Số trẻ mắc sốt xuất huyết liên tục tăng

THANH GIANG 08/06/2022 09:30

Thời gian gần đây, tình hình bệnh sốt xuất huyết tại TP HCM liên tục tăng cao. Theo đó, số ca mắc, ca nặng, ca tử vong đều tăng, Sở Y tế TP HCM cho rằng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao do lăng quăng ở khắp nơi, chỗ nào cũng có, trường học nào cũng có.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM.

Số ca mắc tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng

Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cho biết, thời gian qua bệnh viện ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhi mắc sốt xuất huyết (SXH). Đáng lưu ý, các ca nặng có dấu hiệu gia tăng và nhiều trường hợp trẻ có thể trạng thừa cân béo phì, vô cùng nguy kịch.

BSCK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19 cho hay, bệnh viện đã tiếp nhận bé trai 10 tuổi có thể trạng thừa cân béo phì, mắc SXH. Diễn tiến bệnh của bệnh nhi này diễn ra rất đột ngột khiến gan, thận đồng loạt bị tổn thương. Sau khi can thiệp cùng lúc các phương pháp chống sốc, lọc máu, thay huyết tương, thở máy, bệnh nhi dần dần tỉnh táo, rối loạn đông máu, chức năng gan, thận đã ổn định.

Chủ động diệt lăng quăng để phòng, chống dịch

Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng SXH: - Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP HCM, số ca mắc SXH tại thành phố vẫn ở mức cao. Đặc biệt, số ca SXH nặng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố ghi nhận có 7 trường hợp tử vong, trong đó có 5 ca người lớn, 2 ca trẻ em.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca.

Trong đó, số ca SXH nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Riêng tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6), thành phố có 1.504 ca bệnh SXH, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước.

Thông tin tình hình bệnh SXH, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, đây là bệnh dịch lưu hành tại khu vực phía Nam. Bệnh gia tăng vào mùa mưa và thường có chu kỳ khoảng 3 - 4 năm sẽ có 1 năm số ca mắc tăng cao hơn những năm khác.

Năm 2020 có số ca mắc cao khoảng 25.900 ca. Năm 2021 khoảng 12.600 ca. Tình hình năm nay có khả năng số ca mắc sẽ tăng cao.

Về nguyên nhân bệnh SXH tăng cao, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, qua kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH tại các quận, huyện cho thấy, lăng quăng ở khắp nơi chỗ nào cũng có, trường học nào cũng có.

Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Theo HCDC, trong tuần 22 toàn thành phố ghi nhận 111 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 10 ổ dịch mới so với tuần 21. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 223 ổ dịch và có 5 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Ghi nhận tại một số trường học trên địa bàn thành phố, rất nhiều khuôn viên trường còn nhiều vật chứa đọng nước dễ phát sinh lăng quăng như vỏ xe ô tô cũ, ly nhựa đã sử dụng, thùng rác không nắp đậy và những vật phế thải nằm ẩn trong các bồn cây,... Không chỉ ở các trường học, các công trình xây dựng cũng không đảm bảo vệ sinh trong công tác phòng, chống SXH.

Tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân có một số công trình xây dựng còn đọng nước, còn tồn tại một số vật liệu xây dựng và rác thải rải rác,... Đây là những điểm nguy cơ làm phát sinh lăng quăng và có thể gây bệnh SXH cho những công nhân làm việc cũng như người dân sinh sống xung quanh khu vực này.

“Trước đây, buổi chiều chúng tôi hay cho trẻ nhỏ chạy ra ngoài xóm chơi, nhưng gần đây thấy trẻ ra ngoài chơi bị muỗi đốt nhiều, sợ mắc SXH nên hầu hết phụ huynh cho trẻ chơi ở trong nhà” - bà Trần Thị Ngọc Mỹ (khu phố 7, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) chia sẻ.

Thông tin về công tác phòng, chống dịch SXH, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP HCM) nhận định, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 881 ca bệnh SXH, trong đó có 1 ca tử vong, có 57 ổ dịch và 886 điểm nguy cơ tại 12 xã, thị trấn.

Bà Châu cho biết, huyện đang tăng cường quản lý và kiểm soát các điểm nguy cơ. Phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cấp huyện, xã. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện phòng, chống SXH, tạo điều kiện để dịch bệnh lây lan trên địa bàn huyện.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, mặc dù SXH là bệnh lưu hành tại thành phố, thế nhưng các dấu hiệu năm nay cho thấy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Cụ thể, số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn so với cùng kỳ.

“Dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát nhưng qua kiểm tra cho thấy vấn đề vệ sinh dọn dẹp các vật chứa không dùng xung quanh nhà ở nhiều khu dân cư vẫn còn tồn tại, đặc biệt là các khu đất trống, người dân chưa xây dựng có rất nhiều vật chứa bị vứt bỏ. Bên cạnh đó, một số khu quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án người dân bỏ rác, vỏ xe cái vật chứa nước. Khi trời mưa xuống, các vật chứa này sẽ đọng nước sẽ phát sinh lăng quăng. Đây là vấn đề hết sức quan ngại” - ông Hưng nói.

Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM:

Số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm trước

Lãnh đạo ngành y tế TP HCM rất mong muốn, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 chuyển sang chỉ đạo phòng, chống dịch SXH. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 làm việc rất hiệu quả. Do đó, nếu Ban này chuyển sang chỉ đạo phòng, chống dịch SXH thì rất thành công. Khả năng năm nay sẽ có dịch lớn về SXH theo chu kỳ (khoảng 4-5 năm bùng phát một lần).

Hiện số ca mắc SXH tại thành phố vẫn ở mức cao. Đặc biệt, số ca SXH nặng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố ghi nhận có 7 trường hợp tử vong, trong đó có 5 ca người lớn, 2 ca trẻ em.

Ông Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1:

Không để bệnh trở nặng

TP HCM có số ca mắc SXH tăng cao liên tục là do còn nhiều muỗi. Cần phải thực hiện tốt việc diệt lăng quăng và diệt muỗi tại các khu dân cư, trường học. Riêng về ca mắc SXH nặng thì nguyên nhân chính do sự cảnh giác của người dân và y tế tuyến đầu còn thấp. Theo tôi, khi trẻ bị sốt cao cha mẹ nên theo dõi con trong vòng 48 tiếng, sau đó nên đưa con đi đến cơ sở y tế.

Trường hợp nghi ngờ SXH phải thực hiện các xét nghiệm liên quan và thực hiện đúng các xét nghiệm lại. Cha mẹ cần theo dõi kỹ khi con bị sốt, nếu không để ý bệnh dễ chuyển sang sốc nặng và tử vong.

THANH GIANG