Tính lan tỏa từ 2 dự án đường vành đai trọng điểm
Hôm nay (6/6), Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh. Theo ông Trần Văn Lâm - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, đây là thời điểm chín muồi để triển khai dự án, từ đó mở ra hướng phát triển mới cho đất nước.

Theo ông Trần Văn Lâm, đây là các dự án quan trọng tầm quốc gia, ảnh hưởng, và tác động làm thay đổi bộ mặt hạ tầng, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội. Lần này Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư là đúng và phù hợp, không thể lùi được nữa. Đặc biệt là 2 dự án đường vành đai ở 2 thành phố: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây được coi là 2 “đầu tàu” kinh tế nhưng tắc nghẽn giao thông xảy ra như “cơm bữa”, do hạ tầng không đáp ứng kịp với sự phát triển. Vấn đề đặt ra không chỉ cho 2 “đầu tàu” kinh tế của cả nước mà 2 dự án này còn có ý nghĩa quan trọng cho việc mở rộng không gian phát triển của 2 thành phố, giải quyết những vấn đề nội tại hiện nay như vấn đề mật độ dân cư, các cơ sở tập trung quá đông ở nội đô. Mặt khác 2 tuyến đường vành đai còn có tác động liên kết vùng.
PV:Khác với trước đây, hai dự án lần này có thiết kế các đường gom xung quanh. Vấn đề này làm tăng chi phí không hề nhỏ, nhất là chi phí cho giải phóng mặt bằng, thưa ông?
Ông Trần Văn Lâm: Lần này dự án có bố trí đường gom bởi làm đường cao tốc thì bên cạnh phải có đường gom. Đầu tư đồng bộ nhưng phân kỳ trong từng giai đoạn, giai đoạn nào đầu tư đến đâu đều được tính toán cân nhắc kỹ để phát huy hiệu quả tối đa. Cho nên theo tôi cần làm sớm để giải quyết cho 2 thành phố cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.
Đường Vành đai 4 Hà Nội có tổng dự toán là hơn 85 nghìn tỷ đồng, còn đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh là hơn 75 nghìn tỷ đồng. Nguồn lực đầu tư được tính toán thế nào, thưa ông?
- Theo báo cáo của các cơ quan, lần này vốn đầu tư được chia nhỏ cho các địa phương, đi qua địa phương nào thì địa phương đó “gánh”. Trung ương hỗ trợ một phần, còn lại các địa phương “chia sẻ” nhau. Do đó, tôi cho rằng nguồn lực là hoàn toàn khả thi. Trong kế hoạch 5 năm cũng như trung hạn đã tính toán và kế hoạch hàng năm đều có bố trí các nguồn lực nhất định cho từng công việc. Khi đầu tư đường, quỹ đất sẽ càng phát triển, thu từ đất càng tăng lên. Cho nên chúng ta không quá khó khăn về nguồn lực. Khó khăn lớn nhất là giải ngân, tổ chức triển khai thực hiện. Đây đều là những công trình quy mô lớn, đi qua khu dân cư tập trung nên giải phóng mặt bằng gần các khu đô thị lớn sẽ rất khó khăn. Làm sao tổ chức triển khai, thực hiện đồng bộ giữa các địa phương để đảm bảo tính khả thi, tránh lãng phí. Đó là vấn đề cần đặt ra.
Giải ngân chậm là vấn đề được nhắc nhiều trong thời gian qua. Vậy đối với 2 dự án này, theo ông có cần cơ chế “đặc thù” để thúc tiến độ?
- Giải ngân đang là vấn đề đau đầu nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cùng một cơ chế, chính sách có nơi làm tốt, nhưng có nơi làm không tốt. Vướng mắc là có nhưng tính quyết định chính là khâu tổ chức thực hiện. Vì vướng đến đâu, khó đến đâu cũng có cách gỡ nếu như có cán bộ dám nghĩ dám làm, quyết tâm triển khai... Tôi nghĩ, việc triển khai dự án nếu để một mình Bộ Giao thông vận tải “gánh” sẽ khó khăn, nhưng khi có sự “chia sẻ” của các địa phương, phân cấp giao quyền cho địa phương thì các vướng mắc sẽ được tháo gỡ.
Các công trình có vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng trở lên đều phải được sự cho phép của Quốc hội. Vậy với các dự án lớn như thế thì Quốc hội cần giám sát như thế nào để tránh thất thoát, tiêu cực, thưa ông?
- Tất cả các công trình đều có sự giám sát của Quốc hội. Bởi vậy không có gì băn khoăn. Nhưng chúng ta cần rút kinh nghiệm, trước đây cứ xong hoặc hết hạn một công trình, Chính phủ báo cáo xong thì mới giám sát. Cách làm này nhiều khi không phát huy được hiệu quả giám sát bởi khi giám sát, phát hiện ra lỗi gì thì đã xong rồi, nhiều cái không sửa được. Cho nên lần này Quốc hội cần triển khai giám sát sớm. Ví như thực hiện Luật Quy hoạch, nếu vướng là Quốc hội tổ chức triển khai giám sát ngay, qua đó phát hiện và gỡ ngay vấn đề bất cập trong thực tiễn. Không tạo áp lực cho Chính phủ nhưng giám sát để đốc thúc và gỡ vướng, hỗ trợ kịp thời thì lúc đó mới đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh có dự án. Vừa giám sát, vừa tuyên truyền vận động giải quyết vấn đề ở cơ sở. Cách làm như vậy sẽ hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh):
Nâng cao năng lực cạnh tranh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án lớn nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, gồm: đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam Bộ, và nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Đường Vành đai 3 có ý nghĩa quan trọng khi mở ra hướng phát triển các đô thị mới của TP Hồ Chí Minh và các thành phố vệ tinh giúp phân luồng giao thông quá cảnh qua thành phố tránh ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội):
Vành đai 4 sẽ giải quyết bài toán kết nối giao thông
Chủ trương đầu tư là rất đúng và cần thiết. Hà Nội là “vùng Thủ đô” của rất nhiều tỉnh. Việc phát triển đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của riêng Hà Nội mà sẽ giải quyết vấn đề liên “vùng Thủ đô”. Đường Vành đai 3 đã hoàn thành nhưng vẫn bị ùn tắc rất lớn. Nếu có đường Vành đai 4 sẽ giải quyết được kết nối giao thông mang tầm quốc gia, tạo ra tính chất liên kết “vùng Thủ đô”, liên kết các tỉnh trong vùng Thủ đô. Không chỉ Hà Nội là cực phát triển mà cực phát triển lan tỏa đến các điểm trong vùng.