Những cuộc gọi 'cứu cánh' đối với nhiều người mẹ tại Ấn Độ
Những cuộc gọi đã giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được coi trọng về sức khỏe tâm thần của nhiều người mẹ tại Ấn Độ.
Cuộc gọi định mệnh
Một buổi sáng của Swetanjali Jha thường được tính toán rất chi tiết. Thức dậy lúc 5h, sau đó chuẩn bị cho con đến trường trước 6h30. Tiếp theo là nấu bữa sáng và bữa trưa cho gia đình 11 thành viên trước 9h30 và cuối cùng, đi làm lúc 9h45. Nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng 32 tuổi hầu như không có chút thời gian rảnh nào trong ngày.
Jha thường sẽ dành 8 tiếng đồng hồ trong ngày để len lỏi qua một cụm làng ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ, kiểm tra những cơn ho có thể là dấu hiệu của bệnh lao và trò chuyện cùng những người phụ nữ mang thai, cũng như những bà mẹ mới sinh cần được tư vấn chăm sóc em bé.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, cuộc điện thoại từ một giọng nói quen thuộc đã buộc Jha phải bỏ dở thói quen bận rộn của mình. “Xin hãy qua đây, tôi rất cần nói chuyện”, người gọi yêu cầu. “Những nhất định phải là chị Jha”.
Đó chính là Mamta Kumari, người mà Jha từng giúp vượt qua chứng trầm cảm trong lần mang thai đầu tiên vào năm 2018. Jha thường đến thăm Kumari khi có thời gian rảnh rỗi. Nhưng các cuộc gọi và lời cầu xin của Kumari ngày càng nhiều hơn, Jha nhớ lại. Những ngày sau đó, cảm thấy có chút tội lỗi, Jha đã đội mũ bảo hiểm và lái chiếc xe tay ga màu đỏ từ nhà cô đến nhà Kumari. Cô đỗ xe ở góc đường bùn cách đó không xa, đi bộ qua những cánh đồng ngô để đến khu định cư Ram Tola ở làng Nagargama.
Khi vào trong nhà, Jha được giới thiệu với một phụ nữ trẻ đang mang thai, Anjali Kumari. Ngay cả trước khi Kumari bắt đầu kể về tình trạng của chị dâu mình, Jha đã ngay lập tức biết rằng có điều gì đó không ổn. Cô đã được huấn luyện để nhận ra các dấu hiệu.
“Anjali đang mang thai 4 tháng, những đã không ăn uống điều độ trong nhiều ngày, liên tục nhốt mình trong phòng, khóc lóc và kích động”, Kumari giải thích với Jha. Kumari rất lo lắng vì chính bản thân cô 4 năm trước cũng đã từng như vậy.
Tuy nhiên, hồi đó mọi thứ lại khác. Kumari thời điểm đó có thể gọi đến một đường dây nóng địa phương để đưa ra lời khuyên về sức khỏe tâm thần cho phụ nữ mang thai và các bà mẹ mới sinh. Thông qua sáng kiến đường dây nóng, cô đã được kết nối với Jha, người mà hiện tại cô muốn giúp đỡ chị dâu của mình.
Chỉ có một vấn đề: Jha hiện không còn làm tại đường dây nóng, không một ai khác. Nguồn vốn cho dịch vụ này đã cạn kiệt.
Một đường dây nóng ‘cứu cánh’
“Chào mừng bạn đến với Samya Mobile Baani ... hoạt động 24/7 và miễn phí”.
“Nếu bạn đang căng thẳng hoặc muốn chia sẻ về điều gì đó, bạn có thể trao đổi với nhân viên tư vấn của chúng tôi bằng cách nhấn phím 9”.
Vào năm 2018, để giúp giải quyết những vấn đề nghiêm trọng nhưng chưa được coi trọng đối với sức khỏe tâm thần của những người mẹ ở quận Samastipur của Bihar, Tổ chức phi lợi nhuận Ấn Độ Innovator in Health (IIH), phối hợp với Quỹ Nghiên cứu Schizophrenic (SCARF Ấn Độ) đã thiết lập một đường dây nóng miễn phí.
Tất cả những người gọi đến đường dây nóng đều được cung cấp hai lựa chọn: nghe các tin nhắn, tiểu phẩm hoặc bài hát được ghi âm sẵn về tình trạng tinh thần của những người mẹ hoặc nói chuyện với chuyên gia tư vấn. Một số người gọi, chẳng hạn như Kumari, cũng được cung cấp tùy chọn nhận các buổi trị liệu trò chuyện tại nhà.
Jha và 14 người dân địa phương khác trong biên chế của IIH đã được đào tạo về sức khỏe tâm thần cộng đồng, những điều cơ bản của liệu pháp hành vi nhận thức và tư vấn. Họ cũng được hướng dẫn về cách thu hút sự tham gia của phụ nữ trong thôn để họ biết về đường dây nóng và giúp họ cởi mở về những khó khăn. Trong khi 2 trong số 15 người sẽ quản lý các cuộc gọi, những người còn lại sẽ đến tận nơi, cung cấp các dịch vụ tư vấn.
Kết hôn năm 2010, khi mới 15 tuổi, Kumari mang thai lần đầu tiên vào năm sau đó nhưng bị sảy thai. Trong 8 năm tiếp theo, cô sảy thai thêm 2 lần nữa và phải điều trị nhiễm trùng trong tử cung. Thời điểm đó, cô phải đối mặt với sự tấn công bằng lời nói từ gia đình. Kumari phải bắt đầu may quần áo để kiếm tiền, hy vọng thu nhập mang về cho gia đình sẽ giúp bố mẹ chồng thấy được giá trị của cô.
