Hưng Yên: Hiệu quả mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đã tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường. Qua triển khai các mô hình này đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi hành vi, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, góp phần làm cho môi trường sống sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể đã triển khai xây dựng nhiều mô hình thiết thực để chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu, xử lý chất thải trong sản xuất.
Đến nay, toàn tỉnh đã xuất hiện hàng trăm mô hình hay cách làm sáng tạo trong bảo việ môi trường như mô hình “Phế liệu sạch”, mô hình “Đường, thôn, xóm 3 sạch”, phong trào “Hàng cây cựu chiến binh tự quản”. Hội Nông dân xây dựng chi hội 3 không gồm: Không có vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên đồng ruộng; không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thải phụ phẩm nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường; không đổ chất thải chưa xử lý ra môi trường. Ở nhiều khu dân cư, việc tổng vệ sinh, làm sạch cảnh quan, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp được duy trì nề nếp hàng tuần vào sáng thứ 7 hoặc ngày Chủ nhật.
Một trong những cách làm tiêu biểu là mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở khu dân cư Tạ Hạ, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động. Từ khi triển khai đến nay, mô hình đã đi vào hoạt động nề nếp, có hiệu quả thiết thực. Kết quả đó cho thấy sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa Ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể.
Ông Nguyễn Đình Bốn - Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư Tạ Hạ cho biết, từ nhiều năm nay, mỗi thành viên của Ban Công tác Mặt trận được phân công một nhiệm vụ cụ thể để tuyên truyền vận động người dân tham gia thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Sau thời gian triển khai, kết quả đạt được rất khả quan, mô hình đã dần đi vào nề nếp và có hiệu quả thiết thực. Hiện trong khu dân cư không còn rác thải bừa bãi. Môi trường thực sự xanh, sạch đẹp, nhận thức của người dân về việc phân loại rác thải đã chuyển biến tích cực. Toàn thôn đã có 130 hộ xây bể xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn, 170 hộ đăng ký nhận thùng phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình.
Bà Nguyễn Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên cho biết, để thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, công tác xã hội hóa như hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, xe chở rác, thùng đựng rác thải sinh hoạt và chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt cũng được tổ chức bài bản.
Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có hơn 3.000 mô hình tự quản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với những tên gọi khác nhau. Người dân cũng bày tỏ sự hài lòng cao về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình “Phố trong làng” của Hưng Yên với những đường hoa, hàng cây, ghế đá ngày một nhiều hơn. Với cách làm như vậy, hiện nay tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt 38,42%, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải phải vận chuyển, xử lý ra môi trường.
“Việc xây dựng các mô hình tự quản bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Các hoạt động bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc “tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện nên các mô hình đã trở thành phong trào, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng” - bà Thúy chia sẻ.