Thực phẩm xanh, sạch 'lên ngôi'
Sau dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng sản phẩm tự nhiên, sản phẩm organic ngày càng tăng. Theo các chuyên gia, bối cảnh mới nên nhu cầu tiêu dùng cũng mới, đặc biệt là đối với thực phẩm.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy, tại Việt Nam, 86% người dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm thực phẩm hữu cơ cho bữa ăn hàng ngày vì tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị. Các chuyên gia cũng nhận định, khi thu nhập và đời sống của người dân ngày càng nâng cao, tầng lớp trung lưu phát triển thì người tiêu dùng dần dần trở thành người tiêu dùng thông minh, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh thông qua việc sử dụng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu sạch.
Theo khảo sát, thực phẩm hữu cơ có giá cao hơn thực phẩm cùng loại bày bán tại các chợ từ 20 - 30%. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng khẳng định, không quan tâm đến giá cả mà sẵn sàng chi trả để dùng sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, thị trường tiêu dùng đang có sự thay đổi lớn. Bối cảnh mới nên nhu cầu mới. Theo bà, hậu đại dịch dẫn tới mối lo về sức khỏe. Thứ hai, kinh tế toàn cầu suy giảm và ảnh hưởng đến Việt Nam. Thứ ba, biến đổi khí hậu nên nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều. Cuối cùng là môi trường tổn thương nghiêm trọng. Tất cả những điều này khiến cho nhu cầu tiêu dùng thực phẩm xanh sạch, thực phẩm mang lại sự đa dạng cho chế độ ăn uống, thân thiện với môi trường tăng lên. “Ngành bán lẻ cần chú ý xu hướng này, phải đa dạng hóa nguồn cung cấp cho khách hàng”- bà Hạnh khuyến cáo.
Ghi nhận trên thị trường, rất nhiều hệ thống siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Lotte Mart, MM Mega Market... đều dành những quầy riêng cho thực phẩm hữu cơ. Đơn cử, hệ thống bán lẻ Co.opmart đưa vào kinh doanh 4 nhóm thực phẩm hữu cơ mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu với các sản phẩm gạo Jasmine, Japonica, cà chua, bí đao...Không chỉ thị trường tiêu dùng trong nước có những thay đổi lớn, thị trường xuất khẩu cũng lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch. Ông Nguyễn Trường Thịnh - Phó Giám đốc Kinh doanh Dừa Lương Quới, doanh nghiệp chuyên chế biến dừa cho biết: “Sau đại dịch nhu cầu sử dụng sản phẩm tự nhiên, sản phẩm oganic ngày càng tăng. Thu nhập giảm nhưng nhiều người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua sản phẩm tự nhiên, sạch, không sử dụng hóa chất để bảo vệ gia đình”. Ông Thịnh cho rằng, đơn vị đã phải nghiên cứu để có thể thực hiện pha chế khéo léo giữa dừa hữu cơ và trái cây đồng bằng nhằm tạo ra những món giải khát tuyệt vời. Ví dụ như nước dừa kết hợp với nước dưa hấu, sản phẩm này đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng. Cũng theo vị này, sự kết hợp khéo léo trong pha chế cộng với công nghệ sản xuất hiện đại nên sản phẩm được thị trường tiêu dùng đánh giá cao. Hiện, sản phẩm này đã xuất khẩu Mỹ, châu Âu, Canada...
Đánh giá cao sản phẩm “made in Vietnam” cũng như công nghệ sản xuất hiện đại đưa ra thị trường sản phẩm xanh, sạch, ông Matsuo - Chủ tịch Hiệp hội ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản, CEO Pacific Food mong muốn, xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Ông Matsuo còn muốn chọn những sản phẩm đặc trưng của 63 tỉnh, thành ở Việt Nam để xuất khẩu. Nghĩa là, mỗi tỉnh, thành sẽ chọn ra một sản phẩm chủ lực. Theo ông Matsuo, nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có điểm chung là sản phẩm lên men. Vì vậy, vị đại diện Hiệp hội Ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản muốn xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang Nhật Bản và ngược lại. “Ở Việt Nam tam giác mạch chỉ là loại hoa đẹp được mọi người ưa thích, người dân dùng để cho gia súc ăn. Tuy nhiên, với người Nhật Bản tam giác mạch có thể dùng để chế biến thực phẩm rất tốt, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, trong năm nay tam giác mạch sẽ được xuất khẩu thị trường Nhật Bản.
Tỉnh Hòa Bình hiện có hơn 4.000ha cây trồng (gồm 3.373ha cây ăn quả có múi, 561ha rau an toàn các loại và 152ha cây trồng khác) đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trong đó, huyện Lương Sơn nổi tiếng với các sản phẩm rau hữu cơ, được người tiêu dùng đón nhận. Toàn huyện hiện có hơn 12ha trồng rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng 80-100 tấn/năm, giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Năm 2022 và 2023, huyện Lương Sơn dự kiến sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 22ha; sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5ha. Vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn nông sản sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, CH Séc, Đức...).