Dư nợ bất động sản tại các ngân hàng ra sao
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021
Dư nợ bất động sản tăng 10,19% so với cuối năm 2021
Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 31/5, tín dụng tăng 8,04% so với cuối 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4, tổng dư nợ bất động sản của các tổ chức tín dụng là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế và tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62%.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng cần có các giải pháp kiểm soát.
Vì thế, ngành ngân hàng đang giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng với lĩnh vực chứng khoán, bất động sản để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát ổn định nhưng để hạn chế tác động của thị trường bất động sản đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ cần có các giải pháo mang tính toàn diện đồng bộ với sự phối hợp của các bộ ngành có liên qua.
Hiện nay, theo Ngân hàng Nhà nước có khoảng 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung, dài hạn, trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động thanh tra, kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản đang được cơ quan chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước tiến hành. Việc này nhằm xử lý kịp thời những vi phạm trong cấp tín dụng, đưa ra khuyến nghị hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; trong đó, có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Còn nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở thương mại giá rẻ... thì khuyến khích. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thanh tra, giám sát chặt việc cấp tín dụng bất động sản để kịp có giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý I/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vào khoảng 784.000 tỷ đồng, tăng 84.000 tỷ so với cuối năm 2021 và chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng. Nếu tính cả dư nợ của các khoản vay cá nhân mua nhà để ở, dư nợ tín dụng liên quan đến bất động sản hiện vào khoảng 2,09 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Những ngân hàng có dự nợ bất động sản cao
Thống kê 26 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay đạt 7,3 triệu tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản bảo đảm lên tới 16 triệu tỷ đồng. Tài sản bảo đảm tại các ngân hàng hiện rất đa dạng, gồm bất động sản, tiền gửi, vàng, cổ phiếu, trái phiếu…, nhưng phổ biến nhất vẫn là bất động sản.
Còn theo báo cáo tài chính của các nhà băng, đến cuối năm 2021, không ngân hàng nào có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, phần lớn đều duy trì tỷ trọng cho vay lĩnh vực này dưới 10%.
Techcombank là ngân hàng có tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất hiện nay là với khoảng 27,6% tổng dư nợ. Techcombank cũng là ngân hàng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất với hơn 95.900 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối năm 2020.
Hai ngân hàng khác là Eximbank và VietBank với tỷ lệ lần lượt 25% và 21,6%. Eximbank đến cuối năm 2021 có tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 114.700 tỷ đồng và gần 28.700 tỷ trong đó là cho vay kinh doanh bất động sản. So với cuối năm 2020, số dư cho vay lĩnh vực này của Eximbank đã tăng gần 1.900 tỷ, nhưng tỷ trọng lại giảm gần 1,6 điểm %.
VietBank có dư nợ cho vay khách hàng khoảng 50.530 tỷ đồng vào cuối năm 2021 và khoảng 10.900 tỷ trong đó là cho vay kinh doanh bất động sản. Tương tự Eximbank, dù số dư cho vay kinh doanh bất động sản của VietBank tăng lên trong năm qua, nhưng tỷ trọng cho vay lĩnh vực này đã giảm gần 1 điểm %.
Cuối năm 2021, một số ngân hàng đang có tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản trên 10% tổng dư nợ là Vietcapital Bank với 15,7% (7.300 tỷ); VPBank với khoảng 12% (42.600 tỷ) và MSB với tỷ lệ 11,95%, tương đương 12.100 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước có khoảng 94% dư nợ bất động sản là cho vay trung, dài hạn, trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản đang được cơ quan chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước tiến hành. Việc này nhằm xử lý kịp thời những vi phạm trong cấp tín dụng, đưa ra khuyến nghị hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát chặt tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; trong đó, có đầu tư, kinh doanh bất động sản. Còn nhu cầu vay mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hay nhà ở thương mại giá rẻ... thì khuyến khích. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng thanh tra, giám sát chặt việc cấp tín dụng bất động sản để kịp có giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng