Kiều bào nỗ lực đưa hàng Việt xuất ngoại
Nhằm giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận được với thị trường nước ngoài, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp (DN), Việt kiều đã có những hoạt động hỗ trợ như giúp phát triển kênh phân phối, xúc tiến thương mại với các tổ chức - chính quyền nước sở tại… Nhờ đó, hàng Việt ngày càng đến được với nhiều người tiêu dùng nước ngoài.
Trao đổi trong buổi tọa đàm “Huy động nguồn lực kiều bào tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Phú - Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ cho rằng, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm được xem là thế mạnh như nông - thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may, da giày... có thể cạnh tranh mạnh ở thị trường xuất khẩu. Theo ông Phú, hiện cộng đồng người Việt tại Mỹ có khoảng 5 triệu người, đây là một lợi thế rất lớn để hàng Việt thâm nhập thị trường này. “Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ sẽ hỗ trợ các DN Việt trên nhiều lĩnh vực như tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại, cầu nối thị trường, hợp tác về logistics…để hàng Việt khẳng định thêm chỗ đứng” - ông Phú mong muốn.
TS. Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết, bà đã có hơn 10 năm xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường đông dân nhất thế giới. Sản phẩm của bà là đệm cao su. Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm đệm cao su vào thị trường Trung Quốc, bà My cho biết, chất lượng phải là số 1, nhưng doanh nghiệp cần bảo hộ thương hiệu của mình trước khi đi ra nước ngoài. Thứ đến là luôn tận dụng mọi cơ hội, mọi mối quan hệ để quảng bá giới thiệu sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ bán những gì mình có, mà nên đầu tư hơn những gì thị trường cần mua. Bên cạnh đó, theo bà My, DN phải “nhập gia tùy tục”, Trung Quốc là quốc gia yêu cầu về mẫu mã, bao bì rất cao, hàng không cần nhiều, nhưng hộp quà phải đẹp. “Tích cực hỗ trợ nhiều hơn nữa sản phẩm Việt khác cùng vào thị trường mới, tạo lên làn sóng hiệu ứng tốt cho, thương hiệu Việt- chất lượng cao nơi xứ người…” - bà My khẳng định.
Theo bà My, hiện Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc có thể hỗ trợ bảo hộ thương hiệu cho DN Việt Nam muốn đưa thương hiệu Việt vào Trung Quốc, tư vấn và hỗ trợ DN Việt đăng ký logo, nhãn hiệu Việt. “Hội chúng tôi hiện có Showroom gian hàng quốc gia Việt Nam, diện tích 800 m2, tại TP YanTai (Trung Quốc). Vì vậy, DN Việt có thể đưa hàng vào trưng bày và bán lẻ hàng miễn phí tối thiểu trong 1 năm. Đồng thời, Hội còn thiết lập được Trung tâm Thương mại Việt - Trung, có diện tích 3.400 m2, tại TP YanTai. Hiệp hội sẽ lựa chọn duyệt hàng tiêu biểu, chất lượng để kết nối các đơn hàng thương mại quốc tế” – bà My cho hay. Dự kiến mỗi 6 tháng sẽ tổ chức 1 lễ công bố sản phẩm Việt muốn vào thị trường Trung Quốc theo hình thức hội nghị tập trung mời 300 DN Trung Quốc đến chọn cơ hội giao thương. Tham gia chương trình này, DN Việt được hỗ trợ từ khi giới thiệu hàng hoá, xúc tiến thương mại, ký hợp đồng đến khi giao dịch thành công...
Theo ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), các DN Việt cần quan tâm đến lợi thế của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là họ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng khắp nơi. Cho nên các DN nhỏ và vừa cần xem việc xuất khẩu qua mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh hiệu quả, bền vững.
Trong khi đó, ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đánh giá, hiện nay, ở trong nước ngày càng có nhiều DN sản xuất ra những mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ sản phẩm và phát triển kênh phân phối, nhất là phát triển hàng ở những nước có đông người Việt Nam sinh sống như Mỹ, Canada, Nga và các nước Đông Âu…
Còn theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Mỹ, kiều bào Australia, các doanh nhân, DN kiều bào có thể đóng vai trò là đại diện tích cực cho các mặt hàng do các công ty trong nước sản xuất. Cụ thể là phát triển thương hiệu, phát triển thị trường, cung cấp hoặc giới thiệu kho bãi đến người tiêu dùng nước bản địa. “Nếu các mặt hàng Việt Nam có chất lượng, mẫu mã, đáp ứng được thị hiệu người tiêu dùng, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ DN Việt kiều, tôi tin rằng hiệu quả mang lại sẽ rất cao” - ông Mỹ khẳng định.