Thi học sinh giỏi: Đừng 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'
Trước thực trạng đào tạo “gà nòi” để thi lấy thành tích kéo theo đó là hàng loạt những sai sót trong công tác tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi này cần thiết phải thay đổi, thậm chí là nên xóa bỏ.
Thành tích để làm gì?
Theo các chuyên gia, trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sai sót trong các kỳ thi học sinh giỏi, tác động từ bệnh thành tích cũng là một nguyên nhân quan trọng, mà phần lớn đến từ vấn đề lợi ích của những người có liên quan.
Rõ ràng, việc ham muốn thành tích và nhất là cơ chế được tuyển thẳng, được ưu tiên rất nhiều trong xét tuyển vào đại học và cả sau khi tốt nghiệp đại học đã khiến tình trạng học sinh được đào tạo kiểu “gà nòi”, học chỉ để thi, mọi giá để có được danh hiệu học sinh giỏi quốc gia.
Bệnh thành tích từ cuộc thi gây áp lực không nhỏ cho cả học sinh và giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
Chia sẻ về huấn luyện học sinh giỏi, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay, chỉ những giáo viên có chuyên môn giỏi do tổ chuyên môn đề cử mới được tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui, giáo viên được chọn vừa lo vừa rất áp lực.
Về phía học sinh, một học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn chia sẻ rằng, phần nhiều ấn tượng của học sinh này ở những kỳ thi học sinh giỏi là sự kỳ vọng quá mức của bố mẹ. Để có được danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, em xem nhẹ một vài môn học, từ bỏ một vài sở thích để tập trung cho con đường duy nhất này. Vì thế, khoảng thời gian đối mặt với các kỳ thi, em luôn bị áp lực, căng thẳng.
Trước thực trạng trên, theo thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), kỳ thi học sinh giỏi các cấp nên bỏ càng sớm càng tốt để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai hiện nay.
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là “ông già Ozon” cũng cho rằng, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Từng bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi thi cấp quốc gia, quốc tế, TS Nguyễn Văn Khải nhận xét, nhiều học sinh giỏi, đoạt giải ở các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế không giỏi toàn diện mà chủ yếu học lệch.
Chuyên gia này ví von, học sinh thi học sinh giỏi như con người đi bằng một ngón chân, còn 9 ngón chân còn lại không sử dụng đến. Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục và đào tạo là phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ.
TS Nguyễn Văn Khải cho biết, ông không coi trọng thành tích hay huy chương bởi ông đã gặp nhiều học sinh giỏi quốc gia, thậm chí đoạt huy chương vàng ở các kỳ thi quốc tế nhưng khi về nước lại không làm được việc.
“Như vậy, huy chương vàng hay học sinh giỏi để làm gì”, TS Nguyễn Văn Khải đặt câu hỏi.
Đừng “giỏi trên giấy tờ”
Bàn về hàng loạt những sai sót, tồn tại của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên Trường Tiểu học, THCS & THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, khi nào còn quá coi trọng vấn đề thành tích, còn lò luyện thi và còn tổ chức thi học sinh giỏi như cách thức hiện nay thì kỳ thi học sinh giỏi sẽ luôn còn tiêu cực.
Tuy nhiên, theo thầy Hiển, bất kỳ cái gì cũng có tính hai mặt. Bên cạnh những tồn tại được chỉ ra, chúng ta cần nhìn vào những điểm tích cực của kỳ thi. Thế nên, thầy Hiển cho rằng, thi học sinh giỏi vẫn cần thiết nhưng kỳ thi này cần được đổi mới.
“Nhìn vào lịch sử, cách đây hàng chục năm, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cực kỳ có uy tín và luôn tìm ra được những nhân tài đích thực. Bây giờ thì sao?
Tôi cho rằng, cần minh bạch hóa kỳ thi, đề thi, điểm thi và bài làm của thí sinh, dám coi sự phản biện xã hội là giám khảo thứ ba, cần tổ chức tốt hơn khâu coi thi và chú trọng đặc biệt đến đề thi, tránh trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi” như báo chí đã phản ánh trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vừa qua”, thầy Hiển nêu quan điểm.
GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, muốn duy trì danh hiệu học sinh giỏi phải có tiêu chuẩn và tiêu chuẩn đó cần gắn liền với đời sống, không chỉ giỏi trên giấy tờ.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, có nhiều hình thức để cổ vũ, tạo động lực cho học sinh phấn đấu “học đi đôi với hành” chứ không nằm ở cuộc thi. Ví dụ như: tài trợ các gói học bổng cho học sinh đạt kết quả xuất sắc, giải thưởng lớn cho học sinh có nhiều sáng kiến, đóng góp cho xã hội.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên những học sinh có nhiều thành tích trong học tập và tu dưỡng đạo đức, sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ được đưa vào đào tạo và giữ lại làm việc, đó cũng là chính sách thúc đẩy học sinh học tập và rèn luyện, xóa bỏ tư tưởng học để đi thi.
"Học phải đi đôi với hành. Học chỉ để đi thi lấy giải thì đó là hư danh, không giải quyết được vấn đề gì"- GS.TS Phạm Tất Dong nói.
“Kỳ thi học sinh giỏi như hiện nay không tuyển được người tài. Bởi người tài phải giỏi toàn diện nhưng học sinh thi học sinh giỏi chỉ tập trung học 1 môn để mong có thành tích, được tuyển thẳng vào đại học. Như vậy là giỏi không toàn diện. Con cháu tôi hầu hết đều không tham gia thi học sinh giỏi các cấp nhưng vẫn thi tốt nghiệp THPT, đỗ đại học với số điểm cao nhất trường. Bản thân tôi cũng đã từ chối thi học sinh giỏi nhưng tôi vẫn làm được nhiều việc, vẫn có nhiều đóng góp.
Hãy thử thống kê trong số học sinh giỏi quốc gia của nhiều năm nay có bao nhiêu bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, pháp minh ứng dụng vào cuộc sống? Theo tôi, chúng ta đừng tốn công luyện “gà nòi” mà hãy để học sinh học và phát triển toàn diện. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, lựa chọn những em có thành tích tốt, đỗ đại học điểm cao để đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Có thế mới hiệu quả”.
TS Nguyễn Văn Khải