Có thể kéo giảm được giá phân bón?

H.Hương - M.Sang 08/06/2022 13:00

Bộ Tài chính đã từng đưa ra phương án thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong các sản phẩm để bình ổn giá phân bón. Tuy nhiên đề xuất này đang nhận được những luồng ý kiến trái chiều.

Nông dân lao đao vì giá phân bón tăng cao.

Tăng thuế để hạn chế xuất khẩu?

Tại dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc các nhóm mà không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Theo ông Vũ Văn Bằng - Tổng giám đốc Công ty CP DAP - VINACHEM, dự thảo mức thuế suất 5% này là mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước trong nỗ lực bình ổn giá phân bón trong nước, nhưng sợ gây tác dụng ngược.

Cụ thể, ông Bằng phân tích, nhu cầu trong nước đối với chủng loại phân bón DAP 61% chỉ đạt 49% công suất thiết kế. Để tăng sản lượng sản xuất, qua đó hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sự cạnh tranh và cung cấp phân bón cho bà con nông dân giá hợp lý nhất, công ty bắt buộc phải thực hiện xuất khẩu đối với lượng sản phẩm sản xuất ra dư so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Nếu tăng thuế để hạn chế xuất khẩu phân bón thì giá thành sản xuất phân DAP sẽ tăng lên. Như vậy càng khó để giảm giá, thậm chí giá có thể phải tăng thêm để bù đắp giá thành gia tăng. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi tăng thuế, chi phí tăng thêm này, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ phải gánh chịu, như vậy cơ hội để giảm giá phân bón là rất khó khăn.

Phản hồi những ý kiến nói trên, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, mặt hàng phân bón có khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% đến 40%. Theo Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi thì, mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; Đối với mặt hàng phân bón nếu có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên có thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Trong thời gian gần đây, giá cả các nguyên liệu sản xuất phân bón trên thị trường thế giới liên tục tăng mạnh do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cùng với diễn biến dịch Covid -19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi nhu cầu sử dụng ở mức cao. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã hạn chế việc xuất khẩu phân bón để giữ lại nguồn cung cho thị trường nội địa. Trong nước, giá phân bón thời gian qua cũng liên tục tăng cao.

Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng như các Bộ, ngành, địa phương để trình Chính phủ phương án thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón cho phù hợp.

Giá phân bón đã tăng 200%

Do nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu nên những tác động từ thị trường thế giới, dịch Covid-19... đã khiến cho nguyên liệu, vật tư đầu vào sản xuất trong nước tăng và làm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.

Trong đó, nhiều mặt hàng liên quan đến phân bón tăng ngoài sức tưởng tượng. Chẳng hạn phân Urê tăng 136 - 143%, DAP tăng 143 - 164%, Kali tăng 180 - 200% so với tháng 12/2021. Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 45%, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng từ 30 - 35% so với tháng 12/2021. Bộ NN&PTNT nhận định, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao làm chi phí sản xuất và giá sản phẩm nông nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nông sản.

Theo một báo cáo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện nay diễn biến tình hình thị trường phân bón đang có nhiều biến động. Giá các loại phân bón trên thế giới và trong nước liên tục tăng cao, chủ yếu do nguyên liệu dùng cho sản xuất trong nước phải nhập khẩu và các loại nguyên liệu này đã tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Thêm vào đó, tình trạng khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NP cũng góp phần đẩy giá mặt hàng phân bón leo thang.

Bộ NN&PTNT dự báo, trong thời gian tới, thị trường phân bón vẫn diễn biến phức tạp, khó lường về giá và nguồn cung, giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, đẩy nông dân vào thế khó.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu cung cầu nông sản làm công cụ theo dõi sản lượng cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống.

H.Hương - M.Sang