Bát nháo tuyến Hà Nội – Lào Cai: 'Xe vua' Hà Sơn Hải Vân và chiêu trò bán 'cabin đôi tình yêu'
Loạt doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến Hà Nội - Lào Cai hoạt động bát nháo, xe hợp đồng chạy tuyến cố định, chở hàng chủ yếu ở các phòng vé, bến cóc. Nguy hiểm hơn khi nhiều doanh nghiệp chở quá số khách quy định.
Bài 1: Xe ‘VIP tiêu chuẩn 5 sao’ biến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thành bến xe
Xe vận tải hành khách tuyến đường này phải kể đến nhà xe Hà Sơn Hải Vân. Mỗi ngày, hãng xe này có khoảng gần 50 chuyến xuất phát ở cả 2 chiều Hà Nội và Lào Cai với tần suất 45 phút/chuyến. Nhưng sự coi thường tính mạng hành khách thể hiện khi đón khách ngay trên cao tốc, xe chở quá số người quy định.
Biến cao tốc thành ‘bến cóc’ đón khách
Cty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân thành lập từ cuối năm 2015, Hà Sơn Hải Vân phát triển, vượt mặt nhiều “ông lớn” tuyến cố định Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội.
Để tìm hiểu về hoạt động của hãng vận tải này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ tổng đài nhà xe Hà Sơn Hải Vân 1900.6776 để đặt vé. Theo nhân viên tổng đài, nhà xe bán 3 loại vé với giá tiền khác nhau phụ thuộc vào mức độ nhanh chậm của xe.
“Bên nhà xe có vé xe thường, xe nhanh, xe khoang, xe thường đón trả khách dọc đường, bắt khách dọc cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 260 nghìn đồng/1 vé; xe nhanh là 290 nghìn đồng/1 vé, xe khoang 360 nghìn đồng/1 vé, hai dòng xe nhanh và khoang đắt hơn vì chỉ đón khách ở một số điểm Mỹ Đình, đầu văn phòng Kim Anh sau đó xe chạy đón khách km98 cao tốc Nội Bài - Lào Cai rồi đến điểm đến Lào Cai”, nhân viên tổng đài tư vấn.
Nhà xe Hà Sơn Hải Vân biến tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai thành ‘bến xe riêng’ của mình, thậm chí dựa vào việc đón trả khách trên cao tốc để làm cơ sở nâng giá vé.
Mục sở thị hàng chục chuyến xe khách Hà Sơn Hải Vân tuyến Hà Nội - Lào Cai, chúng tôi thấy nhiều dấu hiệu vi phạm của hãng xe này.
Trên cao tốc, khi đang chạy tốc độ hàng trăm km/h, nhưng thấy bóng dáng khách đứng dọc cao tốc lái xe đột ngột phanh gấp, xi nhan, tấp thẳng vào lề đường đón khách. Phụ xe nhanh chóng mở cửa, nhảy vọt xuống đường, hai tay nhanh thoăn thoắt cầm túi đồ của khách nhét vào cốp. Nhiều lần xe phanh gấp khiến hành khách không khỏi rùng mình.
Không chỉ đón khách, xe khách Hà Sơn Hải Vân còn có “đặc quyền” trả khách ở vị trí bất kỳ theo yêu cầu. Dường như toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều trở thành bến xe của hãng Hà Sơn Hải Vân!?
Xe chở gần gấp đôi số người quy định?
Trong vai là hành khách từ Hà Nội đi du lịch Sa Pa (Lào Cai), chúng tôi tìm đến văn phòng bán vé của hãng xe Hà Sơn Hải Vân tại số 677, đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai). Tại đây, cứ khoảng vài chục phút là có một chuyến xe chạy. Nhân viên nhà xe thoải mái dừng đỗ xe ở lòng đường để đón khách và ký gửi hàng hoá.
