Thất thoát, lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?

M.Loan - H.Vũ 03/06/2022 07:39

Tình trạng lãng phí, thất thoát tài sản công, “cha chung không ai khóc” đã khiến cho nguồn ngân sách nhà nước bị hao hụt nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Thực trạng của vấn đề này tiếp tục được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” một cách chi tiết tại buổi thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 diễn ra ngày 2/6/2022 trên nghị trường Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh): “Lãng phí còn nguy hại hơn tham ô, tham nhũng bởi không đo đếm được... ”. Ảnh: Quang Vinh.

Ngày 2/6, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Lãng phí từ sử dụng tài sản công, đất đai, con người, nguồn lực đã được các đại biểu Quốc hội “gọi tên” cùng với dấu hỏi về trách nhiệm.

Sử dụng công chức phải “đúng người, đúng việc”

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, chính sách tinh giản biên chế năm 2021 đạt nhiều kết quả quan trọng với mức 10,01%, vượt so với mục tiêu đề ra là 10%. Tuy nhiên cần phân tích kỹ hơn về chất lượng tinh giản khi cào bằng dẫn đến đơn vị cần giữ nguyên hoặc phải tăng thì lại phải giảm theo chỉ tiêu mặt bằng chung. “Sử dụng phải sử dụng đúng người, đúng việc, theo yêu cầu vị trí việc làm, cần trao quyền quyết định cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị về vấn đề này” - ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) cho rằng, tinh giản bộ máy có ý nghĩa quan trọng trong góp phần thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bởi bộ máy vững mạnh thì mới ngăn chặn và chống được lãng phí. “Ví như một người có nhiều vốn nhưng không có trình độ năng lực thì cũng không phát huy được trong sản xuất kinh doanh” - ông Ba ví von.

Đưa ra giải pháp, ông Ba đề nghị: “Cần nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ công chức, nhất là năng lực áp dụng pháp luật. Do đó đòi hỏi năng lực cán bộ trong quá trình tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật. Đổi mới cải cách bộ máy hơn nữa để thực sự “kiến tạo”, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Chính phủ cần tinh gọn để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các bộ, cơ quan ngang bộ. Tăng cường quản lý vĩ mô thi hành chính sách pháp luật để chống lãng phí nguồn lực đất nước”.

Bỏ hoang “tấc vàng”

Đề cập đến việc quản lý sử dụng tài sản công còn nhiều hạn chế, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cho rằng, một bộ phận người đứng đầu quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả chưa cao. Trụ sở làm việc đầu tư xây dựng mới, sử dụng đất công, nhà công vụ sai mục đích, thậm chí sai quy định. Điều đó cho thấy tài sản nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.

“Đất đai là vấn đề nhạy cảm nhưng quản lý, sử dụng chưa đồng bộ, còn lãng phí, sai phạm ở nhiều nơi trên cả nước, có nhiều lãnh đạo các cấp đã bị xử lý. Do đó cần tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để tránh tình trạng sử dụng đất đai, tài sản công lãng phí, sai mục đích” - bà Hằng nói.

Dẫn chứng đang có sự chênh lệch giữa công trình công và tư rất cao, công trình xây dựng bằng vốn đầu tư công cao gấp 2 công trình do dân tự đóng góp xây dựng, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, “chi phí gián tiếp” quá lớn dẫn đến tiêu cực tham nhũng.

Ông Gia phân tích: “Việc sáp nhập trụ sở, trường học còn lãng phí. Các cơ quan xây dựng trụ sở mới nhưng giải quyết trụ sở cũ còn rất lâu, 4-5 năm chưa giải quyết được gây lãng phí tài sản công và mất mỹ quan đô thị”.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) bày tỏ bức xúc: “Tấc đất là tấc vàng. Mỗi m2 đất là tấc vàng nhưng quy hoạch treo vẫn đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Tấc vàng lại để lãng phí trong khi người dân không có nhà ở. Do đó các cấp chính quyền cần khắc phục tình trạng dự án treo, thu hồi đất xong vẫn kéo dài dự án. Đó là do triển khai quy hoạch yếu kém, quy hoạch không phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư công vẫn chậm phân bổ vốn, không khai thác phát huy được vốn trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới cần khắc phục tình trạng trên”.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Theo đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân chưa được ngăn chặn.

