Lãi suất cho vay sẽ ra sao?

T.Hằng 07/06/2022 10:46

Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng lên trong những ngày đầu tháng 6/2022, nhất là khi tín dụng của ngành tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay. Câu hỏi được đặt ra là: Lãi suất cho vay sẽ liệu có thể tăng theo đà tăng lãi suất huy động?

Ngân hàng lớn nhập cuộc đua lãi suất

Bước vào đầu tháng 6, Ngân hàng BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động mới. Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động mới nhất của BIDV kể từ tháng 8/2021. Theo đó, BIDV đã tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1 điểm % lên 5,6%/năm, nhưng ngân hàng giữ nguyên lãi suất các kỳ hạn ngắn, hiện kỳ hạn 6-9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,4%/năm, 1-2 tháng là 3,1%/năm.

Vietcombank cũng vừa công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Như vậy có thể thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiếp tục tăng lên trong những ngày đầu tháng 6/2022, “cuộc đua” lãi suất đã có sự tham gia của các “ông lớn” ngân hàng.

Cũng trong những ngày đầu tháng 6, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn (3, 6, 12, 24 tháng) tiếp tục được điều chỉnh tăng, với biên độ tăng thêm phổ biến từ 0,1-0,5% một năm, thậm chí có ngân hàng tăng đến thêm 0,8%.

Cụ thể, VIB đã có mức điều chỉnh mạnh nhất khi tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng. Ngoài ra, kỳ hạn 3 tháng cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,5%, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4%. Với biên độ lãi suất được tăng thêm, kỳ hạn 3 tháng của VIB có lãi suất là 4,0%/năm; 6 tháng là 5,8%/năm; 12 tháng là 6,2%/năm; 24 tháng là 6,2%/năm.

Trước đó, Techcombank cũng thông báo điều chỉnh biểu lãi suất huy động tăng khoảng 0,3-0,7 điểm % ở nhiều kỳ hạn. NCB cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,3-0,5% đối với một số kỳ hạn, cụ thể kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 6,9%/năm (tăng 0,5%).

Không chỉ tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn tung ra các chương trình khuyến mãi, quà tặng, quay số trúng thưởng… để thu hút khách hàng gửi tiền.

Các ngân hàng vẫn đang tiếp tục “cuộc đua” tăng lãi suất huy động. Nguyên nhân chủ yếu do tín dụng đã tăng nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngân hàng bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nên dẫn tới áp lực tăng lãi suất tiền gửi để huy động vốn. Ngân hàng Nhà nước ước tính, tới 27/5, tín dụng tăng 7,75%, tăng cao hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2021.

Các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, lãi suất huy động vẫn chịu áp lực từ giờ cho đến cuối năm bởi nguy cơ lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không quá lớn, chỉ khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1% một năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức 5,5-5,7% một năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Lo ngại lãi suất cho vay theo đà tăng

Khi một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên, cũng như những người dân mua nhà bắt đầu lo ngại về việc ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, rất khó để biết thời điểm nào lãi suất sẽ tăng nhưng chúng ta phải xem xét rằng hiện nay một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất. Trong bối cảnh, thị trường trái phiếu và chứng khoán đang có quá nhiều rủi ro, để người dân lựa chọn gửi vốn vào ngân hàng thì lãi suất phải cao hơn nhằm thu hút vốn nhàn rỗi và đây cũng là chiến lược của các tổ chức tín dụng”.

Cũng theo ông Hùng, dù lãi suất huy động đang được điều chỉnh tăng nhưng lãi suất cho vay sẽ không thể tăng tương ứng, bởi các tổ chức tín dụng thừa hiểu rằng, việc huy động vốn với lãi suất có thể cao hơn nhưng nâng lãi suất cho vay không phù hợp với thực tiễn thì không thể chấp nhận.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu quan điểm, dư địa chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp. Vì thế, chính sách lãi suất thời gian tới phải tập trung vào hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, triển khai sớm gói cấp bù lãi suất. Để duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tìm cách tiết giảm chi phí, tăng nguồn thu từ dịch vụ và tập trung cho chuyển đổi số…

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định giá cả, lạm phát toàn cầu tăng khiến cho các nước rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nghĩa là nếu muốn kiểm soát lạm phát phải tăng lãi suất và giảm bớt chính sách về tài khóa và tiền tệ nhưng điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng. Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Hiện các ngân hàng tại Việt Nam đã tăng lãi suất huy động, tuy nhiên kỳ vọng lãi suất đầu ra vẫn giữ được ổn định do định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là ổn định lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

T.Hằng