Những chàng trai trẻ trong các mỏ than đá tại Afghanistan
Trước nhu cầu ngày càng gia tăng mạnh mẽ đối với than đá của Afghanistan, làn sóng thợ mỏ trẻ cũng theo đó dâng cao, cùng với những nguy hiểm 'không thể lường trước'.
Những tay thợ mỏ ‘trẻ’
Cậu thanh niên Noorullah 18 tuổi, nhưng vẻ bề ngoài lại trông trẻ hơn khá nhiều tuổi, mặc dù luôn có một lớp bụi than bám chặt trên gương mặt nhỏ quắt. Nằm co ro trong bóng tối giữa một đường hầm khai thác than hẹp gần Dan-e-Tor - “Miệng hố đen” - tại tỉnh Samangan, miền bắc Afghanistan, Noorullah còn quá trẻ để làm việc sâu trong một mỏ than. Được chiếu sáng bằng chùm đèn pha mỏng manh, có thể thấy rõ tinh thần kiệt quệ của cậu thanh niên 18 tuổi.
Đây chính là công việc ‘kiếm tốt’ đối với nam giới Afghanistan ở mọi lứa tuổi - Noorullah cùng những người thợ mỏ khác thường dành từ 12 đến 15 giờ mỗi ngày chui rúc trong những đường hầm ngột ngạt, khai thác than bằng đôi tay trần. Trong đường hầm rộng khoảng 2 mét, không có đủ chỗ để vung một cái cuốc, vì vậy những người thợ mỏ phải sử dụng một thanh sắt nhỏ để mài bớt một cách cẩn thận lớp than mỏng.
Mỗi thợ mỏ đào than trong 10 hoặc 15 phút rồi sau đó sẽ giao thanh sắt cho thợ khác trong khi họ lấy hơi. Mỗi thanh niên làm việc trong mỏ than sẽ kiếm được khoảng 500 Afghanistan mỗi ngày - chưa đến 7 USD. Những người làm công việc ít vất vả hơn, như hướng dẫn những con lừa chở đầy than dọc theo những con đường ngoằn ngoèo đến đáy thung lũng, thậm chí còn kiếm được ít hơn, chỉ khoảng 3 USD mỗi ngày.
Khi chi phí sinh hoạt tiếp tục tăng trên khắp đất nước, ngay cả công việc lao động nặng nhọc này cũng không đủ để người dân duy trì cuộc sống.
Vào ngày 25/4, Phó Thủ tướng Taliban Abdul Ghani Baradar đã nêu rõ trọng tâm mới tập trung vào sản xuất năng lượng nội địa của Afghanistan, phần lớn trong số đó hiện đang phải nhập khẩu. Trong tuyên bố, ông Baradar chỉ thị một loạt các bộ và ủy ban “sản xuất điện từ than ở các khu công nghiệp, thành phố lớn và các khu vực khác”.
Với nhu cầu ngày càng tăng đối với than của Afghanistan cả trong và ngoài nước, làn sóng thợ mỏ trẻ có thể sẽ còn tăng hơn nữa.
Ngay cả trước khi lực lượng Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021, ngày càng có nhiều cậu thanh niên như Noorullah tìm đến các mỏ than tối tăm và nguy hiểm ở miền trung và miền bắc Afghanistan, tuyệt vọng khi không có được nguồn thu nhập ổn định nào. Nhưng khi tình hình kinh tế ngày càng phát triển theo chiều hướng xoáy ốc, những gương mặt mới tại các mỏ than ngày càng bị ‘trẻ hóa’.
Lao động trẻ em đã là một vấn đề ‘đáng báo động’ ở Afghanistan trong nhiều thập kỷ, nhưng các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm trầm trọng thêm vấn đề kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền.
Một cuộc khảo sát gần đây đối với 1.400 hộ gia đình do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện cho thấy, 1/5 trong số họ đã gửi trẻ em vào các khu vực lao động 6 tháng sau khi Taliban tiếp quản đất nước. Cuộc khảo sát tương tự đã cho thấy rằng, cứ ba gia đình thì sẽ có một gia đình mất tất cả thu nhập trong cùng một khoảng thời gian, một con số gần như chắc chắn đã tăng lên trong những tháng gần đây.
Đứng trước viễn cảnh đói nghèo, nhiều gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho con cái ra ngoài để kiếm thêm thu nhập.
Noorullah mới làm công việc khai thác than được vài tuần, nhưng nhiều thanh niên làm việc trong cùng đường hầm đã ở đây nhiều năm. Giống như hầu hết những cậu bé và thanh niên khác đang làm việc ở đây, Noorullah là người có thu nhập duy nhất cho cả đại gia đình của mình. Noorullah là người dân tộc Hazara - một cộng đồng dân tộc thiểu số đã phải chịu sự đàn áp đáng kể trong lịch sử gần đây của Afghanistan.
“Một trong những người anh em họ của cháu đã nói rằng đây là một nơi tốt để kiếm tiền”, Noorullah nói. “Gia đình cháu sở hữu một số mảnh đất ở Ghazni, nhưng cha cháu không thể trồng trọt hoặc thu lợi nhuận trong mùa vì hạn hán kéo dài. Công việc ở đây không hề dễ dàng, nhưng không ai trong số chúng cháu thực sự có quyền lựa chọn”.
Tuy nhiên, ở các mỏ than gần đó, rõ ràng là sự nghèo đói rất bình đẳng - người dân Afghanistan từ mọi nơi trên khắp đất nước và mọi sắc tộc đều có mặt ở đây, tất cả đều tìm đến bởi nhu cầu nuôi sống gia đình của chính họ.