“Thống kê có hơn 1000 hành vi cán bộ vi phạm với các nhóm hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ, nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp, vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức” - Bà Sinh nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (đoàn Tây Ninh) cũng cho rằng, thời gian qua có sự buông lỏng trong quản lý sử dụng tài sản công nhưng việc phát hiện chậm, chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân đã gây ra lãng phí.

“Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chuyển biến chậm, lãng phí hiện hữu tồn tại ngay trước mắt từ đất đai, dự án treo, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, chậm giải ngân vốn đầu tư gây lãng phí, thất thoát nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Lãng phí còn nguy hại hơn tham ô, tham nhũng bởi không đo đếm hết được, không được xử lý”.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nêu tình trạng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong đầu tư công và cần tiếp tục khắc phục, đổi mới như chất lượng và tiến độ trong công tác chuẩn bị đầu tư; đầu tư dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn; tiến độ phê duyệt các dự án giao còn chậm; giải ngân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng "thong thả đầu năm, vất vả cuối năm" vẫn thường xuyên phổ biến; điều chỉnh dự án nhiều lần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng. Chất lượng công trình chưa đảm bảo, nhiều công trình, dự án vừa hoàn thành đã phải nâng cấp, mở rộng, nhất là trong các công trình giao thông vận tải...

Giải trình, làm rõ một số vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến đầu tư công mà đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các gợi ý, giải pháp của đại biểu Quốc hội, sẽ sớm báo cáo Chính phủ và Quốc hội có giải pháp hữu hiệu hơn để trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Về các giải pháp cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ ban hành ngay những quy định nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các quy định của pháp luật, xây dựng và ban hành các quy định về hành động trước, đặc biệt vấn đề tách giải phóng mặt bằng như nhiều đại biểu nêu; sửa đổi các văn bản quy định của pháp luật liên quan; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xây dựng các chương trình đào tạo; chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý hiệu lực, hiệu quả về đất đai.

"Đặc biệt, tôi rất mong các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương cũng như góp ý với Chính phủ về các giải pháp; ủng hộ Chính phủ các giải pháp để khắc phục tình trạng chậm trễ giải ngân đầu tư công lâu nay” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang):

Báo cáo cụ thể vụ kit xét nghiệm của công ty Việt Á

Cần đánh giá sâu hơn về vụ kit xét nghiệm của công ty Việt Á không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn bán cho các CDC ở các tỉnh, thành, gây thất thoát ngân sách nhà nước và lãng phí.

Theo kết quả điều tra, sau 17 tháng công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép bán kit xét nghiệm thì chỉ riêng bán cho CDC các tỉnh đã đạt 4000 tỷ đồng, chưa kể bán ra ngoài cho người dân. Việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng chưa thuyết phục, làm lãng phí nguồn lực xã hội, cá nhân.

Việc áp dụng cách ly nặng thủ tục hành chính, cấp phép xin cho giấy đi đường tác động đến kết quả phòng dịch và chuỗi cung ứng làm lãng phí nguồn lực, con người, đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh. Đề nghị cần báo cáo rõ hơn về vấn đề này.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội):

Đánh giá trách nhiệm người đứng đầu

Các lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, vẫn còn những vi phạm, sai sót ở những mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên khoáng sản. Để năm 2022 và các năm tiếp theo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn chúng ta cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đánh giá toàn diện cả tình hình thực hành tiết kiệm và tình hình chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất.

Công tác đánh giá cần đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực có khả năng gây nhiều lãng phí và những hậu quả nặng nề đến nguồn lực của đất nước.

Đề nghị Chính phủ chú ý đánh giá nguyên nhân chủ quan, nhất là nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi nếu người đứng đầu có nhận thức, có ý thức và có trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì chắc chắn cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt cần xây dựng các nhóm giải pháp riêng về thực hành tiết kiệm và nhóm giải pháp phòng, chống lãng phí.

M.Loan - H.Vũ