Tương tự, tại văn phòng nằm trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), 70 Ngô Gia Khảm (quận Long Biên) hay văn phòng số 78 Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), hãng xe Hà Sơn - Hải Vân vô tư đón trả khách ngay tại văn phòng chứ không ra vào bến theo đăng ký tuyến cố định.
Lần đầu lên Sa Pa, chị Phan Thị Bình (27 tuổi, Hà Tĩnh) cùng em gái chọn sử dụng dịch vụ cabin đôi của nhà xe Hà Sơn - Hải Vân, giá vé xuất phát từ Giải Phóng là 750.000 đồng.
Chuyến xe cuối tuần chật cứng không còn chỗ trống. Hai bạn trẻ lạ lẫm với cách bố trí giường đôi táo bạo. Bình nói: “Lên đi xe gường đôi này tôi cũng ngại ngùng bởi thấy toàn các cặp đôi ở chung giường với nhau, rèm cài kín mít”.
Khác với quảng cáo, theo Bình trên chuyến xe bất an khi chiếc gường khá chật cho 2 chị em. Chiếc xe chỉ có 20 cabin nhưng chở gần 40 hành khách. Mỗi khi xe đổ đèo, đường ngoằn ngoèo dốc núi là mọi người lại thót tim.
Theo tìm hiểu nhiều tháng của phóng viên, hiện hãng xe Hà Sơn - Hải Vân có tần suất hoạt động của gần 20 xe cabin 20 phòng. Mỗi phòng theo đăng kiểm chỉ được chở tối đa 1 hành khách, nhưng nhà xe này đã bán 2 người/phòng. Những ngày cuối tuần, lễ, Tết, Sa Pa đông nghẹt trở lại, những xe cabin của Hà Sơn - Hải Vân luôn chở 1 phòng 2 hành khách và luôn cháy vé. Những chiếc xe chỉ được chở tối đa 20 hành khách luôn được nhà xe chở từ 30 - 40 hành khách với tên mỹ miều là cabin đôi.
Trong một bài quảng cáo đăng tải trên trang facebook, nhà xe này khẳng định dịch vụ cabin đôi chuẩn 5 sao sẽ là trải nghiệm đặc biệt, đề cao sự riêng tư tuyệt đối và đầy đủ tiện nghi cho 2 người.
Theo một lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội, việc các nhà xe chở cabin đôi 2 người là vi phạm Luật an toàn giao thông đường bộ: Xe 20 hoặc 22 phòng đôi bên đăng kiểm cũng chỉ cho chở tối đa 1 người 1 phòng. Chở đôi là vi phạm pháp luật, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt lỗi quá số người quy định trên 1 xe.
Cũng theo vị này, việc chở như vậy rất nguy hiểm, đặc biệt địa hình Lào Cai, Sa Pa là vùng núi, đường ngoằn ngoèo hoàn toàn không an toàn cho khách hàng. Bởi khi đăng kiểm chỉ cho chở tối đa 1 khách 1 phòng. Mà chở 2 khách thì số lượng khách trên xe tăng lên nhiều hơn trong khi lối thoát của khung xe này lại hẹp hơn, chắc chắn là không thể đảm bảo an toàn được. Chưa kể việc hoán cải, nới rộng phòng để có thể nằm 2 người là có thể làm thay đổi kết cấu của xe.
Theo nghị định 100/2019/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định: Mức phạt đối với lái xe chở quá số người quy định 2020, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ: Mức phạt 1.000.000 - 2.000.000 đồng/mỗi người vượt quá (phạt tối đa 40 triệu đồng). Ngoài phạt tiền, trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép, sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép, bị tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng.
Không chỉ người lái xe chịu trách nhiệm nộp phạt mà theo quy định mới, chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong vấn đề này. Chủ xe là tổ chức: Với số lượng người vượt quá như trên. Mức phạt từ 2.000.000 - 4.000.000 đồng/mỗi người vượt quá khi đi quá 300 km thì mức phạt tối đa 80 triệu đồng.