Những đứa trẻ bị đẩy vào cuộc sống tội phạm trên đường phố Malawi
Với 15.000 đứa trẻ bị đẩy đến bước đường cùng, phải trộm cắp để kiếm sống, tình trạng đói nghèo gia tăng mạnh mẽ ở đất nước Malawi đang khiến ngày càng nhiều đứa trẻ phải bỏ nhà đi.
Những đứa trẻ vô gia cư
Emily Maere đã đến thành phố Blantyre để mua hàng hóa cho cửa hàng tạp hóa nhỏ của cô ấy. Như thường lệ, cô quyết định không cầm theo tiền mặt mà sẽ sử dụng máy ATM khi đến đó.
Trong chuyến đi lần này của mình, Maere, 25 tuổi, đến từ Neno ở miền nam Malawi, đã bị tấn công. Trước sự bàng hoàng của chính mình, những kẻ tấn công cô lại chính là những đứa trẻ. Maere kể lại: “Tôi vừa rút tiền xong thì bị một nhóm trẻ em đường phố tấn công và giật ví”.
Tháng trước, một thanh niên 16 tuổi vô gia cư, Precious Kalajila, đã bị cảnh sát bắn vào lúc 2h sáng trên đường phố của thủ đô Lilongwe. Cái chết của cậu, mà cảnh sát gọi là “tình cờ”, đã làm dấy lên vấn nạn gia tăng số lượng trẻ em cơ nhỡ, những đứa trẻ sống ở dưới đáy xã hội trên đường phố Malawi.
Mười hai năm sau, thông qua các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em vô gia cư, Malawi ước tính có 15.000 đứa trẻ đang sống trong cảnh cùng cực. Các nhà vận động và cảnh sát cho biết con số này đang tăng lên với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là khi tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng gây áp lực lớn lên các gia đình.
Các nhà vận động nói rằng nghèo đói đang dẫn đến việc trẻ em phải bỏ học và chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà. Người phát ngôn cảnh sát Lilongwe, ông Hastings Chigalu, nói: “Những đứa trẻ này không có chỗ ở nhất định - một số sống dưới gầm cầu - và việc tiếp cận nguồn thức ăn là một thách thức lớn. Do đó, chúng thường cướp của mọi người để nuôi sống chính mình”, ông nhấn mạnh.
Ông Chigalu cho biết vụ sát hại cậu thanh niên Kalajila, người bị bắn vào mông và chảy máu đến chết, là vô tình. Sự việc xảy ra sau khi cảnh sát đuổi theo ba thanh niên mà họ nói rằng phát hiện đang cố đột nhập vào một cửa hàng. Ba thanh niên này được cho là thành viên của một nhóm ngủ ở bến xe buýt của thành phố. Ủy ban Nhân quyền Malawi đã mở một cuộc điều tra về vụ án này.
Tội phạm ‘bất đắc dĩ’
Mẹ của cậu thanh niên, bà Salayi Kalajila, nói với các phóng viên địa phương rằng, con trai bà đã bỏ nhà đi vào năm trước sau khi bỏ học giữa thời điểm đại dịch bùng nổ. Cũng như nhiều gia đình, bà cho biết việc nuôi dạy 4 đứa con cùng một lúc giữa cái đói nghèo là một công việc rất khó khăn.
“Nhưng tôi không tin con trai mình là một tên trộm. Tôi thừa nhận thằng bé đã quyết định sai lầm khi bỏ nhà ra đi, nhưng Precious không đáng phải chết”, bà nghẹn lời.
Một báo cáo về ‘An ninh thực phẩm mãn tính’ của IPC gần đây ước tính rằng 5,8 triệu người dân ở Malawi hiện phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, phần lớn do nghèo đói và các cú sốc liên tục.
Gertrude Banda, 35 tuổi, một bà mẹ 5 con ở quận Balaka, miền nam Malawi cho biết, gia đình cô đã phải đối mặt với nạn đói trong suốt 10 năm. Cô nhấn mạnh: “Khu vực này thường xuyên không có mưa, tôi không thể thu hoạch đủ ngô để sống cả năm và hầu như phải sống phụ thuộc vào những công việc làm thêm”.
Moffat, trưởng làng của huyện Neno ở miền nam Malawi, cho biết các gia đình ở đó chỉ thu hoạch đủ ngô để có thể tự nuôi sống gia đình trong ba tháng. “Nghèo đói buộc trẻ em từ các gia đình nghèo khó và thiếu lương thực phải di cư đến các thành phố khác. Sau khi không tìm được việc làm, số phận của chúng sẽ kết thúc trên đường phố cùng những lời chào mời trở thành tội phạm”, ông thở dài.
Đồng thời nhấn mạnh rằng, số lượng trẻ em đường phố ngày càng tăng cũng có liên quan đến căn bệnh HIV và AIDS, bởi một số trẻ em đã rơi vào cảnh mồ côi vì chính căn bệnh này.
Sống sót trên đường phố không phải là điều dễ dàng. Những đứa trẻ chủ yếu sống nhờ thức ăn được cho từ những người tốt bụng và đôi khi, thậm chí có thể nhặt rác từ các nhà hàng.
Hầu hết những đứa trẻ lang thang ở thành phố Blantyre và Lilongwe cho biết, chúng đã bỏ nhà đi chỉ vì không có đủ thức ăn. Chúng chuyển đến các thành phố để tìm việc làm nhưng cuối cùng lại phải ngủ vùi dưới gầm cầu hoặc trên các công trường xây dựng, và cuối cùng gia nhập cùng với những đứa trẻ vô gia cư khác.
Một cậu bé tên Chisomo chia sẻ: “Sống sót như một masikini (đứa trẻ đường phố) không hề đơn giản. Chúng cháu chủ yếu sống phụ thuộc nhờ thức ăn rơi vãi từ những người tốt bụng và đôi khi phải nhặt rác từ các nhà hàng hoặc khách sạn”.
Chisomo thừa nhận rằng, nhiều đứa trẻ đã gia nhập trong các băng nhóm, tấn công người đi đường và cướp tài sản để tồn tại, “Chúng cháu sẽ nhận được số tiền mà chúng cháu sử dụng để mua thuốc và thực phẩm”.
Malawi đã phát động hiến chương đường phố vào năm 2017, nhằm tìm cách tách những đứa trẻ ra khỏi cuộc sống đường phố, nhưng chính phủ đã có rất ít nỗ lực để thực hiện điều này, theo nhà hoạt động nhân quyền Moses Chabuka.
Chabuka nói: “Những đứa trẻ này cần được phục hồi cuộc sống để chúng có thể trở thành những công dân có trách nhiệm, nhưng có vẻ như không có cam kết nào của chính phủ được thực hiện”.
Ông nói rằng các băng nhóm đường phố sẽ vận hành hệ thống của riêng họ. “Những đứa trẻ này, đặc biệt là phụ nữ, thường bị lạm dụng, các cô gái thường bị hãm hiếp. Nhưng thách thức lớn nhất đối với họ vẫn là nơi có thể kiếm được bữa ăn tiếp theo trong ngày”.
Bộ trưởng phụ trách trẻ em và phúc lợi xã hội của Malawi, bà Patricia Kaliati cho biết, chính phủ đang có một hoạt động nhằm đưa trẻ em tách khỏi cuộc sống đường phố, trở lại trường học và trả về với người thân.
Bà khẳng định: “Chúng tôi đang nỗ lực để loại bỏ các vấn đề đang khiến trẻ em phải ra đường phố kiếm sống, nhưng kế hoạch này sẽ chỉ thành công nếu cộng đồng cùng chung tay”.
Đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để đảm bảo những đứa trẻ này được tiếp cận quyền học hành, để chúng có thể đóng góp những điều ý nghĩa vào sự phát triển của đất nước”.
Mary Shawa, một chuyên gia y tế công cộng tại Plan International Malawi tin rằng, các trung tâm dành cho trẻ em của chính phủ không phù hợp với mục đích. Nhiều trung tâm hoạt động tồi tệ, cô nói, và trẻ em cuối cùng phải chạy trở lại đường phố.
“Có rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành trong trại trẻ mồ côi được ghi nhận, và tôi tin rằng cách tốt nhất để tránh những đứa trẻ này bị bỏ rơi trên đường phố là nuôi dạy chúng trong chính cộng đồng của chúng, nơi chúng có bạn bè và người thân”.