Gameshow 'phơi bày' đời tư nghệ sĩ - Bài 1: Lợi bất cập hại
Không chỉ ở Hàn Quốc, các gamesshow (trò chơi truyền hình) giải trí của Việt Nam cũng “học đòi” khai thác quá sâu đời sống của nghệ sĩ. Điều này vô tình khiến khán giả và một số người nổi tiếng e dè khi đời sống riêng tư bị bới móc quá đà.
Thực trạng đáng buồn
Nhằm giữ chân người xem, một số nhà sản xuất phải dùng đến chiêu thức mới là khai thác triệt để đời tư của người chơi, nhất là người nổi tiếng. Chiêu thức này đã đánh trúng tâm lý tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận công chúng. Mặc dù tạo ra sức hút từ hiệu ứng từ đám đông song thời gian gần đây những gameshow này đang gây ra một vài rắc rối cho xã hội và cá nhân tham gia chương trình.
Sau một thời gian "làm mưa làm gió" trên một số kênh truyền hình, gần đây các gameshow rơi vào tình trạng bão hòa vì sự trùng lặp ý tưởng và nội dung đơn điệu.
Đáng nói việc lạm dụng, khai thác đời tư trên vô tuyến và sóng truyền hình với mục đích câu view không chỉ cho thấy sự dễ dãi của các nhà sản xuất chương trình, mà còn bộc lộ lỗ hổng trong khâu quản lý những chương trình giải trí trên sóng truyền hình của cơ quan chức năng.
Điều này một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc xem trọng vấn đề quyền riêng tư của nhân vật trong khi tác nghiệp. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin thiếu kiểm soát dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho chính người bị khai thác thông tin nói riêng và cho cộng đồng nói chung.
Chuyện đời tư của một số người nổi tiếng bị nhà sản xuất khai thác quá đà, thậm chí được chính người trong cuộc hợp tác nhiệt tình đến mức tự "sáng tác" ra "bí mật đời tư", mà chủ yếu là ôn nghèo kể khổ, vượt khó thành tài trở nên nhan nhản khó kiểm soát. Bên cạnh những tình huống hài hước còn chứa nhiều tình huống bi thương mong nhận được sự chú ý, quan tâm từ công chúng.
Thậm chí trong một số trường hợp, người tham gia gameshow "hồn nhiên" (?!) tiết lộ bí mật đời tư của người khác theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người liên quan, khiến dư luận bất bình.
Còn nhớ, tham gia chương trình “Hành lý tình yêu”, Công Hoàng - chàng trai tự giới thiệu là người Huế đã phải nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì phát ngôn "Sẽ ly hôn nếu không sinh được con trai". Mặc dù ngay sau đấy, Công Hoàng đã gửi xin lỗi đến người dân Huế thế nhưng anh vẫn chưa thể xoa dịu được dư luận vì phát ngôn gây sốc của mình.
Nói về lý do có phát ngôn gây nhức nhối dư luận, thời điểm đó, Công Hoàng cho biết trong show hẹn hò hồi tháng 5 do công ty Sunrise Media sản xuất anh chỉ làm theo kịch bản. Người bố xuất hiện trong chương trình cùng anh cũng không phải thật.
“Tất cả đều ký hợp đồng như diễn viên. Trong gameshow đó, tôi là chàng trai được cô gái lựa chọn để hẹn hò. Tuy nhiên, tôi không có quan hệ tình cảm nào”, Công Hoàng thanh minh.
Những gameshow mang thông điệp rác với mục đích câu view, câu like phần nào tác động đến nhận thức về những vấn đề liên quan đến văn hóa vùng miền, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người tham gia chương trình. Đồng thời kéo theo đó là nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy đến với xã hội, nguy hiểm hơn là khi nó ăn sâu vào đời sống của bộ phận giới trẻ - những thế hệ đang trong quá trình hoàn thiện về mặt nhận thức.
Nguồn cơn từ đâu?
Việc gameshow “phơi bày” đời tư nghệ sĩ với mục đích câu view vốn không phải chuyện hiếm. Thực tế ở Việt Nam ngày càng có nhiều gameshow tạo cơ hội cho nghệ sĩ giãi bày tâm tư, nỗi lòng, góc khuất của cuộc sống.
Nếu như gameshow “Ở nhà vui mà” ghi lại cuộc sống gia đình nghệ sĩ trong mùa dịch Covid-19 thì “Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân” lại khắc họa hình ảnh những ông bố nghệ sĩ ở nhà chăm sóc con khi mẹ vắng nhà. Còn “Chuyện đời nghệ sĩ” lại được kể nhiều hơn ở chương trình talkshow.
Thực tế hiệu ứng đáng mừng là từ những gameshow này, khán giả phần nào hiểu hơn về đời sống riêng tư của người nghệ sĩ. Bên cạnh tài năng họ cũng có đời sống sinh hoạt bình thường như bao người khác.
Bên cạnh đó vẫn còn một số khán giả lại tỏ ra khá bất ngờ trước những chia sẻ thẳng thắn và những góc khuất về cuộc sống đời thường của nghệ sĩ. Và từ những lùm xùm trong các gameshow truyền hình về đời tư nghệ sĩ đã khiến khán giả cảm thấy không thật sự tin tưởng về những câu chuyện được kể và nghệ sĩ cũng sẽ ít trải lòng thật, nhiều người lên truyền hình chủ yếu kể chuyện vui và PR bản thân nhiều hơn.
Nhìn nhận về những gameshows khai thác sâu đời sống riêng tư của nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng những chương trình quá đi sâu vào khai thác đời tư của người nổi tiếng cho thấy sự cạn kiệt các ý tưởng sản xuất.
Theo nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang những gameshow này bộc lộ rõ sự xuống dốc của các giá trị khi xem việc phơi bày góc khuất riêng trong đời sống người nổi tiếng như là mục đích để câu view, tạo độ hot.
“Chúng ta cần nhớ rằng, tôn trọng thông tin về đời tư của bất cứ cá nhân nào, đặc biệt là những người nổi tiếng cũng là một loại quyền con người, là sự tự do tối thiểu cần được tôn trọng”, nhà nghiên cứu văn hóa Hương Giang đánh giá.