Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6
Từ tháng 6/2022, hàng loạt chính sách có hiệu lực như hạn cuối giảm lệ phí làm căn cước công dân gắn chip, làm hộ chiếu phổ thông trực tuyến, Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành y tế...
Ngày 30/6 là hạn cuối giảm lệ phí làm căn cước công dân gắn chip
Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021 quy định giảm hàng loạt các loại phí, lệ phí. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến việc giảm 50% lệ phí làm căn cước công dân gắn chíp. Mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.
Cụ thể, lệ phí cấp căn cước công dân sau khi giảm 50% mức thu như sau: Công dân chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân là 15.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Đổi thẻ căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu là 25.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất thẻ căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam là 35.000 đồng/thẻ.
Kể từ ngày 1/7/2022, mức thu lệ phí cấp căn cước công dân áp dụng theo Thông tư số 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019.
Do Thông tư 120/2021 của Bộ Tài chính chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022 nên cũng là hạn cuối áp dụng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành…
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ ngày 1/6/2022, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dừng thu phí thủ công và chính thức thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với ô tô di chuyển trên tuyến cao tốc này.
Theo đó, từ 1/6, các phương tiện không dán thẻ ETC hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ tiền để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là hành vi vi phạm giao thông và sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính.
Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021 của Chính phủ, mức phạt đối với người điều khiển ô tô sẽ là từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Để đảm bảo tất cả các chủ xe chưa kịp dán thẻ di chuyển qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng không phải quay đầu tránh gây ùn tắc, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã bổ sung gần 200 nhân sự, tổ chức 15 điểm dán thẻ tại tất cả các trạm thu phí.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành y tế
Từ ngày 10/6, bãi bỏ quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Đây là điểm mới tại Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Đơn cử, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) bao gồm: Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành răng - hàm - mặt; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).
Đối với bác sĩ chính (hạng II), yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành răng - hàm - mặt; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).
Đối với bác sĩ (hạng III), yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ ngành răng - hàm - mặt; có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).
Thông tư số 03 chỉ yêu cầu viên chức chuyên ngành y tế có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Theo Nghị định số 123/2020, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ 19/10/2020 đến hết ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010 và Nghị định số 04/2014.
Từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Được biết, hiện 63 tỉnh, thành đã áp dụng hóa đơn điện tử.
Quy định mới về thành lập, chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 25/4/2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.
Trong đó, Nghị định quy định doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.
Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện trên, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.
Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.
Quy định mới về liên kết đào tạo nghề với nước ngoài
Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/6/2022.
Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài quy định tại Nghị định 15/2019/NĐ-CP ngày 1/2/2019.
Theo đó, về các hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, Nghị định 24/2022/NĐ-CP quy định: Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện theo các chương trình đào tạo sau đây:
a) Chương trình đào tạo do hai bên xây dựng; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam;
b) Chương trình đào tạo của nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài;
c) Chương trình đào tạo của nước ngoài chuyển giao; cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài hoặc cấp văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài và của Việt Nam.
Liên kết đào tạo với nước ngoài được thực hiện toàn phần tại Việt Nam hoặc thực hiện một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài do các bên liên kết đào tạo quyết định.