Cơ hội rộng mở cho thủy sản

M.Phương 06/06/2022 09:08

Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 160 thị trường trên thế giới. Đáng chú ý, thủy sản xuất khẩu sang thị trường các nước đã ký Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện RCEP gồm ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật bản, Australia và New Zealand chiếm thị phần không nhỏ - 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với việc RCEP được thực thi, cơ hội cho thủy sản xuất khẩu của chúng ta càng rộng mở.

Xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ khởi sắc nhờ Hiệp định RCEP. Ảnh: Quang Vinh.

Tiềm năng lớn

RCEP chính thức có hiệu lực đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Thời gian qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan. Những kết quả đạt được cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.

Trong số những thị trường tiềm năng thuộc khối RCEP, Trung Quốc nổi lên là thị trường lớn đầy hứa hẹn cho xuất khẩu thủy sản nước nhà. Theo ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng nước này lên tới 67,3 triệu tấn/năm. Nhu cầu của thị trường này đang gia tăng theo thời gian. Theo đó, nếu như thời điểm năm 2015-2016, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc chỉ đạt khoảng hơn 7 tỷ USD với sản lượng 1,7 -1,8 triệu tấn thì đến năm 2021, con số này đã tăng lên gấp đôi: 3,6 triệu tấn với giá trị 15 tỷ USD nhập khẩu thủy sản.

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022 có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.

Một thị trường nữa trong khối RCEP cũng nổi lên là thị trường đầy tiềm năng của thủy sản xuất khẩu, đó là thị trường Malaysia. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản của thị trường này rất đáng quan tâm đối với các DN Việt. Người tiêu dùng Malaysia có sở thích sử dụng các món ăn từ thủy hải sản nên cơ hội cho các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường này là rất lớn. Hiện thủy sản Việt Nam đang chiếm 8,8% thị phần tại Malaysia. 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Malaysia đã tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, thị trường Australia cũng đang gia tăng nhập khẩu thủy sản của chúng ta. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 4/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia đạt 35,5 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 4/2021. Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Australia luôn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này đạt 128,1 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm nghẽn cần giải tỏa

Bên cạnh cơ hội cùng các yếu tố thuận lợi, đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại thị trường các nước RCEP cho rằng, hiệp định này cũng mang tới những sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với hàng thủy sản Việt Nam. Trong khi thủy sản của chúng ta hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị hàng hoá không cao. Cùng với đó, giá thành cao, thương hiệu thủy sản chưa được nhận diện tốt trên thị trường thế giới cũng là những điểm yếu kéo giảm năng lực cạnh tranh.

Chính bởi vậy, việc nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu là một trong những vấn đề quan trọng được đặt ra để các DN xuất khẩu có thể giữ vững được thị trường khi đã nắm bắt được cơ hội. Bất cứ thị trường nào, yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy tắc xuất xứ cũng được đặt lên hàng đầu, bởi vậy, các DN Việt cần phải đảm bảo được các yêu cầu này để có thể thâm nhập được các thị trường khó tính, không chỉ riêng các thị trường trong khối RCEP mà cả những thị trường thuộc các Hiệp định thương mại tự do khác như CPTPP hay EVFTA.

Đặc biệt, theo giới chuyên gia, các DN cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản. Đây đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

“Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực” - bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).

M.Phương