Người Hà Nội thích ứng với thùng rác công nghệ

Giang Vương 06/06/2022 13:46

Hơn 2 năm triển khai thùng rác công nghệ trên các tuyến phố ở Hà Nội, có thời điểm những tưởng ý tưởng này đã đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, thời gian gần đây các thùng rác công nghệ đang dần phát huy được tác dụng, nâng cao ý thức và tính tự giác của người dân.

Cuối năm 2019, Công ty Cổ phần Công nghệ Xanh Goda triển khai lắp đặt hơn 11 nghìn thùng rác công nghệ nhằm tạo cho người dân thói quen giữ vệ sinh môi trường nơi công cộng.

Lan tỏa hành động đẹp

8h sáng ngày 4/6, trên đường Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe máy của đôi bạn trẻ đang lưu thông bỗng giảm dần tốc độ và đánh lái vào lề đường, người bạn gái ngồi phía sau với tay bỏ túi nilon vào thùng rác ven đường, cảnh tượng chỉ diễn ra chưa đầy 3 giây đồng hồ nhưng cũng đủ làm những người đi đường dành cho họ những thiện cảm.

Trước đó không lâu, cũng tại địa điểm này, một người đàn ông đi tập thể dục đã tiện tay vứt chiếc vỏ bao thuốc lá xuống đường chỉ cách thùng rác chưa đầy 20 mét. Sau đó ít phút, một thanh niên dừng xe máy và nhặt chiếc vỏ bao cho vào thùng rác một cách nhẹ nhàng như chính công việc của mình phải làm vậy. Thấy hành động “dọn rác” của người thanh niên, chị bán nước bên đường liếc xéo người đàn ông xả rác trước đó rồi buông lời: “Ý thức chán thế đấy. Có phải không có chỗ để bỏ rác đâu”.

Đã có thời điểm, dự án Xanh – Sạch – Đẹp này tưởng chừng bị phá bỏ.

Có mặt trên đường phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội) vào khoảng 20 giờ ngày 4/6, cụ bà Nguyễn Thị Thìn (Nguyễn Trãi, Hà Nội) đang bách bộ trên vỉa hè, đến đoạn số nhà 288 thì dừng lại nhặt chiếc vỏ chai nước bị ai đó vứt lăn lóc ven đường rồi bỏ vào thùng rác. Hỏi chuyện, bà cho biết, ai đó vô tình vứt ra, mình thấy thì nhặt bỏ vào vừa làm sạch cho đường phố vừa để người khác nhìn thấy sẽ không vứt rác bừa bãi nữa.

Hơn 22 giờ đêm tại hồ Thuyền Quang, (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) chị lao công Trịnh Thị Thu vừa gom rác từ trong thùng rác công nghệ đổ vào xe, vừa phân loại những chiếc vỏ chai nhựa cho vào túi. Chị chia sẻ, từ khi có thùng rác công nghệ, cũng đỡ vất vả hơn phần nào. Chỉ việc đến các thùng để gom rác lại, việc quét và gom rác ở lòng đường cũng bớt đi. Trước đây người dân cứ vứt bừa ra đường, mình phải gom lại rồi đưa lên xe. Giờ tình trạng này đỡ hơn nhiều rồi” – chị Thu cho biết.

Cũng theo chị Thu, trước đây mỗi đêm chị phải dọn vệ sinh quãng đường quanh hồ khoảng hơn 3km, mất hơn 2 giờ đồng hồ. Nhưng từ khi có thùng rác công nghệ, việc xả rác ra đường đỡ hơn nên chị chỉ việc đẩy xe đến các thùng rác để gom lại “cũng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức các chú ạ” – chị Thu cho hay.

Những người truyền cảm hứng

Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Thìn – người chúng tôi gặp trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) cho biết: “Ai rồi cũng làm như tôi thôi, vì đấy là việc để giữ vệ sinh chung. Mình làm cho con, cho cháu mình học hỏi theo thôi”.

Theo ông Phạm Văn Long - Giám đốc công ty Goda, hiện tại công ty đã triển khai gần 2.000 thùng rác công nghệ trên các tuyến phố ở Hà Nội. Trước đây, một phần người dân chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc thải rác ra đường nên những thùng rác chưa phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, vài tháng trở lại đây việc bỏ rác đúng nơi quy định đã có chiều hướng tốt hơn, người dân đã ý thức hơn.

“Vấn đề vẫn là ý thức của người dân. Hiện tại, phía công ty cũng đã cử một đội thường xuyên đi các điểm để hỗ trợ, nhặt rác mà người dân vô tình vứt ra để bỏ vào thùng. Hy vọng, việc làm này sẽ truyền được cảm hứng đến cho người dân để giữ gìn vệ sinh chung cho toàn thành phố” - ông Long cho hay.

Đến thời điểm hiện tại, ý thức người dân được nâng cao hơn trong việc bỏ rác đúng nơi quy định. Tuy nhiên, việc phân loại rác vẫn còn là vấn đề nan giải.

Liên quan đến giữ gìn vệ sinh chung và nâng cao ý thức người dân bỏ rác đúng nơi quy định, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, ở các nước phát triển, việc bỏ rác đúng nơi quy định đã được thực hiện hàng chục năm qua. Tuy nhiên, ở nước ta bây giờ mới thực hiện và đang làm thí điểm theo mô hình. “Đây là một mô hình tốt và chúng ta cần phải làm cho bằng được. Bước đầu tiên, cần phải tuyên truyền mạnh hơn nữa để lan tỏa đến từng gia đình, từng cá nhân, từng người dân nhằm nâng cao ý thức để hạn chế việc xả rác ra nơi công cộng” - bà An nói.

Ngoài ra, theo chia sẻ của bà An, cần có sự vào cuộc sớm hơn từ phía chính quyền cơ sở. “Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường đã được thông qua từ 1/1/2022, cần thiết sẽ áp dụng chế tài để đẩy mạnh tính răn đe đối với những người cố tình vi phạm” – bà An cho biết thêm.

Giang Vương