Bộ GTVT đốc thúc tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án giao thông lớn

Lê Khánh 02/06/2022 14:49

Trong tháng 6/2022, 4 dự án giao thông lớn sẽ được hoàn tất thủ tục chuẩn bị khởi công. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dự án còn chậm trong việc triển khai. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA đẩy nhanh thực hiện các thủ tục, sớm trình phê duyệt các dự án giao thông trong giai đoạn 2021-2025.

Trong tháng 6, sẽ có 4 dự án giao thông lớn khởi công

Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLCL&CTGT, Bộ GTVT) cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 6/2022, 4 dự án giao thông lớn sẽ được hoàn tất thủ tục khởi công xây dựng.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chuyển kế hoạch khởi công từ tháng 5/2022 sang tháng 6 do công tác đấu thầu bị chậm và phải xin ý kiến nhà tài trợ. Sau khi Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận đã có văn bản đôn đốc nhà tài trợ, đến nay, hai gói thầu xây lắp dự kiến khởi công đã có ý kiến chấp thuận đề xuất kỹ thuật và hoàn toàn có thể khởi công trong tháng này.

Bên cạnh đó, ba dự án còn lại cũng được khởi công trong tháng 6, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Giang qua địa phận tỉnh Quảng Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp QL31 qua Bắc Giang; Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến QL32C đoạn qua TP Việt Trì, Phú Thọ.

4 dự án giao thông lớn sẽ được hoàn tất thủ tục chuẩn bị để khởi công trong tháng 6/2022. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết Online, Dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Giang qua địa phận tỉnh Quảng Bình được phê duyệt có tổng chiều dài gần 11 km, gồm 2 đoạn: Đoạn tránh thị xã Ba Đồn dài gần 6 km đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Giang dài hơn 5 km đầu tư theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 8 m, tốc độ thiết kế 60 km/h.

Theo quyết định của Bộ GTVT, dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp QL12A có tổng mức đầu tư hơn 474 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn Km2+400-Km44+900 (đoạn thành phố Bắc Giang và huyện Lục Ngạn) có chiều dài 39,1 km (điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 1, thành phố Bắc Giang; điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 290, huyện Lục Ngạn), được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80 km/h (đoạn qua khu đông dân cư và đô thị, tốc độ thiết kế 60 km/h). Nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 7 m, gia cố lề mỗi bên 2 m.

Sử dụng, kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa trên lớp cấp phối đá dăm hoặc bê tông nhựa tăng cường trực tiếp trên mặt đường cũ. Các công trình trên tuyến gồm: cầu, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông... Tổng mức đầu tư của dự án này là 863,6 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 613,2 tỷ đồng.

Dự án đầu tư hoàn chỉnh QL32C có điểm đầu tại cầu Lâm Hạc (Km11+600) và điểm cuối dự án tại cầu Phong Châu (Km21+100) với tổng chiều dài khoảng 9,5 km.

Dự án được đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng và sẽ tập trung hoàn thiện phần mặt đường còn lại bên trái tuyến; khổ cầu bằng khổ nền đường. Tổng mức đầu tư của dự án ước khoảng 160 tỷ đồng.

Theo đó, cả ba dự án quốc lộ nêu trên đều được lấy từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Hàng loạt dự án giao thông vẫn chưa hoàn thành thủ tục

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021-2025, khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục khởi công các dự án đã giao kế hoạch năm 2022.

Trong văn bản nêu rõ, tháng 3/2022, Bộ GTVT đã có văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

Song, đến nay một số chủ đầu tư, ban QLDA chưa quyết liệt đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư, làm ảnh hưởng tới kết quả phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 của Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Hiện, đã có 48/64 dự án giao thông được bố trí vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể, để đảm bảo phân bổ hết kế hoạch năm 2022, yêu cầu đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện với các dự án khởi công mới đã giao kế hoạch vốn trong năm 2022 phải đẩy nhanh thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công dự án; Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết tương ứng với các mốc tiến độ thực hiện cho từng công tác, hạng mục chi phí (GPMB, xây lắp, tư vấn...).

Báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho biết, trong 64 dự án đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, tính đến nay, 48 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 14/48 dự án đã được phê duyệt dự án đầu tư. Còn lại 34 dự án các chủ đầu tư đã lập kế hoạch và có văn bản cam kết tiến độ trình thẩm định, phê duyệt dự án trước ngày 30/6/2022.

Bộ trưởng yêu cầu: “Các chủ đầu tư, ban QLDA trình Bộ GTVT chấp thuận (trước ngày 5/6) kế hoạch triển khai đối với từng dự án, làm cơ sở đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện và điều hành tổng thể kế hoạch vốn đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đối với các dự án đã được quyết định chủ trương, nhưng chưa phê duyệt dự án đầu tư cần rà soát lập lại tiến độ đảm bảo tính khả thi, đảm bảo chất lượng hồ sơ theo quy định pháp luật.

Đồng thời, tập trung phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan để giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc (như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đánh giá tác động môi trường; mỏ vật liệu, bãi thải...), phấn đấu hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 30/6/2022.

Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Các dự án chưa được phê duyệt hoặc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư cần tập trung chỉ đạo, xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo bộ những vấn đề vượt thẩm quyền và đề xuất giải pháp xử lý”.

Lê Khánh