Một tháng sau lần sảy thai thứ ba, Kumari nhớ lại bản thân đã hôn mê đến mức cô phải vật lộn để hoàn thành công việc hàng ngày. Cô đã đến gặp bác sĩ và nhận được tin đã mang thai thêm một lần nữa.
Sự hoảng loạn bắt đầu tới. Lần mang thai gần đây nhất của cô được cho là có ‘nguy cơ cao’ và Kumari trở nên sợ hãi rằng cô sẽ sớm mất thêm một đứa bé nữa. Chính điều này đã xác định người phụ nữ trẻ đang cần được tư vấn khẩn cấp, và ngay sau đó các buổi tư vấn của cô với Jha bắt đầu trong không gian may vá nhỏ, tối tăm của Kumari.
Những người phụ nữ ‘không được bảo vệ’
Trầm cảm khi mang thai hoặc trong năm đầu tiên sau khi sinh (được gọi là trầm cảm chu sinh) là một trong những chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trên toàn thế giới.
Các triệu chứng của trầm cảm chu sinh bao gồm mất hứng thú với các sở thích hoặc hoạt động, cảm giác vô dụng hoặc vô vọng, có ý định tự sát và lo lắng không ngừng.
Tại khu vực Bihar nơi đường dây nóng được bắt đầu, cứ 4 phụ nữ thì có một người (chiếm 23,9%) bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Tuy nhiên, cả nước chỉ có 0,75 bác sĩ tâm thần trên con số 100.000 dân.
Homam A. Khan, Giám đốc chương trình tại IIH, người đứng đầu dự án đường dây nóng, giải thích các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần chu sinh ở khu vực này một phần là do áp lực và khó khăn của phụ nữ. Các cô gái lấy chồng sớm và chuyển đến ở với chồng, thường là ở một ngôi làng khác, đồng nghĩa với việc cắt đứt mối quan hệ với gia đình của mình.
Khi về ở chung nhà, “cô dâu mới phải nấu ăn, dọn dẹp và chăm sóc chồng trong khi cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện sinh nở”, Khan nhấn mạnh. “Họ không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác”.
Một nghiên cứu trên 500 phụ nữ ở quận Samastipur do các nhóm của IIH và SCARF Ấn Độ thực hiện đã cho thấy, trầm cảm chu sinh cũng có liên quan đến sức khỏe thể chất kém ở người mẹ, tiền sử phá thai và nghèo đói trước đây. Phần lớn người dân ở đây cũng bị suy dinh dưỡng và sống trong tình cảnh ‘cực kỳ nghèo’.
Ước tính quốc gia chỉ ra rằng gần 2/3 phụ nữ, chiếm hơn 63% dân số ở Bihar bị thiếu máu khi mang thai. Bihar cũng là khu vực có tỷ lệ biết chữ thấp thứ ba ở Ấn Độ và 70% phụ nữ gọi đến đường dây nóng hoặc được trị liệu hiện sống trong các hộ gia đình có thu nhập tương đương 1,60 USD/người/ngày.
Một nghiên cứu sâu hơn đã chứng minh, dịch vụ ‘đường dây nóng’ đã giúp những người phụ nữ cảm thấy ‘nhẹ nhàng hơn’ và muốn giải quyết các vấn đề của họ. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng những người sử dụng đường dây nóng đã trở nên quen thuộc với các thuật ngữ như lo lắng, trầm cảm, bất lực và gánh nặng, và những người dùng cho biết họ đã lắng nghe và làm theo các liệu pháp được nêu trong các tin nhắn được ghi lại, chẳng hạn như các bài tập thở.
Tiến sĩ Prabha Chandra, Trưởng bộ phận sức khỏe tâm thần chu sinh tại Viện Khoa học Thần kinh và Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tin rằng, các chương trình như thế này có giá trị rất lớn trong việc giải quyết gánh nặng về sức khỏe tâm thần trong khu vực bởi người dân địa phương được đào tạo để tự giúp đỡ chính cộng đồng của họ. Điều này “rất quan trọng ở một đất nước như Ấn Độ, nơi không có đủ lượng bác sĩ tâm thần”.
Nhưng kinh phí chỉ cho phép đường dây nóng hoạt động trong 7 tháng. Các nỗ lực để khởi động lại đường dây thông qua nguồn tài trợ mới đã bị trì hoãn khi đại dịch Covid-19 chuyển hướng mọi sự chú ý và nguồn lực.
Khi trình bày về Ngân sách Liên minh tại Quốc hội vào tháng 2/2022, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết chính phủ sẽ khởi động một chương trình sức khỏe tâm thần qua điện thoại quốc gia để cung cấp dịch vụ tư vấn và chăm sóc miễn phí 24/7 cho người dân trên khắp đất nước.
Sau thông báo, Bộ trưởng Y tế, Tiến sĩ Mansukh Mandaviya đã nói rằng các dịch vụ “sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách lớn trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong nước”. Nhưng chương trình này hiện vẫn chưa được khởi động.
Nhận thức được trách nhiệm mà bản thân đang gánh vác, Jha lo lắng không biết mình sẽ có thể giúp đỡ những người phụ nữ gọi mình trong bao lâu nữa.
“Tôi đang phải gánh vác rất nhiều công việc cùng một lúc, và tôi không biết mình có thể tiếp tục giúp đỡ các bà mẹ được bao lâu nữa nếu như không nhận được sự hỗ trợ”, cô nói, sau đó trở về nhà với vô số bộn bề. Jha biết rằng, dù có chuyện gì xảy ra ở đây, ngày mai vẫn sẽ là một ngày bận rộn khác đối với cô.