Gắn kết tài nguyên văn hóa với phát triển du lịch xanh

Minh Quân 06/06/2022 14:00

Trong những năm gần đây, phát triển du lịch xanh đã trở thành một xu hướng. Theo đó, các nguồn tài nguyên văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam chính là nguồn lực để phát triển du lịch xanh.

Du khách tham quan khu du lịch Tràng An (Ninh Bình). Ảnh: Quang Vinh.

Lợi thế có sẵn

Việt Nam hiện có 28 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh, hơn 40 nghìn di tích được kiểm kê cùng gần 63 nghìn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Với hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh được phân bố trải đều trên khắp nước, không thể phủ nhận đây là nguồn lực để các địa phương xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch.

Thực tế cho thấy những năm gần đây, việc khai thác tài nguyên văn hóa và sinh thái gắn với du lịch tăng trưởng “xanh” ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Ở đó, nhiều địa phương đã chú trọng đến công tác lập quy hoạch các điểm di sản văn hóa nổi tiếng để khai thác tiềm năng phát triển các loại hình du lịch xanh. Có thể kể đến một số mô hình du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái như Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... đã tạo nhiều cơ hội cho người dân thu nhập trực tiếp từ hoạt động dịch vụ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững, nhận thức của người dân được nâng cao, bản sắc văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái được tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ. Hay như Hà Nội mới đây cũng đã khởi động chương trình “Du lịch xanh trong thành phố xanh” với việc gắn kết, giới thiệu các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm - vùng lõi của Thăng Long xưa, với điểm nhấn là Khu phố cổ và những địa chỉ văn hóa, kiến trúc của khu phố Pháp.

Nhìn nhận về những lợi thế mà các di sản, di tích với việc phát triển du lịch, theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, nếu biết kết hợp bảo tồn di sản văn hóa lồng ghép vào các chương trình phát triển chung của các địa phương, nhất là bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thì hoàn toàn có khả năng biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự tăng trưởng kinh tế và tạo sinh kế cho cư dân tại các điểm, khu du lịch.

Cũng theo ông Bài, hai mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có khả năng “hồi sinh” di sản văn hóa. “Hồi sinh” di sản văn hóa được hiểu theo nghĩa trước hết phải tạo ra những điều kiện tối ưu cho di sản tiếp tục tồn tại và tích hợp thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mới để từ di sản văn hóa tạo lập ra một không gian văn hóa có sức sống mới. “Đây chính là định hướng có tính thực tiễn nhằm bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững và cũng là phương thức bảo tồn để biến di sản văn hóa thành động lực quan trọng cho phát triển” - ông Bài bày tỏ.

Du khách tham gia tour “Du lịch xanh trong thành phố xanh”.

Hài hòa trong sự phát triển

Có thể nói, sự phát triển của du lịch tại các di sản đem lợi ích lớn cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng có những sức ép với di sản. Bởi thực tế, khách du lịch và cư dân tập trung đông vào khu trung tâm tham quan, nghỉ ngơi, làm việc, buôn bán cũng sẽ làm tăng một khối lượng lớn nước thải, rác thải sinh hoạt và kinh doanh, nếu không có những biện pháp xử lý chất thải tốt sẽ khiến môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, lợi ích kinh tế cao do du lịch mang đến đã khiến cho người dân các địa phương khác đến nơi du lịch để tìm hiểu cơ hội đầu tư, thuê mặt bằng kinh doanh buôn bán, tìm việc. Nếu không có những biện pháp kiểm soát tốt cả về cơ chế, chính sách đầu tư thì đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ phá vỡ môi trường sống, môi trường văn hóa đặc thù của địa phương làm du lịch.

PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhận định, các tài liệu nghiên cứu, mối quan hệ giữa sử dụng tài nguyên di sản văn hóa cho phát triển du lịch xanh tại Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu. Ở đó, việc tăng trưởng du lịch quá nóng đang tạo ra sự quá tải đối với những di sản có giá trị nổi bật toàn cầu. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của hoạt động du lịch và gia tăng số lượng khách tham quan vào nhiều thời điểm đã vượt quá ngưỡng chống chịu, sức tải, sức chứa của các điểm đến này trở thành mối nguy cơ lớn đe dọa sự bền vững của các tài nguyên di sản văn hóa và những tác động tiêu cực về môi trường sinh thái.

“Việc khai thác quá mức và thiếu kiểm soát trong sử dụng tài nguyên di sản văn hóa cho hoạt động du lịch dẫn đến tình trạng quá tải, xuống cấp, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên di sản văn hóa” - PGS.TS Nguyễn Thanh Thủy nhìn nhận.

Tài nguyên văn hóa chính là các công cụ để tạo ra các sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, cần khai thác có chọn lọc các giá trị của văn hóa, tức là tìm ra các giá trị đặc sắc của văn hóa để đưa vào cuộc sống và đem lại các giá trị đích thực cho con người. Để phát triển các hoạt động du lịch gắn với tăng trưởng “xanh”, vấn đề đặt ra đối với các cấp chính quyền địa phương là cần chú trọng đến công tác lập quy hoạch tổng thể và đưa ra định hướng, cũng như giải pháp bảo vệ, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và nguồn tài nguyên du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết được lợi ích của các bên liên quan giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

Minh Quân