ĐBQH băn khoăn về tình trạng 'loạn điểm chuẩn, mưa điểm 10' trong thi tốt nghiệp THPT
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao.
Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
ĐB Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua mặc dù có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo bà Hà, tình trạng loạn điểm chuẩn, mưa điểm 10 dẫn đến chất lượng của kết quả thi dùng để xét tuyển đại học, cao đẳng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh vào các trường có tính cạnh tranh cao.
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được diễn ra thực sự an toàn và hiệu quả, bà Hà đề nghị, Bộ Giáo dục và đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi về phương án tổ chức các kỳ thi, quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và đào tạo, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích về mục đích, tính chất của kỳ thi, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về kỳ thi để học sinh, phụ huynh, nhân dân hiểu, ủng hộ và phối hợp bởi đây là một khâu mà rất cần được đổi mới trong giáo dục.
Bà Hà cũng đề nghị, Bộ Giáo dục và đào tạo chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là khâu trọng yếu như công tác đề thi, coi thi, chấm thi. Tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát, cũng như xem xét hướng ra đề thi tốt nghiệp phổ thông.
“Nếu đề thi hướng tới xét tốt nghiệp thì đề thi nên đưa vào nhiều kiến thức cơ bản, ít kiến thức cao, nhưng nếu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học thì tính phân hóa phải cao hơn để nâng cao chất lượng của kết quả xét tuyển, nâng cao ý nghĩa, tính chất của kỳ thi” - bà Hà nói và cho rằng, cần đảm bảo sự thông suốt về kỹ thuật của hệ thống xét tuyển trực tuyến, có dự báo rủi ro và phương án dự phòng cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi, khi có tình huống bất thường xảy ra thì phải xử lý thật nhanh và giải quyết dứt điểm.