinh viên tốt nghiệp mỗi khóa được thống kê chính là minh chứng rõ ràng nhất về hiệu quả đào tạo của nhà trường đã thích ứng với yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động hay chưa.
GS. TS Trần Đức Quý - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường đang tích cực chuẩn bị để kiểm định 5 Chương trình đào tạo trình độ ĐH theo tiêu chuẩn ABET vào cuối năm 2023.
Nhìn nhận những khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm định quốc tế, đại diện nhà trường cho biết hiện nay trong đào tạo, hầu hết chúng ta vẫn quen với việc dựa vào nội dung là chính (tức nặng về truyền thụ kiến thức). Trong khi đó, kiểm định quốc tế bắt buộc phải chuyển qua triết lý giáo dục dựa vào đầu ra - đây là một quá trình lâu dài và vất vả.
Khó khăn thứ 2 là ở mức học phí rất thấp hiện nay nhiều trường đang duy trì, để nâng học phí cao lên sẽ khó được chấp nhận. Trong khi đó, chúng ta cần nguồn lực rất lớn để bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng chương trình phát triển theo triết lý này.
Đồng thời, các tiêu chuẩn quốc tế có yêu cầu rất cao về vấn đề cơ sở vật chất. Ngoài đủ số lượng, chủng loại còn phải đảm bảo có cơ chế quản lý sử dụng để luôn sẵn sàng, đáp ứng nhu cầu khi sinh viên cần thực hành, thực tập thêm ngoài chương trình chính thức.
Ngoài ra, hạ tầng phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường. Đây là thách thức lớn với nhiều trường ĐH bởi cơ sở vật chất hiện nay chưa đáp ứng hoặc đáp ứng thấp, cần phải củng cố, đầu tư nhiều.
Một yếu tố khác biệt nữa so với kiểm định chất lượng trong nước đó là để đạt kiểm định quốc tế cần có sự hợp tác với doanh nghiệp rất sâu sắc, chặt chẽ. Điều này cần sự vào cuộc của doanh nghiệp để cùng với nhà trường rà soát, phải có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa chương trình đào tạo với doanh nghiệp. Nhưng không phải trường học nào cũng tạo được mối liên hệ bền vững với các doanh nghiệp lớn với hệ thống chuyên gia, kỹ thuật đủ tiêu chuẩn để cùng nhà trường đào tạo, đánh giá sinh viên.
Thích ứng trong đa dạng
GS Đặng Ứng Vận (Trường ĐH Hòa Bình) nhận định, Việt Nam chưa có một hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng đủ mạnh để làm tròn vai trò chất xúc tác quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Hiện Việt Nam chưa thành lập được hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục.
Việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong còn mang tính đối phó với yêu cầu của bên ngoài chứ chưa phải là một nhu cầu tự thân với mục đích tự cải thiện chất lượng các sản phẩm đào tạo mà nhà trường cung cấp cho xã hội.
Hiện nay, bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đang được áp dụng gồm 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí cần có những nghiên cứu và tổng kết, rút kinh nghiệm từ bộ tiêu chuẩn áp dụng trước đó là 10 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí.
Đây là thước đo để đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo nhưng chưa được ổn định, chưa phù hợp với tất cả các đối tượng nên cần có những nhìn nhận, rút kinh nghiệm. Cần sớm thành lập một Hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia cho Bộ tiêu chuẩn 111 tiêu chí.
“Kiểm định chất lượng giáo dục là khâu cuối cùng trong quy trình đảm bảo chất lượng bao gồm xây dựng và phát triển mô hình đảm bảo chất lượng bên trong, tự đánh giá, đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng. Thực tiễn bảo đảm chất lượng ở các cơ sở giáo dục phong phú và muôn dạng với những mô hình đảm bảo chất lượng bên trong đa dạng, đòi hỏi công việc kiểm định chất lượng cũng phải có sự thích ứng nếu không sẽ hạn chế sức sáng tạo của các cơ sở giáo dục. Cần chấp nhận những phương án thay thế theo nguyên tắc hiệu quả và thích hợp” - ông Vận nêu quan điểm.
TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ có Thông tư sửa đổi nhằm hỗ trợ cho hoạt động kiểm định của các trường. Trong đó, các trường ĐH được lựa chọn tổ chức kiểm định để kiểm định, trong đó bao gồm cả tổ chức kiểm định của nước ngoài. Điều này sẽ khẳng định giá trị pháp lý của các tổ chức kiểm định nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ ban hành một Thông tư đánh giá, giám sát các tổ chức kiểm định, trong đó có cả nội dung đánh giá các tổ chức kiểm định quốc tế.
Ông Phong bày tỏ mong muốn các trường lựa chọn tổ chức kiểm định phù hợp nhất, ngày càng có nhiều chương trình đào tạo được kiểm định, đặc biệt là bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín.