Đề xuất mới về lương tối thiểu theo giờ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và nghị định, gửi lấy ý kiến các bộ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Dự kiến lương tối thiểu theo giờ quá thấp
Tại bảng tổng hợp ý kiến góp ý, Bộ LĐTB&XH cho biết có 42 đơn vị (trong đó Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 7 đơn vị; địa phương là 30 đơn vị; Hiệp hội doanh nghiệp là 3 đơn vị; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) góp ý. Qua đó, có 36 đơn vị có ý kiến thống nhất hoàn toàn với nội dung của dự thảo; 6 đơn vị ý kiến thống nhất và có ý kiến khác.
Riêng về đề xuất lương tối thiểu theo giờ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, xem xét tính mức lương tối thiểu giờ có cộng thêm hệ số bổ sung để bù đắp cho người lao động, bởi mức lương tối thiểu giờ dự kiến hiện được cho là còn thấp.
Theo dự thảo Tờ trình Chính phủ cũng quy định mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.5000 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Về lương tối thiểu vùng này, ý kiến nhiều chuyên gia cũng cho rằng quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường và mức sống tối thiểu của người lao động.
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện nay tại sàn việc làm này mức lương theo giờ các đơn vị tuyển dụng đang trả cho người lao động thường dao động trong khoảng từ 20.000 - 80.000 đồng/giờ. Trong đó, lương nhân viên giúp việc theo giờ đang được trả cao nhất với mức từ 50.000 - 80.000 đồng/giờ, thấp nhất là lương tạp vụ, phục vụ quán ăn, từ 18.000 - 25.000 đồng/giờ.
“Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, mức lương trả theo giờ cần được tính toán cao hơn, bởi lẽ người lao động tại các thành phố lớn thường phải chi trả các chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, ăn uống…đắt đỏ hơn các nơi khác” - ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề xuất.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là mức trần thấp nhất để có thể thỏa thuận tiền lương với mức cao hơn, tuy nhiên để đảm bảo công bằng, khi tính trả lương theo giờ cần phải nhân thêm “hệ số K” để đảm bảo cho lao động có thể đóng BHXH, mua BHYT; chi phí đào tạo nghề... và các chi phí phát sinh cho lao động. Theo bà Hương nên tăng thêm 1,3-1,5 lần so với mức lương tối thiểu vùng theo tháng, sau đó mới chia đều cho số giờ làm việc trong ngày làm việc, trong tháng để ra được mức lương tối thiểu vùng theo giờ.
Cần cộng thêm hệ số bổ sung
Trước đó, trong hai phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, đại diện Công đoàn đưa ra ý kiến cần thêm hệ số vào lương tối thiểu vùng theo giờ, song cuối cùng toàn bộ thành viên đồng thuận phương án quy đổi tương đương từ lương tháng sang giờ.
Trước đề xuất tăng hệ số mức lương tối thiểu giờ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Do vậy, giữ nguyên mức trần như đề xuất tại Dự thảo.
Theo Bộ LĐTB&XH, các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Đây là cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị cho Việt Nam áp dụng.
“Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp”- Bộ LĐTB&XH cho biết.
Tuy nhiên ở góc độ khác, trao đổi với báo chí, TS Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, quy đổi tương đương từ lương tháng sang giờ sẽ rất thiệt cho lao động hưởng lương theo giờ, bởi họ không được hưởng quyền lợi như lao động hưởng lương tối thiểu tháng, ví dụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ăn ca, nghỉ phép...
“Lương tối thiểu tháng vốn đã không đủ sống, chia cơ học để ra lương tối thiểu giờ lại càng thấp hơn. Trong khi đó, lao động làm theo giờ phần lớn vẫn là công việc giản đơn, thời vụ. Nếu quy định mức lương tối thiểu giờ thấp có thể kéo giá thực tế đi xuống”- TS Phạm Thu Lan nhấn mạnh.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu- Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức đề xuất mà Bộ LĐTB&XH đưa ra lấy ý kiến từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ, dự kiến áp dụng từ 1/7/2022, là quá thấp. Trong khi đó, thị trường lao động thực tế đã trả cao hơn nhiều. Vì vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị xem xét tính mức lương tối thiểu giờ có cộng thêm hệ số bổ sung để bù đắp cho người lao động. Cụ thể, cần nhân thêm hệ số 1,3 - 1,5 để bảo vệ người lao động làm việc theo giờ.