Theo các cụ cao niên, Làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội), có từ thời Hùng Vương thứ 18. Dù trải qua hàng nghìn năm với sự đổi thay của thời thế nhưng với hơn 1.000 hộ dân vẫn bám nghề, yêu bếp than hồng, tiếng đe búa rộn ràng. Theo tìm hiểu, điểm công nghiệp dịch vụ làng nghề Đa Sỹ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội thực hiện dự án vào ngày 13/2/2008. Theo đó, đến tháng 6/2009 dự án phải hoàn thành và đến tháng 7/2009 bàn giao hạ tầng cho UBND quận Hà Đông. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết Online, đến nay khu đất rộng 13,09 ha đã được thành phố quy hoạch để người dân chuyển xưởng sản xuất ra phía ngoài làng, nhưng đã trôi qua hơn một thập kỷ , đến nay mới chỉ được quây tôn, vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm. Nhiều người dân tại Làng nghề rèn Đa Sỹ chia sẻ, hiện nay, người dân vẫn phải làm việc trong môi trường bụi bặm, nhiều tiếng ồn lại thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Theo cô Hoàng Thị Loan, dự án đã được phê duyệt hàng chục năm nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở khâu san ủi mặt bằng và quây rào xung quanh. Điều mong mỏi nhất của người làm nghề ở Đa Sỹ hiện nay là sớm có khu làm việc tập trung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu để yên tâm sản xuất và phát triển làng nghề bền vững. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết: "Chỉ mong dự án sớm được triển khai để người dân làng rèn bảo tồn, phát triển mãi nghề truyền thống của cha ông để lại…". Anh Lê Hiếu, người có hơn 20 năm kinh nghiệm chia sẻ, nghề này đòi hỏi phải có sức khỏe vì thường xuyên sẽ bị thương, tiếp xúc nhiều với ngọn lửa thì mới tạo nên những sản phẩm chất lượng. "Chất lượng luôn đặt lên hàng đầu đó là phương châm cũng như nguyên tắc để các nghệ nhân "giữ lửa" được một làng nghề truyền thống như Đa Sỹ" - anh Hiếu nói. Nguyên liệu chính tạo nên những con dao, chiếc kéo là đều được nhập phôi từ nhíp xe ô tô thải. Theo nhiều nghệ nhân, loại thép này có độ cứng cao, không dễ sứt mẻ, ít bị ăn mòn và giá thành rẻ. Để có một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau dưới đôi tay dẻo dai, tận tụy của những nghệ nhân Đa Sỹ. Công đoạn đầu tiên để tạo ra các con dao, kéo là cắt phôi rồi cho vào lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Ngay sau khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng, hai người thợ sẽ dùng búa để dàn mỏng tạo hình sản phẩm. Sau khi thành hình, những con dao, kéo sẽ được mài nước, gạt màu, đánh bóng… để mang bán cho người dân có nhu cầu sử dụng. sản phẩm dao kéo Đa Sỹ.
Lê Khánh