Làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lý gan mật và tụy tạng là thường gặp và phức tạp. Nhiều trường hợp, bệnh rất khó được chẩn đoán, nhất là ở giai đoạn sớm. Tại Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về gan rất lớn, trong đó mỗi năm có khoảng 2.000-2.500 ca bệnh gan giai đoạn cuối có nhu cầu ghép gan.
Hội nghị Gan mật tuỵ Việt Nam 2022 với chủ đề “Tiến bộ mới trong phẫu thuật gan mật tụy và can thiệp ít xâm lấn” vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị nhằm cập nhật các kiến thức mới, học tập và chia sẻ những kinh nghiệm hay để cùng hợp tác hỗ trợ trong điều trị tốt hơn về đa mô thức cho người bệnh gan mật tuỵ. Đây là sự kiện mang tính chuẩn bị, tạo đà cho Hội nghị Quốc tế về chủ đề này của ASEAN sẽ được tổ chức vào cuối năm nay tại TPHCM.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh lý gan mật và tụy tạng là thường gặp và phức tạp. Nhiều trường hợp, bệnh rất khó được chẩn đoán, nhất là ở giai đoạn sớm. Vì thế, việc chẩn đoán và điều trị có tính chất chuyên khoa là rất cần thiết. Trong thực tế lâm sàng, có rất nhiều bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, dễ làm mất đi cơ hội điều trị khỏi bệnh.
Tại Việt Nam, hiện bệnh nhân mắc các bệnh về gan rất lớn, trong đó mỗi năm có khoảng 2.000-2.500 ca bệnh gan giai đoạn cuối có nhu cầu ghép gan. Tuy thực hiện ghép gan muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng cho đến nay, các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này. Số ca ghép gan thành công ngày càng tăng lên theo từng năm, giúp trả lại cuộc sống và sức khỏe bình thường cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý gan giai đoạn cuối, đồng thời, chi phí thực hiện ghép gan tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác.
Thiếu tướng, GS. TS Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Chủ tịch Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam cho biết, trong những năm qua, y học nước ta đã có nhiều tiến bộ mới trong phẫu thuật gan mật tụy như: Ghép gan, phẫu thuật gan mật với huỳnh quang ICG, phẫu thuật nội soi cắt gan, cắt khối tá tuỵ; Ghép gan từ người cho sống, ghép gan cho bệnh nhi 9 tháng tuổi, ghép gan từ người hiến chết não, tổ chức điều phối lấy ghép gan xuyên Việt....
Bên cạnh đó là những tiến bộ trong nội soi can thiệp, điều trị ít xâm lấn bệnh lý gan mật tụy với nhiều công nghệ mới được ứng dụng mang lại nhiều hiệu quả trong thực tế lâm sàng ở các trung tâm y học lớn của Việt Nam như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế, …
Theo ông Hải, kỹ thuật ghép gan đã được thực hiện tại Việt Nam từ năm 2004. Đến nay, cả nước có 9 trung tâm ghép gan và thực hiện ghép được trên 350 bệnh nhân. Đáng chú ý, cuối năm 2021 là thời điểm ghi dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực ghép gan của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên bản đồ ghép tạng bằng ca mổ lấy mảnh gan (bên phải) bằng phẫu thuật nội soi từ người hiến sống và tiến hành ghép gan thành công. Đây là trường hợp đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam. Bởi phẫu thuật nội soi lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống là một trong những kỹ thuật ngoại khoa phức tạp. Trên thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các trung tâm ghép gan tại các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu... thực hiện được.
Tại hội nghị lần này có gần 50 báo cáo của các cơ sở y tế trong cả nước và có các chuyên gia hàng đầu quốc tế của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore tham dự và có báo cáo khoa học. Trong đó có GS Brian Goh Kim Poh - chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật robot của Singapore; GS Guy Seong Choi - chuyên gia về phẫu thuật nội soi lấy gan ghép của Hàn Quốc; TS Rawisak Chanwat, phẫu thuật viên của Thái Lan về cắt gan…
Với những nội dung hấp dẫn, Hội nghị nói trên là dịp để các bác sĩ chuyên khoa gan mật tụy, cũng như các chuyên khoa có liên quan cập nhật nhiều kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường giao lưu hợp tác, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.