Giải bài toán Hà Nội mưa là ngập

H.NHÂN - H.DƯƠNG 05/06/2022 07:05

Nhiều đường phố của Hà Nội chìm trong biển nước những ngày gần đây cho thấy tình trạng ngập lụt đã ở mức báo động với một thành phố có khoảng 8,5 triệu dân đang sinh sống. Ngập lụt ảnh hưởng đến đời sống, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, khiến hạ tầng xuống cấp, hàng ngàn ô tô, xe máy bị hỏng do ngập nước. Rồi điệp khúc “Hà Nội mưa là ngập” cũng làm xấu hình ảnh về một Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, là trung tâm về chính trị, kinh tế của cả nước.

Sau cơn mưa chiều 29/5, phố biến thành sông trên tuyến đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Khi phố thành… sông

GS Nguyễn Văn Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Cần giải pháp tổng thể

Thành phố Hà Nội cần đánh giá lại khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước khi xảy ra mưa cường độ lớn. Các thông số thiết kế cũ chưa thể đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa cực đoan có thể xảy ra ngày càng nhiều. Hệ thống thoát nước hiện tại không còn phù hợp với tình hình mới. Cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ.

Có nhiều nguyên nhân khiến Hà Nội cứ mưa lớn là biến thành sông. Mới đây, trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Với thời tiết đang biến đổi bất thường, nhiệt độ Trái đất nóng lên nên thì không chỉ Việt Nam mà các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu cũng thường xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Mưa lớn tập trung vào một thời điểm thì khó hạ tầng nào có thể chịu được.

Nhiều ý kiến cho rằng, cách nhìn nhận của Bộ trưởng Trần Hồng Hà chưa mang tính tổng thể. Bởi với Hà Nội thì còn có hàng loạt hạn chế khác chưa được giải quyết thấu đáo dẫn tới tình trạng người dân phải vật lộn với ngập lụt mỗi mùa mưa suốt nhiều năm qua. Như hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ. Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, hệ thống thoát nước của thành phố mới được đầu tư xây dựng đồng bộ ở nội thành, nằm trong lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Các quận Hà Đông, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm cơ bản chưa được đầu tư xây dựng nên hay bị ngập khi mưa lớn. Thành phố đã có kế hoạch triển khai đồng bộ các trạm bơm cũng như hệ thống tiêu thoát, nhưng việc đầu tư xây dựng đòi hỏi kinh phí rất lớn, sẽ phải thực hiện dần trong các kế hoạch 5 năm, 10 năm tới.

Đáng lưu ý còn là những dự án thoát nước ì trệ. Đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội thông tin, phố Thụy Khuê (đoạn dốc La Pho, quận Tây Hồ) thoát nước phụ thuộc vào hệ thống mương Thụy Khuê. Tuy nhiên, sau 10 năm khởi công, dự án cải tạo mương Thụy Khuê dài 1,8 km vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Hay dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa với mục tiêu chống úng cho các quận, huyện Hà Đông, Hoài Đức và đại lộ Thăng Long đã hoàn thành từ năm 2020, nhưng chưa thể hoạt động do chưa làm xong các kênh dẫn nước từ sông Nhuệ về trạm bơm.

Thành phố cũng đang triển khai nhiều công trình xây dựng quy mô lớn, một số đã ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Đó là chưa kể, nhiều khu vực nội thành, hệ thống tiêu nước vẫn được sử dụng từ thời Pháp, đã quá lạc hậu và không đáp ứng được tiêu chuẩn đô thị hiện nay.

Trong khi đó, phần lớn chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đều bày tỏ quan điểm: Nguồn cơn đến từ việc thời gian qua, quy hoạch của Hà Nội điều chỉnh cục bộ, tăng bê tông, giảm diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ… Theo báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013-2018), có tới 1.390 điều chỉnh quy hoạch từ 1- 6 lần, có dự án tới 9 lần… Đây cũng là thực trạng đáng báo động trong nhiều năm nay.

Cũng bởi dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch cục bộ trên, nhất là khi tốc độ phát triển hạ tầng nhà ở quá nhanh, mật độ dày đặc, đã khiến rất nhiều tuyến phố ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải với cảnh tắc đường, khiến người dân khốn khổ. Ví dụ, đường Lê Văn Lương từ cầu vượt Láng Hạ đến ngã tư giao với đường Khuất Duy Tiến chỉ dài khoảng 2km nhưng có khoảng 40 tòa cao ốc chung cư, văn phòng. Giáp với đường Lê Văn Lương là đường Nguyễn Tuân, chỉ dài khoảng 1km, rộng 6-7m, nhưng có hơn 20 chung cư cao tầng. Đường Nguyễn Huy Tưởng dài chưa đến 1km, rộng chỉ 5-6m (giao với đường Nguyễn Tuân) cũng “gánh” hơn 10 tòa nhà chung cư...

Không chỉ tắc đường, nhiều tuyến phố còn bị úng ngập nặng nề mỗi khi mưa lớn, như: Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Gia Thiều, Triều Khúc, Cao Bá Quát…

Người dân Hà Nội lội trên phố sau trận mưa chiều 29/5 vừa qua.

