5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú
Ngày 2/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã chủ trì Hội nghị nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú – thực trạng và giải pháp”.
Giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú là một nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam ở cơ sở, thể hiện vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Xuất phát từ thực tế triển khai, nhóm nghiên cứu đã kế thừa, phát triển, làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về vai trò của MTTQ Việt Nam trong tham gia giám sát cán bộ, đảng viên.
Đề tài đã luận giải về thực trạng hoạt động MTTQ giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú. Trong đó đề cập tới Kết quả hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư thực hiện theo NQLT số 05; Kết quả giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú thực hiện theo Quyết định số 218 và Quyết định số 124, bao gồm các nội dung: Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; Giám sát về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Giám sát về việc giữ mối liên hệ với Nhân dân ở nơi cư trú; Giám sát việc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; Giám sát cán bộ, đảng viên thông qua thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương, cơ sở; Giám sát việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố,…
Nhóm nghiên cứu đề tài đánh giá tổng quan về hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương, trong đó nhấn mạnh tới những quy định của Đảng về cán bộ, đảng viên cho đến nay được ban hành khá đầy đủ, kịp thời, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng thời điểm, từng giai đoạn. Một số quy định đã cơ bản được thể chế hóa thành những quy định pháp luật và được hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định. Cấp ủy các cấp đã quan tâm xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác.
Cùng với đó, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung quán triệt triển khai các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên. Qua đó, mỗi đảng viên đều nhận thức đúng đắn, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát cán bộ, đảng viên.
Hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp hoạt động; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã làm tốt vai trò trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát cán bộ, đảng viên; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát ngày càng nâng cao góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là cơ sở, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Điểm nổi bật là MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương, trong đó MTTQ Việt Nam cấp xã đã tích cực phối hợp với cấp ủy Đảng cơ sở cùng cấp tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy tổ chức cơ sở Đảng với nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy đảng đã tiếp thu, giải trình hầu hết số ý kiến ngay sau hội nghị đối thoại.
Theo thống kê, đã có 52/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân; 50/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Quy định của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Qua quá trình đánh giá thực tiễn, nghiên cứu chuyên sâu, nhóm tác giả đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú của MTTQ Việt Nam, bao gồm giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, quy định của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên; giải pháp về nâng cao nhận thức của các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ đảng viên; giải pháp về về xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến giám sát cán bộ, đảng viên; giải pháp bảo đảm độc lập về kinh phí để MTTQ Việt Nam thực hiện giám sát; giải pháp về tổ chức thực hiện.
Đối với việc tổ chức thực hiện, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 giải pháp, trong đó cần tăng cường sự phối hợp của MTTQ Việt Nam với cấp ủy, chính quyền địa phương về triển khai công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cán bộ Mặt trận, đặc biệt quan tâm tới tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ Mặt trận, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát, thực hiện theo dõi, kiểm tra công tác giám sát cán bộ, đảng viên.
Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao nội dung nhóm đề tài đã đề cập, khẳng định đề tài đã đánh giá thực trạng và đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị bảo đảm cho hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú trong thời gian tới. Ngoài ra, đề tài đã đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức thực hiện đề xuất nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là ở cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của của MTTQ Việt Nam và Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá cao kết quả đã đạt được của Ban Chủ nhiệm đề tài, mặc dù đây là đề tài khó nhưng nhóm nghiên cứu đã thể hiện trách nhiệm, tính chủ động trong nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề tài.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, trong thời gian qua, những đóng góp quan trọng của MTTQ Việt Nam trong giám sát cán bộ, đảng viên đã thể hiện rõ hơn vai trò quan trọng của Mặt trận trong tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trên cơ sở những đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài cần tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện và bổ sung các nội dung về các vấn đề nghiên cứu, tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức thực hiện đề xuất nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là ở cơ sở, từ đó tiếp tục phát huy vai trò giám sát của của MTTQ Việt Nam và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tại Hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài đạt loại khá.