Người lao động mòn mỏi từng ngày đợi tiền hỗ trợ thuê nhà
Bên trong những khu nhà trọ sập xệ, công nhân vẫn xót ruột từng ngày đợi tiền hỗ trợ với tốc độ giải ngân như…rùa bò.
Đỡ được tháng nào “nhẹ người” tháng đó
Quyết định 08/2022 về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được Chính phủ ban hành từ cuối tháng 3/2022. Tuy nhiên, việc triển khai việc hỗ trợ cho người lao động trên thực tế còn chậm trễ, tiền hỗ trợ chưa đến tay người lao động do một số vướng mắc. Mới đây, vấn đề này cũng được nhiều ĐBQH đưa ra chất vấn, làm nóng nghị trường Quốc hội.
Có mặt tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh – Hà Nội) nơi tập trung rất nhiều công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long, PV Đại Đoàn Kết Online ghi nhận thực tế việc giải ngân chậm chạp nguồn hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ra Hà Nội làm công nhân được 3 năm, lương tháng lẫn phụ cấp của chị Đặng Thị Nhi (22 tuổi, quê Thanh Hoá) chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Chỉ riêng tiền điện nước lẫn tiền nhà, chị Nhi đã phải chi trả hơn 700.000 đồng/tháng.
Căn nhà trọ chỉ khoảng 15m2 chật chội, oi nóng trong trong con ngõ nhỏ xã Kim Chung là nơi sinh hoạt hàng ngày của chị Nhi. Đồng lương ít ỏi, lại không có thể tăng ca nhiều, do đó, số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng theo gói hỗ trợ của Chính phủ là số tiền chị Nhi đã mong mỏi từ cả 2 tháng nay.
Theo chị, phía Công ty TNHH Asahi Intecc Hà Nội nơi chị đang làm việc đã nắm được thông tin về gói hỗ trợ từ khi chưa có thông báo chính thức. Công ty đã tiến hành triển khai việc làm hồ sơ với công nhân ngay từ đầu tháng 4 và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải ngân.
“Cùng trong khu trọ này cũng chưa có ai được nhận tiền hỗ trợ, thậm chí có một số công ty còn chưa cả làm hồ sơ, trong khi công ty Asahi triển khai gần như sớm nhất mà đến nay vẫn chưa nhận được đồng hỗ trợ nào. Có lẽ cũng còn lâu mới nhận được”, chị Nhi cho hay.
Còn chị N.T.H (quê Thái Nguyên) nửa năm nay đã phải thay chồng gánh vác chi tiêu của cả gia đình cho chồng thất nghiệp. Số thu thâph từ 8-9 triệu/tháng khiến cuộc sống gia đình càng thêm nhọc nhằn trong cơn bão giá. Vì vậy, số tiền 1,5 triệu đồng hỗ trợ là cả một khoản lớn đối với gia đình chị. Dù đã làm hồ sơ cách đây 1 tháng nhưng chị H. càng trông đợi càng “mất hút” vì chưa thấy giải ngân.
“4 người trong nhà phải thuê 2 phòng với chi phí 1,2 triệu mỗi tháng cả điện nước trong khi chồng tôi không có việc làm cả năm nay. Thế nên tiền hỗ sợ bây giờ là sự mong mỏi của cả gia đình”, chị H. tâm sự.
Chỉ mới làm hồ sơ được vài ngày
Trong một xóm trọ nhỏ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh – Hà Nội), chị Mai (quê Hưng Yên) đang cặm cụi chuẩn bị bữa cơm chiều. Do vừa ra viện vì mới bị tai nạn không thể đi làm, chị Mai cùng hai người con chỉ trông chờ vào đồng lương của người chồng đang làm trong khu công nghiệp Thăng Long.
“Số tiền 1,5 triệu đồng thời điểm này là cần thiết với gia đình tôi vì có thể đỡ được tiền nhà đến 2 tháng. Trong khi không thể đi làm, đồng lương của chồng phải gánh cho cả gia đình mấy tháng nay thì đỡ được tiền nhà tháng nào hay tháng đấy”, chị Mai chia sẻ.
Cũng theo chị Mai, mấy tháng nay giá xăng liên tục tăng dẫn đến giá cả của mọi mặt hàng thực phẩm tăng lên chóng mặt. Số tiền hỗ trợ là niềm mong mỏi của tất cả người lao động trong xóm trọ nhỏ. Thế nhưng, phía công ty chị và chồng của chị mới chỉ triển khai việc làm hồ sơ xin hỗ trợ mới chỉ cách đây chưa đầy một tuần.
Còn anh Trần Văn Tuấn (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) cũng cho hay, công ty nới anh làm việc chỉ mới triển khai việc làm hồ sơ vài ngày gần đây. Dù các thủ tục đều được hướng dẫn chỉ tiết và không có gì khó khăn trong việc xin giấy tờ, tuy nhiên nhiều người trong cùng khu trọ của anh đã làm hồ sơ cả tháng nay nhưng đến giờ vẫn chưa thấy thông tin tiền hỗ trợ về tay.
“Bây giờ mới triển khai làm hồ sơ thì không biết bao giờ mới nhận được tiền hỗ trợ nữa trong khi thông tin đã có từ 2 tháng nay. Công nhân chúng tôi chẳng mong gì hơn sớm được quan tâm giải ngân để bù lại quangc thời gian vất vả vì dịch bệnh thời gian vừa qua”, anh Tuấn nói.