Kinh phí hàng chục nghìn tỉ đồng vẫn như “muối bỏ bể”

Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp - giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hạ tầng (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội): Không thể quy trách nhiệm chung chung

Từ thực trạng ao hồ bị san lấp, nhiều công trình mới xây dựng ở Hà Nội khiến tình trạng ngập thêm trầm trọng, cần đánh giá cao tầm quan trọng của hệ thống ao hồ, đặc biệt là hồ điều tiết đóng vai trò như túi chứa nước tạm thời để giảm tải cho công trình đầu mối. Trong nguyên lý thiết kế hệ thống thoát nước mưa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của túi nước tạm thời. Những hồ điều tiết sẽ giảm tải cho các công trình đầu ra, giúp công suất trạm bơm, kích thước đường cống... có thể giảm xuống. Khi xây dựng được các hồ điều tiết, cũng cần vận hành cho tốt, kiểm soát mực nước hồ để tối ưu hiệu quả thu gom nước khi mưa lớn.

Để các đơn vị vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tình trạng ngập úng, TP Hà Nội nên xem xét triển khai mô hình khoán trách nhiệm cho từng đơn vị được giao vận hành hệ thống thoát nước trong từng khu vực. Khi đó, khu vực nào để xảy ra ngập, úng sẽ phải chịu trách nhiệm, chứ không thể quy trách nhiệm rất chung chung như hiện nay.

Điệp khúc “Hà Nội cứ mưa là ngập” được nhắc đi nhắc lại từ rất nhiều năm qua. Điều đáng nói, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó có 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỉ đồng. Nhưng số kinh phí này cũng chỉ được xem như “muối bỏ bể”.

Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng. Hai dự án thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng và dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng.

Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên, đến nay, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn chủ yếu nhờ tự chảy. Nguyên nhân, theo một đơn vị thoát nước tiết lộ là do việc vận hành trạm bơm tiêu Yên Nghĩa không hiệu quả do chưa hoàn thành xong tích dẫn, chưa có đủ nước để dẫn về trạm bơm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) đánh giá, nguyên nhân chính khiến các dự án trên chậm tiến độ là do vướng trong giải phóng mặt bằng, có dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng.

Dẫu vậy, ông Hùng cũng cho rằng, tổng số tiền đầu tư 19.000 tỉ đồng cho các dự án tiêu thoát nước của Thủ đô trong thời gian qua là số tiền không nhỏ, nhưng cũng chỉ ngang bằng một khu chung cư trên địa bàn và chưa thể đáp ứng được vấn đề tiêu thoát nước của một đô thị lớn và phát triển liên tục như Hà Nội.

Cần quyết sách mạnh mẽ hơn

Theo báo cáo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội, quá trình cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) và có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Trong đó đã đầu tư được 12/39 trạm bơm với tổng công suất khoảng 180m3/s đạt tỉ lệ khoảng 18%/tổng công suất trạm bơm khu vực đô thị trung tâm. Các khu vực khác của thành phố chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực Tả Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.

Đã đến lúc chính quyền thành phố cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề chống ngập lụt cho Hà Nội, không thể để điệp khúc cứ mưa là ngập phố tái diễn mãi, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Tìm các giải pháp chống ngập lụt cho Hà Nội, giới chuyên gia bày tỏ sự sốt ruột khi đề nghị, Hà Nội cần phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn. KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để giải quyết bài toán trên, bên cạnh rà soát, nâng cao chất lượng hệ thống cấp thoát nước, thành phố cần những chính sách mạnh mẽ và đồng bộ hơn, như xã hội hóa cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng các công trình hạ tầng - đổi lấy một số quyền lợi nhất định để nhanh chóng có nguồn vốn, đầu tư cho hệ thống thoát nước.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần bố trí những không gian thích hợp, cần thiết để xây dựng các hồ điều hòa đồng thời tăng cường năng lực các trạm bơm đầu mối. Ứng dụng các phần mềm mô phỏng về hệ thống thủy văn của đô thị, cho phép mô phỏng, theo dõi các số liệu về mực nước ở trong các cống, hồ điều hòa... để chủ động phòng, chống úng ngập mỗi khi mưa.

Ở một góc nhìn khác, KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập lụt TP Hà Nội cần có các giải pháp thích ứng và rà soát lại thiết kế tổng thể hệ thống thoát tiêu nước với tầm nhìn trước nhiều năm. Mặt khác, để đối phó với biến đổi khí hậu, không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị, kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, TP Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm và lâu hơn nữa.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong mới đây cho biết, để giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội thành và một số khu vực cố hữu khi mưa lớn, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị thoát nước, các công ty thủy lợi n ghiên cứu đề xuất báo cáo UBND Thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài (đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; các hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng…).

Trước mắt, cần nghiên cứu xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom Đại lộ Thăng Long và giải pháp giải quyết các điểm trũng cục bộ tại các hầm chui dân sinh.

Đáng chú ý, Giám đốc Sở Xây dựng kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực Ngã 5 Bát Đàn- Đường Thành (như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến).

“Điểm úng ngập tại phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, qua theo dõi các trận mưa năm 2021 cho thấy sau khi đưa công trình bể điều tiết Nguyễn Khuyến vào vận hành đã phát huy được hiệu quả, mức độ úng ngập và thời gian úng ngập đã giảm đáng kể (khoảng 70%) so với năm 2020”, ông Phong nói.

H.NHÂN - H.DƯƠNG