Cồng kềnh xe ba gác trên đường phố
Mặc dù là phương tiện vận chuyển khá phổ biến trên thực tế nhưng xe ba gác, xe tự chế (xe máy gắn gác)... đang là nỗi đau đầu ở TP Hồ Chí Minh.
Nỗi ám ảnh nhiều người
Thời gian qua, việc quản lý xe ba gác, xe tự chế vẫn chưa được chặt chẽ, nhất là địa bàn ở khu vực ngoại thành TP HCM. Trong đó, nhiều tuyến đường có cấm theo giờ, chiều lưu thông với phương tiện ô tô nhưng xe ba gác lại được vô tư chạy. Hậu quả của các vụ tai nạn do xe ba gác gây ra rất nhiều bởi tài xế chạy xe ba gác thường khá ẩu, hàng hóa nhiều, cồng kềnh.
Anh Nguyễn Văn Lượng, 41 tuổi ngụ tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP HCM) cho biết tình trạng xe bác gác ở khu vực này chạy ẩu đã thành thói quen. “Nhiều tuyến đường ở đây thường xuyên ùn tắc, kẹt xe vì xe ba gác chở hàng cồng kềnh, chạy bạt mạng. Như tuyến đường Phan Văn Hớn chỉ cho xe ô tô chạy 1 chiều giờ thông thường nhưng xe ba gác kích cỡ lớn vẫn chạy ngược lại, khiến nhiều người “lạnh sống lưng”. Hay nhiều tuyến đường khác như quốc lộ 22, quốc lộ 1A, Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Thị Sóc... xe ba gác chở hàng nông sản, trái cây xếp hàng dài cả cây số, chắn nửa đường đi” - anh Lượng phản ánh.
Thực tế xe ba gác không chỉ là mối lo ngại của người dân mà thực tế đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng. Nếu bỏ qua thời gian TP HCM hạn chế đi lại vì dịch Covid-19, khoảng 1 năm gần đây có hàng loạt vụ tai nạn giao thông với thủ phạm là xe ba gác. Đơn cử cách đây một tháng, một cô gái chạy xe gắn máy đuổi theo tên cướp đã va chạm với xe ba gác dẫn tới tử vong. Hay trước đó, xe ba gác chở hàng công kềnh đã cuốn người đàn ông đi bộ ven đường vào gầm, kéo nạn nhân đi một đoạn khiến người này tử vong trên địa bàn huyện Bình Chánh. Hay vụ việc xe ba gác tông vào thanh niên ở địa bàn quận 12 khiến nạn nhân bị thương nặng, tử vong trong bệnh viện nhưng lại bỏ trốn khỏi hiện trường... Thực tế những vụ việc tai nạn giao thông liên quan tới xe ba gác xuất hiện gần như hàng tuần và không có thống kê đầy đủ.
Ghi nhận thực tế, xe ba gác xuất hiện ở hầu khắp các quận huyện tại TPHCM với lý do cơ động, có thể chuyên chở nhiều loại nguyên vật liệu và di chuyển vào nhiều tuyến đường nhỏ. Đây là lợi thế lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân vì nhiều khu vực đặc thù mà xe tải dù nhỏ cũng không thể vận chuyển được. Đặc biệt, chi phí hình thành xe ba gác lại khá rẻ. Thực tế đây vẫn là phương tiện thô sơ. Có thể sử dụng một chiếc xe gắn máy cũ, gắn thêm chiếc gác sắt phía sau là có thể chở được rất nhiều loại hàng hóa. Tổng chi phí chỉ khoảng chục triệu đồng là có phương tiện khiến nhiều người dễ dàng đầu tư. Ngoài mục đích chở hàng thuê, xe ba gác, móc kéo thô sơ loại này cũng được những người bán hàng rong sử dụng. Đó cũng là một phần lý do khiến chính quyền TP HCM và các cơ quan chức năng vẫn còn “phân vân” khi tiến hành xử lý, quản lý chặt loại hình phương tiện này. Bởi một số ý kiến cho rằng đó là “cần câu cơm” của người nghèo.
Cần lộ trình hợp lý
Cách đây ít lâu, khi tham gia cùng lực lượng CSGT xử lý các xe ba gác, xe máy gắn gác kéo ở khu vực Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (huyện Hóc Môn), chúng tôi có phỏng vấn trực tiếp chủ một phương tiện xe ba gác vi phạm. Đó là anh Nguyễn Văn Ba, quê ở Gò Công (Tiền Giang) nhưng làm nghề bán trái cây trong khu vực chợ đầu mối. Được biết, đây là lần thứ 3 phương tiện của anh bị lập biên bản, xử phạt nhưng anh vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện này di chuyển để bán hàng do “không còn nghề nào khác và thấy ngoài quốc lộ người ta cũng chạy xe ba gác ầm ầm kìa”.
Ông Võ Khánh Hưng- Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết thống kê sơ bộ thành phố hiện có khoảng 3.000 xe cơ giới 3 bánh được cấp biển đăng ký và 30.000 xe cơ giới thô sơ loại 3,4 bánh tự chế không cấp biển. Đây là các loại xe gắn động cơ có móc kéo, đẩy... cùng một số lớn phương tiện ở các tỉnh thành lân cận hoạt động vùng ven TP HCM. Đa phần các loại phương tiện này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, cồng kềnh, quá tải, quá khổ, xuống cấp và ô nhiễm môi trường. TP HCM cũng đã nhiều lần lên kế hoạch dẹp bỏ loại phương tiện này nhưng gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người. Ngoài ra thành phố cũng chưa tìm được phương tiện hiệu quả hơn để thay thế nếu cấm triệt để xe ba gác. Cũng theo ông Hưng, vừa qua TP HCM đã có lộ trình siết quản lý hoạt động của các phương tiện xe ba gác này với mục tiêu tới năm 2025 sẽ loại bỏ hoàn toàn. Song song với đó, thành phố giao cho Tổng Công ty Cơ giới giao thông vận tải Sài Gòn tiến hành sản xuất phương tiện nhỏ, gọn, giá rẻ để thay thế, tạo điều kiện người dân chuyển đổi phương tiện.
Thượng tá Nguyễn Văn Bình - Phó Trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08, Công an TP HCM) cho biết, từ đầu năm lực lượng CSGT đã tổ chức rất nhiều chuyên đề ở nhiều đội để tiến hành xử phạt, nhắc nhở, kiểm soát phương tiện xe ba gác, xe tự chế gắn gác. Việc xử lý tiến hành song song ở nhiều quận huyện, thành phố trực thuộc. Vẫn theo Thượng tá Bình, PC08 đã tham mưu với lãnh đạo thành phố sửa đổi quy định thay vì cấm, hạn chế các loại hình phương tiện xe ba gác ở một số tuyến đường, một số khu vực tại trung tâm thành phố thì có thể mở rộng toàn bộ địa bàn.