“Đây là tất cả những gì chúng tôi có”
Đánh thuế than là một nguồn thu đáng kể cho chính phủ Taliban. Bên ngoài thành phố phía bắc Mazar-i-Sharif, nơi than từ Dan-e-Tor được phân loại và bán, những dòng xe tải chờ nộp thuế trải dài bên ngoài ngoại ô thành phố. Vào tháng 3, các quan chức Taliban tuyên bố rằng, chỉ với một mỏ khai thác duy nhất ở tỉnh Bamiyan, miền trung Afghanistan đã tạo ra mức lợi nhuận hơn 850.000 USD trong thời gian 6 tháng.
Nhiều tháng trước thông báo của Chính phủ, các thợ mỏ ở Dan-e-Tor đã chứng kiến sự gia tăng ổn định về số lượng công nhân đến làm việc. Samangan là một trong những tỉnh sản xuất than chính của Afghanistan - từ dưới đáy thung lũng trung tâm rộng lớn của Dan-e-Tor, có thể nhìn thấy các lối vào mỏ nhỏ chằng chịt hai bên thung lũng và con đường dọc theo đáy thung lũng bị tắc nghẽn bởi những chiếc xe tải vận chuyển nối đuôi nhau giữa những đám mây bụi than cuồn cuộn.
Nhiều công nhân đang lê bước trên những con đường hẹp từ ngôi làng đến các lối vào mỏ ở Dan-e-Tor đều chưa đủ tuổi vị thành niên, bị lùn đi bởi những chiếc xẻng nát bét mà họ mang theo.
Hafizullah, một cậu bé 13 tuổi, ngồi gần lối vào đường hầm ở phía trên thung lũng, nhìn chằm chằm vào khoảng không trong khi chờ những con lừa xuất hiện từ trong mỏ than. Khuôn mặt trẻ thơ trái ngược với sự rắn rỏi của cậu, một vẻ ngoài giống như một người đàn ông trưởng thành.
Cũng như rất nhiều người khác, Hafizullah cho biết cậu đến mỏ vì gia đình cần tất cả các khoản thu nhập mà họ có thể kiếm được. “Mọi người đều biết ở đây có việc làm”, Hafizullah nói. “Gia đình cháu biết điều đó rất nguy hiểm, nhưng đó là số tiền lớn nhất cháu có thể kiếm được ngay lúc này”.
Những nguy hiểm mà công nhân ở đây phải gánh chịu là cả ngắn hạn và dài hạn.
Ở tuổi 25, Samiullah là người lớn tuổi nhất trong nhóm 10 người làm việc tại khu mỏ đặc biệt ở Dan-e-Tor. Anh đã làm công việc này từ năm 15 tuổi. “Làm việc ở đây là cách duy nhất để trả tất cả các khoản vay mà tôi đã vay cho đám cưới của mình. Và ngay cả khi không có những khoản vay đó, tôi là người duy nhất trong gia đình có thu nhập, vì vậy tôi cần phải tiếp tục kiếm tiền bất chấp”.
Sau một thập kỷ khai thác, cơ thể trẻ trung của Samiullah đang phải trả giá. Gần đây, một bác sĩ đã nói rằng, anh đã gặp các vấn đề sức khỏe ở thận và phổi. Samiullah thường khó thở và cảm thấy tức ngực, và triệu chứng này ngày càng trầm trọng hơn theo thời gian. “Hầu hết tất cả chúng tôi ở đây đều có vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là những người đã làm việc ở đây trong một thời gian dài”.
Anh dừng lại và nhún vai khi chỉ tay về phía bụi than lơ lửng trong chùm đèn pha. “Tất cả chúng ta đều biết đó là bụi và khí trong các đường hầm, nhưng lại không thể làm được gì”.
Cuộc sống bên trong mỏ than Dan-e-Tor không hề dễ dàng. Khi vào sâu hơn trong núi, các đường hầm trở nên thấp đến mức những người thợ mỏ không thể đứng thẳng. Khi Noorulah cùng đồng nghiệp tắt đèn pha để tiết kiệm pin trong vài phút nghỉ ngơi, họ không còn có thể cảm nhận được bất cứ điều gì xung quanh, chỉ thỉnh thoảng có tiếng ho để cho biết có người khác ở gần.
Không khí bên trong đường hầm nóng nực và ẩm ướt đến mức ngột ngạt, và mùi trứng thối của hydro sunfua khiến mắt ứa nước. Samiullah nói rằng anh không thể ngửi thấy nó nữa, nhưng đó là một loại khí có thể rất độc hại nếu tiếp xúc lâu dài. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều thợ mỏ cũng bị các vấn đề về mắt.
Các đường hầm yên tĩnh một cách kỳ lạ giữa những âm thanh nghẹt thở từ những chiếc cuốc và đôi khi là tiếng vồ vập của một con lừa sợ hãi. Nhưng mọi thợ mỏ đều biết rằng sự bình tĩnh chỉ là vẻ bề ngoài, nguy hiểm luôn cận kề. Ngoài nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời, sập hầm là chuyện thường xuyên xảy ra khi các công nhân ưu tiên khai thác nhanh hơn là sự an toàn. Các dầm gỗ đỡ các phần của đường hầm có vẻ khá bấp bênh và nguy cơ sập là luôn hiện hữu.
Đối với những người làm việc trong mỏ than Dan-e-Tor, các ưu tiên rất đơn giản: duy trì sự sống và an toàn cho bản thân và gia đình của họ.
“Nếu có các lựa chọn khác, chúng tôi chắc chắn sẽ không đi trên con đường này”, Rahmatullah nói. “Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây là tất cả những gì chúng tôi có”.