Vốn, chi phí… làm khó nông dân

K. Lê 08/06/2022 14:06

Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ, người nông dân thực sự là chủ thể, theo các chuyên gia kinh tế cần có chính sách đồng bộ về nông nghiệp, trong đó là những cơ chế chính sách ưu tiên về vốn, chính sách trợ giá tạo điều kiện để nông dân tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường.

Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân.

Quay cuồng vốn, chi phí vật tư

Xác định nông nghiệp là thế mạnh chính vì vậy từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; trong đó có quy định về vay vốn không cần tài sản thế chấp, tuy nhiên việc tiếp cận vốn của người nông dân không hề dễ dàng.

Sở hữu 7,5 ha đất, anh Vì Văn Tùng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Đông Sang (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) triển khai mô hình sản xuất đa canh. Theo đó 100% diện tích gieo trồng bắp cải, cà chua, su hào, cải thảo, dâu tây… của HTX đang áp dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Với việc sản xuất theo quy trình này, sản phẩm HTX không gặp khó khăn do đầu ra nhưng để tiếp tục mở rộng sản xuất, hợp tác xã đang gặp khó khăn về vốn.

“Hiện nay Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn khó khăn. Cùng với mong muốn tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, chúng tôi cũng mong được vay nhiều vốn hơn với lãi suất ưu đãi. Có như vậy, nông dân mới mạnh dạn đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất…” - anh Tùng chia sẻ.

Câu chuyện khó tiếp cận vốn không riêng với HTX của anh Tùng mà là vấn đề nan giải hiện nay với người nông dân. Tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ mới đây, nông dân Trần Thị Thanh Thoan đến từ huyện Duy Tiên (Hà Nam) đã thẳng thắn đề cập đến việc nhiều người dân khó tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, khiến nạn tín dụng đen vẫn còn đất để tồn tại.

Cùng với vốn, giá cả vật tư cũng là một trong những vấn đề khiến không ít nông dân phải treo chuồng, thậm chí phá sản vì không thể trụ được trước bão giá trong khi giá thành sản phẩm lại hạ. Đề cập đến vấn đề này, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề.

Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp

Thực tế vấn đề nông nghiệp, nông dân luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Nhiều nghị quyết đã được ban hành nhằm đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp. Tuy nhiên theo các chuyên gia để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ, người nông dân thực sự là chủ thể thì rất cần có chính sách đồng bộ về nông nghiệp, về chuyển đổi lại đất đai phù hợp để trồng trọt. Điều quan trọng cần có những giải pháp để người nông dân tiếp cận nhiều thị trường, vốn.

Về vấn đề này, ông Lương Quốc Đoàn cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các cơ chế, chính sách để con em nông dân khi trưởng thành có cơ hội phát triển kinh tế nông thôn. Điều này đã được đề cập tới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thúc đẩy mạnh đô thị hoá ở nông thôn, để người dân nông thôn có mức hưởng thụ gần hơn với khu vực đô thị. Bên cạnh đó cần phải có cơ chế để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân.

Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hoá bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân và doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống.

Để tháo gỡ về vốn, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

K. Lê