Cần biện pháp mạnh để xử lý nợ xấu

T.Hằng 04/06/2022 15:22

“Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42. Mong muốn của ngành ngân hàng là sửa đổi bổ sung để có hành lang pháp lý mạnh hơn” - ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, để xử lý nợ xấu hiệu quả, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc.

Ảnh minh họa.

Số liệu tổng hợp cho biết, tổng số nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn 2017 – 2021 là 750.000 tỷ đồng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng khoảng 390.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50%. Trong tổng số 750.000 tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong giai đoạn này, có đến trên 600.000 tỷ đồng là các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý. Còn lại khoảng hơn 100.000 tỷ đồng do Công ty VAMC và khoảng 20.000 tỷ đồng do các tổ chức mua bán nợ khác xử lý.

Các ngân hàng và chuyên gia đều đánh giá, Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, Chính quyền các cấp từ các bộ, ban ngành đến các chính quyền địa phương đã hưởng ứng một cách tích cực, tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng thu hồi nợ, phát mại tài sản… Nghị quyết 42 cũng tác động lớn đến ý thức trả nợ của khách hàng, trách nhiệm của người đi vay đối với khoản nợ ngân hàng. Tòa án cũng tiếp nhận xử lý hồ sơ xử lý nợ xấu một cách nhanh chóng, kịp thời đối với những bản án tranh chấp về dân sự. Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm cho các khoản vay, dù vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số vướng mắc, đó là từ khi Nghị quyết 42 ban hành, tòa án được phép xử lý rút gọn nhưng lại không có bản án tiền lệ để thi hành do còn liên quan đến nhiều luật; việc thu giữ và chuyển nhượng tài sản rất khó khăn, đặc biệt là đối với những tài sản bảo đảm không phải là dự án; Nghị quyết 42 quy định thu giữ tài sản bảo đảm để trả nợ vay ngân hàng trước song vẫn phải trả thuế theo luật thuế.

Có những trường hợp các TCTD phát mại nợ rồi, không thu đủ gốc nhưng vẫn phải nộp đủ thuế mới có thể sang tên tài sản. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong việc bảo vệ người cho vay. Đặc biệt, là ở các cấp phường, xã.

Ông Hùng cho rằng, nếu không có biến cố bất ngờ là đại dịch Covid-19 thì Nghị quyết 42 với hiệu lực 5 năm sẽ đạt được mục tiêu, đưa nợ xấu về mức dưới quy định. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ tăng cao, nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vẫn còn nên cần thiết phải kéo dài thời hạn áp dụng.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, NHNN và Chính phủ kiến nghị lên Quốc hội tiếp tục xem xét, sửa đổi bổ sung và kéo dài Nghị quyết 42. Mong muốn của ngành ngân hàng là sửa đổi bổ sung để có hành lang pháp lý mạnh hơn. “Để xử lý nợ xấu đạt hiệu quả, rất cần các bộ, ngành cùng vào cuộc đánh giá, có kiến nghị bổ sung đối với những luật có nội dung liên quan đến Nghị quyết 42 hoặc ban hành một luật riêng về xử lý nợ xấu, mang tính đặc thù, xuyên suốt thì mới có đủ hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu” - ông Hùng nói.

T.Hằng