Quảng cáo ngoài trời: Vì sao vẫn khó quản lý?
Qua kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, liên ngành văn hóa và xã hội, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh thừa nhận một thực tế “loạn” biển quảng cáo ngoài trời. Trong khi việc khó quản lý quảng cáo trên không gian mạng khiến thất thu khoản ngân sách không nhỏ.
Vi phạm đang ở mức báo động
Theo đại diện UBND quận 1, TPHCM, chỉ riêng địa bàn quận này đến nay mới quản lý được hơn 6.000 địa chỉ và vị trí bảng quảng cáo, trong khi theo thống kê cả quận có đến hơn 10.000 các vị trí quảng cáo khác nhau. Từ năm 2017 đến nay, quận 1 đã kiểm tra, xử phạt gần 2.300 vị trí bảng quảng cáo vi phạm quy định và lập biên bản xử phạt số tiền là hơn 3,7 tỷ đồng. Có những “điểm đen” về sai phạm trong quảng cáo ngoài trời như khu vực nút giao thông vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Đinh Tiên Hoàng dù đã nhiều lần xử phạt, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh vẫn ngang nhiên tái diễn sau các đợt giám sát, kiểm tra…
Tương tự, tại TP Thủ Đức tái diễn thường xuyên tình trạng đặt biển, bảng quảng cáo sai vị trí, sai kích cỡ lấn chiếm không gian và vỉa hè, trong đó có tới hơn 30 bảng quảng cáo không phép với kích thước lớn nằm dọc tuyến Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vừa bị cơ quan chức năng “tuýt còi” và lập biên bản xử phạt.
Tại huyện Hóc Môn, địa phương cũng không nắm bắt được đầy đủ các thông tin về vị trí, địa chỉ cấp phép hoạt động quảng cáo ngoài trời. Vì thế dẫn tới tình trạng “loạn” biển, bảng quảng cáo trên nhiều tuyến đường lớn. Nhiều biển, bảng quảng cáo không phép đặt trên nóc nhà, khu vực chợ búa và các cơ sở kinh doanh cạnh mặt đường nhưng cũng không được kiểm tra, xử phạt, yêu cầu dỡ bỏ.
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM thì tình trạng vi phạm trong hoạt động quảng cáo, nhất là đặt biển, bảng quảng cáo ngoài trời đã diễn ra suốt một thời gian dài, trong khi mức độ vi phạm cũng đang ở mức báo động, như viết, đặt biển hiệu, quảng cáo quá cỡ, không thực hiện đúng các quy định pháp luật, cố tình thực hiện hành vi vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị; lấn chiếm không gian dành cho người đi bộ. Thậm chí, có nhiều nơi xảy ra tình trạng lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đồng bộ, vi phạm phổ biến về kích thước, lấn chiếm không gian vỉa hè, gây mất trật tự an toàn giao thông đô thị.
Cần phối hợp đồng bộ
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh- Ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM, do đặc thù là đô thị đặc biệt nên các quy định về hoạt động quảng cáo cũng có những đặc thù riêng. “Từ 2012 cho đến nay thành phố phải dừng cấp phép quảng cáo ngoài trời, do chưa được phê duyệt quy hoạch. Như vậy, đã ngót nghét 10 năm nay thành phố phải loay hoay vận dụng các quy định để quản lý hoạt động quảng cáo, nhất là quảng cáo ngoài trời nhưng chưa thể xử lý dứt điểm được cũng một phần do vướng từ bất cập kể trên”- ông Ninh cho biết.
Cùng nhận định này, ThS Nguyễn Công Hoài Lương -chuyên gia văn hóa từng nhiều lần khảo sát xã hội học về mức độ triển khai công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động quảng cáo ở cơ sở cũng chỉ ra rằng, việc phối hợp chặt chẽ giữa địa phương cấp quận, huyện và TP Thủ Đức với các sở ban ngành chức năng trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này tỏ ra kém hiệu quả. “Tôi chỉ đơn cử toàn bộ quy trình cấp phép và quản lý một bảng quảng cáo ngoài trời hiện nay theo quy định có đến 5 cơ quan từ cấp phép, quản lý đến quản lý nội dung, hình thức quảng cáo nhưng bất cập là vẫn chưa có cơ chế và quy chế phối hợp nhịp nhàng giữa các bên”.
Đồng tình, đại diện Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TPHCM cũng cho biết, mới đây khi các đoàn khảo sát làm việc với một số địa phương cũng cho thấy còn tình trạng địa phương chưa sâu sát nắm thông tin về hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Trong khi đó, vai trò phối hợp giữa các sở, ban ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức cũng còn nhiều bất cập, nhất là công tác hậu kiểm và kiểm tra, xử lý.
Về phía các địa phương, đại diện UBND huyện Hóc Môn kiến nghị Sở Văn hóa và Thể thao đề xuất UBND TP để có văn bản kiến nghị với Bộ VHTTDL xem xét, điều chỉnh, chuyển hoặc bổ sung nội dung Điều 31 Luật Quảng cáo quy định về “Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo” vào Luật Xây dựng nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc xin giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; đồng thời giúp cơ chế phối hợp giữa các địa phương, cơ quan sở, ban, ngành được đồng bộ trong hoạt động này. Một số quận, huyện cũng đề xuất, bổ sung nội dung quy định tại Điều 34 Luật Quảng cáo về “Biển hiệu của tổ cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh” vào Luật Doanh nghiệp. Việc bổ sung này sẽ giúp có cơ chế quản lý tốt hơn, kịp thời xử lý các biểu hiện sản xuất, kinh doanh có tình trạng lắp đặt biển hiệu sau quy định để xử nghiêm, đảm bảo tính răn đe.
Trong khi đó, đại diện HĐND TP HCM cũng đang bàn về một cơ chế phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các sở, ban, ngành thành phố với từng quận, huyện và TP Thủ Đức trong lĩnh vực này, tránh xảy ra chồng chéo và không quy trách nhiệm rõ cho bên nào, nhất là bất cập trong quản lý, sai phạm về nội dung quảng cáo.
Thường trực HĐND TPHCM vừa có văn bản gửi Thường trực UBND TP về tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn. Trong đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tập trung hoàn thiện Đề án quy hoạch hoạt động quảng cáo để xây dựng quy trình cấp phép hoạt động quảng cáo theo hướng tinh giản, phân công, giao trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong quản lý, kiểm tra, xử phạt hoạt động quảng cáo sai quy định; tăng cường hậu kiểm, kiểm tra thường xuyên, nhất là thời điểm trước mùa mưa năm nay.