Kiểm soát lạm phát: Cần chính sách linh hoạt

THANH GIANG 07/06/2022 10:46

Trước những diễn biến bất ổn của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề lạm phát, các chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát của Việt Nam chưa quá đáng lo, tuy nhiên cũng cần những biện pháp kìm chế hiệu quả để ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng giá mạnh trước áp lực tăng giá xăng dầu.

Nguy cơ lạm phát cao

Vài tháng trở lại đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao cùng với sự đứt gãy nguồn cung toàn cầu vô hình trung đẩy giá cả hàng hóa tăng cao. Để chặn đà tăng giá, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tính toán làm sao hạn chế những chi phí không cần thiết, đa dạng nguồn cung... Trước tình hình trên, đại diện các sở ngành tại các địa phương mong muốn, có chính sách quản lý giá hiệu quả để tránh nguy cơ lạm phát.

PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam phân tích, tình hình thế giới diễn biến xấu. Hiện nay những đánh giá có tính bi quan nhất đang lộ diện và nguy cơ lạm phát thể hiện rất rõ. Đây là một thảm họa khủng hoảng kép năng lượng (năng lượng cho nền kinh tế - dầu khí và năng lượng cho cho người – lương thực thực). Ông Thiên chỉ thêm hàng loạt những bất ổn của thế giới. Theo đó, thế giới đang vào một thời điểm thực sự có vấn đề, cụ thể là phân hóa giàu nghèo đang diễn ra, đối đầu xung đột, dịch chuyển các sức mạnh trên thế giới cũng đang diễn ra nhanh. “Nền kinh tế thế giới có nhiều nguy cơ, thách thức và mọi thứ đều đang rất khó lường. Và Việt Nam ít nhiều cũng bị tác động” – ông Thiên nói.

Nhìn nhận về nguy cơ lạm phát, ông Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, 4 tháng đầu năm, tiêu dùng phục hồi nhưng chậm; du lịch và lưu trú vẫn phục hồi nhưng chưa đạt. Về sức mua, ông Lực chỉ rõ, sức mua hiện nay chỉ đạt khoảng 60 – 70% so với trước đây. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng. Dự đoán, lạm phát năm 2022 tăng 3,8 – 4,2%, nghĩa là tăng gấp đôi năm 2021. Mặc dù lạm phát có tăng, song ông Lực cũng bày tỏ quan điểm khá lạc quan. Theo đó, kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng ở mức cao hơn trước dịch (từ 3,2 – 3,6%). Mức này đã tính đến tác động chiến sự Nga – Ukraine, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn năm 2021; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 – 2023, đầu tư công được đẩy mạnh; kinh tế phục hồi, các động lực tăng trưởng phục hồi mạnh hơn.

Giải pháp để kiềm chế

Cũng khá lạc quan về tình hình kinh tế, đặc biệt là vấn đề về lạm phát, ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright cho rằng, lạm phát không quá lo. Theo vị chuyên gia, các nước lạm phát trên 8%, trong khi đó ở Việt Nam chỉ 2,9%. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua, thế giới bất ổn nhưng Việt Nam vẫn ổn định, kể cả những cuộc khủng hoảng mới đây nhất là năm 2008 – 2009, trước đó là năm 1997 – 1998. “Lạm phát ở Việt Nam chưa thật sự lo ngại nhưng cũng thận trọng vì độ trễ thị trường, tăng trưởng của Việt Nam chưa cao, Việt Nam là nước xuất khẩu thực phẩm chứ không phải là nhập khẩu thực phẩm nên không bị tác động nhiều” - ông Tự Anh nói.

Dù khẳng định tình hình lạm phát vẫn khó đoán định, song các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần có những kịch bản, giải pháp cụ thể để ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Hoàn cảnh không bình thường thì tư duy phải khác thường. Việt Nam đang có nền tảng tốt, kinh tế đang có đà, có khát vọng thì có thể bứt phát. Không nên lãng phí cơ hội. Cần phải “bơm tiền” vào nền kinh tế, nếu không lạm phát vẫn tăng vì lạm phát đang nằm ngoài ý muốn của cơ quan quản lý”. Ông Thiên lý giải: Trường hợp nền kinh tế bị lạm phát dẫn đến DN có thể “thiếu máu”, thiếu lực. Phải sẵn sàng với mức lạm phát cao hơn 4% để hỗ trợ nền kinh tế. “Sự ổn định bền vững của Việt Nam xuất phát từ tâm thế sẵn sàng ứng phó của một nền kinh tế đầy bản lĩnh, linh hoạt trong chính sách, quyết đoán trong hành động. “Bơm máu” vào nền kinh tế là biện pháp “lấy độc trị độc” - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh. Giải thích rõ sự cần thiết về nguồn vốn cho nền kinh tế, ông Thiên cho rằng vốn đầu tư công giải ngân chậm nhiều năm còn vốn tư nhân lại hết sức linh hoạt, bùng nổ cao.

Có quan điểm khác về giải pháp kìm chế lạm phát, ông Vũ Thành Tự Anh cho hay, hiện nay tín dụng tăng trưởng khá cao. Tính đến hết tháng 5 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Vì vậy chính sách tiền tệ cần thận trọng, không thể bung tín dụng ra vì làm như vậy dẫn đến hệ lụy xấu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021. Riêng 5 tháng, CPI tháng tăng 0,38%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng 4. Nguyên nhân chủ yếu do xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên liệu đầu vào.

THANH GIANG