Dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Hoàn thành sẽ giảm thời gian di chuyển và chi phí logistic
Sáng 6/6, thảo luận tại tổ, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh mà Quốc hội đang bàn nếu làm quyết liệt thì đến 2026 mới xong- nghĩa là lại sang một nhiệm kỳ mới.
Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì không thể hoàn thành được, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết. Nói về những vướng mắc trong thực hiện dự án, ông Nhân cho biết, dự án dù được duyệt từ 2011, nhưng qua hai nhiệm kỳ Chính phủ, kinh phí Trung ương không bố trí được ngân sách cho việc này. Đến 2017, khi TP rà soát các dự án phát triển đã dự báo nếu không có thay đổi lớn thì sang nhiệm kỳ thứ 3 cũng không có kinh phí thì 15 năm cũng không làm được.
Với trách nhiệm chia sẻ cùng Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã bàn, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và trong nghị quyết 54 có đề cập đến nội dung về đường Vành đai 3, với dự án lớn thuộc thẩm quyền của Trung ương nhưng nếu trong nhiệm kỳ Trung ương chưa bố trí được thì cho phép TP Hồ Chí Minh và các địa phương liên quan bàn ứng ngân sách để triển khai trước. Sang nhiệm kỳ mới 5 năm sau, Chính phủ sẽ trả lại khoản ứng trước này. Công thức là dự án thuộc thẩm quyền quốc gia đầu tư, nhưng quốc gia, địa phương cùng chi để cho nhanh. Bởi, cựu Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu kinh nghiệm, khi gắn với địa phương thì việc đền bù GPMB mới làm được.
Cùng là ĐB của TP Hồ Chí Minh, ông Trương Trọng Nghĩa bày tỏ, hai dự án này (vành đai 3 và vành đai 4) đã được thông qua ở rất nhiều cấp, đã trễ hạn rồi nên chúng ta đều rất phấn khởi khi nó được đưa vào chủ trương đầu tư và sắp tới đây Quốc hội sẽ thông qua. Tôi kiến nghị trên tinh thần đầu tư này vì lợi ích chung nên mong các ĐBQH cũng như tầng lớp nhân dân, trong đó có truyền thông ủng hộ để chủ trương này được thông qua.
“Hai dự án này, cũng như các dự án hạ tầng khác không thể thiếu được sự hỗ trợ, chỉ đạo sâu xát, giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành. Mong các địa phương rốt ráo trong việc đền bù, giải toả, cố gắng đảm bảo 50% ngân sách. Mong sự chuyển động của Chính phủ, bộ ngành cũng nhanh nhạy, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc.”, ông Nghĩa nói
Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Sự cần thiết xây dựng tuyến đường Vành đai 3, hồ sơ nói rất rõ rồi. Đường Vành đai 3 được triển khai, sớm hoàn thành sẽ giúp TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực dự án đi qua; đặc biệt là vùng trọng điểm phía Nam giải điểm nghẽn về giao thông, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược. Hiện tại nếu có Vành đai 3 thì việc “xuyên tâm” TP Hồ Chí Minh và một số vị trí ở trên các địa phương trong vùng dự án sẽ được giải quyết; tạo ra dòng lưu thông thông suốt hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn, giảm chi phí logistic.
Nhiều ý kiến còn băn khoăn, từ quy hoạch 2011 đến 2021 khi phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ, khẳng định trở lại Vành đai 3 là đường cao tốc đô thị, có 8 làn xe, có đường đường song hành gồm 2 làn xe, ông Mãi nêu và cho biết: Xác định giai đoạn 1 làm 4 làn xe và hệ thống đường song hành ở những nơi cần thiết.
Có ý kiến nói làm 4 làn xe thì GPMB 4 làn thôi, giải phóng nhiều làm chi? Nhưng bằng kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh và qua các công trình giao thông trên địa bàn toàn quốc, nếu chúng ta không GPMB theo quy mô hoàn thiện thì sau này tới lúc chúng ta mở ra 6 làn xe hay 8 làn xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lúc đó chi phí GPMB rất lớn, thời gian GPMB sẽ kéo dài.
“Việc GPMB một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là việc cần thiết, mặc dù lúc này có phát sinh thêm chi phí GPMB nhưng tính trong tổng thể sẽ rất rẻ, rất hiệu quả”.